5 điều sếp cần làm ở môi trường mới

Dù bạn chuyển công tác từ nơi khác đến, hay lên chức, thuyên chuyển sang các phòng ban mới,… thì ở vị thế là một người sếp chắc hẳn nên chú trọng xây dựng những thói quen mới vừa giúp dễ dàng hòa nhập lại thuận lợi cho việc quản lý của mình. Trao đổi về chủ đề này, Trưởng phòng Nhân sự công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink đã chia sẻ 5 điều sếp cần làm ở môi trường mới, hãy cùng tham khảo ngay sau đây nhé!

 logo

Kiếm việc làm nhanh chóng tại trang web uy tín careerlink.vn

Có cách làm quen ấn tượng

Thay vì những bài làm quen cũ rích, nhàm chán và không gây ấn tượng gì với nhân viên cấp dưới, bạn cần phải tìm hiểu bao quát về nhân sự và công việc của họ từ đó có cách thể hiện lời chào trân trọng nhưng lại không kém phần dễ gần. Nên nhớ quy tắc cơ bản khi làm quen với mọi người chính là phải tạo lập được sự kết nối và chân thành, bạn nên khuyến khích nhân viên chia sẻ về bản thân nhiều hơn cũng như thăm hỏi ý kiến của họ về công việc và môi trường làm việc chung sắp đến. Bên cạnh đó cần quan tâm những điều bình thường nhất như nhớ tên nhân viên, nắm rõ công việc từng người,… điều này chắc chắn sẽ có ích với bạn.

Trình bày rõ quan điểm, phong cách làm việc

Tiếp đến bạn cần chuẩn bị cho quá trình làm việc cùng. Hầu như trong bất kỳ môi trường mới nào thì một vị lãnh đạo cũng cần đứng lên chia sẻ với nhân viên về bản thân, đặc biệt là những vấn đề chuyên môn mang tính quan điểm. Quan điểm trong công việc không chỉ là giá trị cốt lõi hình thành nên người sếp mà còn là kim chỉ nam dẫn dắt các lớp nhân viên học tập và không ngừng hoàn thiện. Khi chia sẻ rõ ràng quan điểm, phong cách làm việc của mình, bạn sẽ giúp nhân viên hiểu rõ họ sẽ cần phải khắc phục và phát huy những gì để phù hợp với hướng phát triển của công ty.

Xử lý rắc rối, mâu thuẫn một cách thông thái

Thời gian đầu sẽ là thời gian mà cả sếp lẫn nhân viên có thể sẽ gặp những khó khăn nhất định trong nhiều vấn đề. Lúc này bạn cần chứng tỏ vai trò của một người lãnh đạo, cần đứng ra lắng nghe và hòa giải những khúc mắc, phàn nàn của nhân viên đối với công việc hoặc đối với chính bạn. Không nên kích động hay nổi nóng cho dù có thể lỗi ở nhân viên quá nghiêm trọng, mà cần điềm tĩnh và từ từ chỉ dẫn, nhắc nhở để tháo gỡ từng mâu thuẫn một. Sau đó tiến hành những buổi họp mặt để tổng kết rút kinh nghiệm cũng như đề ra các phương án giải quyết cho những rắc rối còn tồn đọng. 

Thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở

Bên cạnh đó việc thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các nhân viên cấp dưới sẽ mang đến nhiều ảnh hưởng tích cực. Điều này giúp nhân viên tin rằng bạn thực sự quan tâm đến quá trình làm việc của họ chứ không phải chỉ thông qua kết quả nộp mỗi kì. Bên cạnh đó việc nhắc nhở cũng giúp bạn dần làm quen và hiểu rõ hơn những thế mạnh và hạn chế của mỗi nhân viên, từ đó có thể chia sẻ phương pháp của bản thân để nhân viên áp dụng, đảm bảo tiến độ công việc chung luôn nằm trong dự tính và đạt được tiêu chí như đã đề ra.

Tìm người hỗ trợ

Cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất mà bất kì vị sếp nào cũng phải rèn luyện ở môi trường mới chính là cách phối hợp trong công việc và xử lí các vấn đề chung liên quan đến nhân sự. Bạn cần tìm cho mình một trợ lý mới phù hợp – người hiểu rõ môi trường làm việc để cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết cũng như là cầu nối giúp bạn phối hợp dễ dàng hơn với những nhân viên còn lại. Việc làm này còn thể hiện bạn tôn trọng những cấp dưới, sẵn sàng chia sẻ quyền thể hiện quan điểm, đề ra những chiến lược sáng tạo cho dự án trong tương lai.

Trở thành quản lý là một trải nghiệm học tập liên tục và có lẽ sẽ không bao giờ là điều dễ dàng. Tuy nhiên, hãy thực hiện nghiên cứu của bạn, đặt kỳ vọng, hỗ trợ nhân viên hoàn thành các nhiệm vụ được giao và bạn sẽ có một khởi đầu tuyệt vời.

 

Tiến Huy