Những mảnh ghép dọc đường

Hơn hai chục năm sống ở Sài Gòn, có nhiều thứ để bận tâm nhưng anh vẫn hay đặc biệt chú ý đến những phụ nữ lam lũ. Chắc bởi họ nhắc anh nhớ đến mẹ và các chị của anh ở quê. Họ, có thể chỉ là người anh gặp dọc đường, hoặc có một thời gian tiếp xúc đủ lâu để hé mở một vài lát cắt trong cuộc đời của họ.

Như người phụ nữ mà ngày nào anh cũng gặp trên cầu Vĩnh Bình – cây cầu dọc quốc lộ 13, phân giới giữa địa bàn TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Bà ngồi sát lan can nhịp giữa cầu, cô đơn nhưng mạnh mẽ sau chiếc xe đạp và một lô lốc những túi đựng vỏ chai nhựa, lon bia. Anh vẫn không xác định được tại sao bà lại luôn ngồi ở đó vào thời điểm sáu giờ mười lăm phút mỗi sáng khi anh ngang qua. Ban đầu, anh đoán chắc bà dừng lại để nghỉ sau một đoạn dốc lên cầu. Nhưng cái cách bà thu xếp mọi thứ quanh mình thì giống như bà định ngồi rất lâu ở đó, dựa lưng vào lan can cầu, chiếc xe đạp và các bao đồ vây quanh. Nếu chọn một chỗ ngồi để mong chờ được sự giúp đỡ của người khác thì cũng không hợp lý. Bởi tâm lý chung, không ai dừng lại giữa cầu để vấn an hoặc bày tỏ lòng tốt của mình, nó không an toàn. Cũng chưa bao giờ anh thấy bà có vẻ như muốn gây chú ý hay chờ đợi lòng thương hại. Có hôm, anh thấy bà chắp tay và nhắm mắt như đang cầu nguyện. Bà ngồi đó, tự tại như trong ngôi nhà của mình. Ừ, mà bà ở đâu, có gia đình con cái gì không? Những câu hỏi ấy đôi khi thoáng qua trong đầu anh rồi cũng lăn đi, theo vòng bánh xe qua cầu.

Nhung-nguoi-phu-nu-lam-lu-Tanman-718-2017
Thềm nhà có hoa (Tranh Ngô Thanh Hải)

Một người khác làm anh nhớ là người phụ nữ bán cà phê trên đường Phạm Ngọc Thạch. Theo một anh bạn kiến trúc sư thì bà có nụ cười rất điện ảnh. Một trong những lý do anh em thích ngồi lề đường với bà là bởi bà có một chiếc bàn bằng gỗ hình tam giác rất “art”. Nhiều người đã gạ bà để lại chiếc bàn ấy nhưng bà chỉ cười. Nó như cái duyên của tui mà để lại cho các cậu thì còn gì nữa! Nhắc tới chữ duyên, anh mới nhớ là hình như bà với anh có duyên. Bởi rất nhiều người ngồi uống cà phê, nhưng chỉ riêng anh được bà tâm sự rất nhiều. Bà gốc miền Trung, vào Sài Gòn trước 1975. Dù chỉ bán quán cà phê vỉa hè nhưng bà biết rất nhiều chuyện về báo giới Sài Gòn thời trước. Đặc biệt, bà rành rẽ các con hẻm, lai lịch những ngôi nhà, nhân vật trong khu vực mà bà đang sống, cả câu chuyện liên quan đến những ngôi nhà ấy, vừa hiện thực vừa huyền ảo, rất khó tin nhưng bà cam đoan là có thật và bà chính là người đã trải qua. Anh thích cách bà kể chuyện, nó không giống kiểu ngồi lê đôi mách mà là kiểu tâm sự về đời mình, đời phố… Nghe bà kể, anh cứ nghĩ rằng sau này, nếu muốn viết về Sài Gòn ở một góc nhìn gần gũi, đời thường thì nó phải được kể từ chính những người như bà. Có lẽ, bà là một trong những “bà mẹ đơn thân” đầu tiên mà anh biết. Khi đã thân, bà kể chuyện của bà, chuyện đứa con trai đang học cấp 3 và những băn khoăn lo lắng về nó, rồi nhờ anh tư vấn. Anh thì, xét về tuổi đời và vốn sống đều chẳng là gì so với bà, nhưng vô cùng cảm động khi được bà tin cậy. Có lúc bà khoe riêng với anh là bà trúng số độc đắc, đã mua được căn nhà nhỏ ở đường Cách Mạng Tháng Tám, nhưng vẫn ra vỉa hè này ngồi vì không muốn con trai biết mình có tiền. Sợ nó hư. Ngồi ở quán cà phê, anh cũng thường xuyên mua vé số mà chẳng bao giờ trúng. Chắc bà cũng thấy tội nghiệp nên có lần bà đưa anh một tờ vé số. Tặng cậu đấy, tôi đã dò rồi, trúng rồi, cậu ra đại lý đổi đi. Xem như lộc tôi chia! Anh cầm, cứ nghĩ là một cái giải trúng chót hai số nào đó, chủ yếu là vui. Nhưng lúc ghé đại lý, anh rất bất ngờ. Việc cũng lâu rồi, gần chục năm, anh không nhớ tờ vé số thời điểm đó là giải mấy nhưng anh đổi được hai triệu đồng. Khi chuyển sang công ty khác, do trái đường nên anh ít ghé vỉa hè của bà. Một ngày quay lại thì không thấy chiếc bàn hình tam giác nữa. Vẫn là một quán cà phê vỉa hè nhưng thay vào nụ cười điện ảnh xưa là một phụ nữ trẻ xa lạ. Anh hẫng như đã lỡ bỏ qua một điều gì đó trong đời mình. Hình như anh với bà chưa nói lời tạm biệt.

Như đã nói, ít nhiều thì những người phụ nữ đều gợi anh nhớ về mẹ. Trong những câu chuyện hoặc hình ảnh của họ, anh đều cố gắng tìm kiếm một chút ký ức về mẹ anh. Bởi, bà cũng đã có một thời con gái sống ở Sài Gòn. Mẹ anh nhắc tên những con đường, những địa danh mà anh nghe vừa lạ vừa quen, bởi đã mấy chục năm, những con đường ấy nhiều khi cũng thay đổi. Có lần, mẹ anh lên Sài Gòn dự đám tang của một người thân, anh tranh thủ dẫn bà đi qua một vài con đường mà theo như anh tìm hiểu, chính là những nơi mà thời con gái mẹ anh đạp xe qua lại mỗi ngày. Anh hỏi bà có nhận ra không, mẹ anh ngơ ngác nhìn và chẳng còn nhận chút gì. Cho đến lúc đi qua cầu Băng Ky (đường Nơ Trang Long), mẹ anh mới ồ à, vì hình như đây là con đường ngày xưa bà chạy từ trung tâm về Gò Vấp. Anh cũng chẳng biết có đúng không, nhưng chỉ cần một kỷ niệm sáng lên trong lòng bà, cũng vui.

Ờ, mà cũng có thể nếu như cái thời loạn lạc ấy mẹ anh không về quê, biết đâu giờ này bà cũng là một mảnh ghép nào đấy trong đời sống thị dân lam lũ còn rất đông mà anh gặp ở Sài Gòn hôm nay…

Theo doanhnhansaigoncuoituan.com.vn