Biệt điện Bảo Đại – Không gian xanh mát giữa lòng phố núi

Khuôn viên khu di tích Biệt điện vua Bảo Đại thuộc quản lý của Trung tâm quản lý Di tích Đắk Lắk, là một trong những địa điểm còn bảo tồn nhiều cây cổ thụ đa chủng loại với diện tích lớn, mang dấu ấn lịch sử lâu đời. Cảnh quan nơi đây không chỉ đẹp mà còn mang vẻ cuốn hút của núi rừng Tây nguyên bởi những cây gỗ quý có tuổi đời hàng trăm năm tuổi.

Nằm ngay giữa trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tọa lạc tại số 2 Y Ngông, khuôn viên Biệt điện Bảo Đại được bao bọc bởi 3 cung đường chính là Lê Duẩn, Y Ngông (trước đây là đường Nguyễn Du) và đường Lê Hồng Phong. Khu biệt điện được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp và là một trong những điểm dừng chân không thể bỏ qua trong chuyến hành trình đến với Tây nguyên của nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Trong lịch sử khu biệt điện do Công sứ Pháp xây dựng vào năm 1927 và có tên là Tòa Công sứ, sau đó nó được giao lại cho vua Bảo Đại làm nơi nghỉ dưỡng và săn bắn, nên về sau gọi là Biệt điện Bảo Đại. Trải qua nhiều lần trùng tu, thế nhưng có thể nói Biệt điện Bảo Đại vẫn giữ được cốt cách và cái hồn riêng của mình.

1.Khuôn viên Biệt Điện Bảo Đại được bao phủ một mà
Khuôn viên Biệt điện Bảo Đại được bao phủ một màu xanh.

Với diện tích khá rộng khoảng 7ha, khuôn viên biệt điện được biết đến là nơi tập trung nhiều cây xanh, đa dạng về chủng loại, kích thước và là nơi duy nhất trong thành phố còn bảo tồn nhiều cây nguyên sinh và cây cổ thụ có tuổi thọ hơn trăm năm như cây long não, bằng lăng, châm mũi nhọn, cà chít… tạo nên một không gian văn hóa mang tính chất lịch sử, tâm linh của cộng đồng các dân tộc sinh sống tại Đắk Lắk.

2.Di tích Biệt Điện nơi trưng bày các hiện vật của
Di tích biệt điện nơi trưng bày các hiện vật lịch sử.

Trong đó có thể kể đến nổi bật nhất là cặp cây long não đối xứng hai bên cổng vào khu di tích Biệt điện Bảo Đại với chu vi 8m, đường kính gốc 2,5m, cao gần 30m với gần 100 tuổi và được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vinh danh là cây di sản Việt Nam vào giữa tháng 12 năm 2014.

Ông Trần Hùng – Giám đốc Trung tâm Quản lý Di tích Đắk Lắk cho hay: “Toàn bộ diện tích cây xanh trong khu Biệt điện Bảo Đại do trung tâm chúng tôi quản lý và bảo tồn. Hiện tại có thể nói đây là nơi duy nhất trong thành phố còn bảo tồn nhiều cây xanh cổ thụ và đặc biệt chúng tôi cũng rất vinh dự khi cặp cây long não được công nhận là cây di sản. Trong tương lai khu di tích sẽ còn nhiều cây cổ thụ được vinh danh là cây di sản cấp quốc gia”.

3.Cặp cây Long não  đối xứng trăm tuổi
Cặp cây long não trăm tuổi.

Được biết, cặp cây long não này được trồng từ thời vua Bảo Đại mới xây dựng khu này, chúng giờ đây chính là nhân chứng lịch sử đã chứng kiến bao thăng trầm theo thời gian của nơi này, cảnh vật, cây cối từ trước đến nay vẫn thế chỉ có chăng là tuổi thọ, hình dạng và màu sắc của chúng đã dần đổi thay.

4
Bao trùm khuôn viên những tán cây cổ thụ tạo nên một không gian thoáng mát, mỗi mùa chúng lại khoác lên mình những màu áo riêng hiện lên một khung cảnh quyến rũ đến xao động lòng người.

Cô Lương Thị Ngọc Huân – Giáo viên Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: “Là giáo viên dạy môn lâm sinh có cơ quan gần đây, những giờ học nhóm tôi thường dẫn các học trò của mình vào khuôn viên biệt điện để thực hành. Nơi đây rộng rãi thoáng mát, có hàng cây xanh bao phủ vừa trong lành lại vừa giúp các em học trò tập trung trong học tập”.

Theo nguoitieudung.com.vn