Park Geun-hye trở lại dinh tổng thống sau 33 năm

 

Park, sẽ bước sang tuổi 61 vào tháng 2, đã trải qua một cuộc chạy đua lâu dài và khó khăn để có được chiến thắng hôm nay sau khi bà thất bại trước tổng thống sắp mãn nhiệm Lee Myung-bak trong cuộc chọn lựa ứng viên của đảng tham gia bầu cử tổng thống 2007. Chỉ vài tháng qua, bà cũng đã đương đầu cam go với những đối thủ tự do.

Tổng thống vừa đắc cử Park Geun-hye. Ảnh: AP

Nổi tiếng là một chính khách tôn trọng các giá trị nguyên tắc và lòng tin, hành động của bà Park đã minh chứng điều đó, và nó là lời hiệu triệu cử tri Hàn Quốc một cách mạnh mẽ. Sau 15 năm là nghị sĩ trong quốc hội, bà Park đã có nhiều thành công chính trị như việc xây dựng thành phố trung tâm Sejong – “di sản” mà chính quyền của ông Lee thừa hưởng từ chính phủ tự do tiền nhiệm và cố gắng trì hoãn nó.

Nỗi đau nữ chính khách

Nữ nghị sĩ cũng đã dẫn dắt đảng bảo thủ Saenuri đi qua một số cuộc khủng hoảng ở cương vị chủ tịch hay lãnh đạo lâm thời. Tuy nhiên, những người phê bình thì cố gắng tập trung vào những yếu điểm của bà như quan điểm lịch sử với chế độ độc tài hồi cha bà nắm quyền, hạn chế của bà trong giao tiếp với nội bộ thành viên trong đảng và cả công chúng.

Sinh năm 1952, là chị cả trong gia đình, bà Park chuyển tới dinh tổng thống hồi đầu năm 1964, ngay khi cha bà lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự năm 1961. Vị tướng quân đội trở thành tổng thống kể từ đó đã đạt được nhiều thành tựu trong việc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá và phát triển kinh tế thời hậu chiến (sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953) nhưng cũng để lại dấu ấn tiêu cực vì sự độc tài.

Sau thời gian học trung học, bà Park ghi danh vào Đại học Sogang ở Seoul năm 1970 ngành kỹ sư điện tử – một quyết định khác thường với phần lớn phụ nữ Hàn Quốc thời đó. Tốt nghiệp đại học, bà tới Pháp đầu năm 1974 tiếp tục công việc nghiên cứu nhưng trở về nước vào tháng 8 sau khi mẹ bà thiệt mạng trong vụ ám sát nhằm vào cha bà.

Trong cuốn tự truyện, bà mô tả cú sốc ấy như cơn gió lạnh và luôn là để lại khoảng trống lớn trong tim. Năm 1979, tới lượt cha bà bị một viên sĩ quan tình báo bắn chết. Theo cuốn tự truyện, bà Park kể lời đầu tiên trước khi biết tin dữ, bà đã hỏi “Mọi thứ đều ổn ở tiền tuyến chứ?”. Thời điểm đó, dù chiến tranh kết thúc, nhưng hai miền Triều Tiên về lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh vì chỉ ký kết hiệp định ngừng bắn chứ không phải hiệp ước hoà bình.

Tận hiến cho hạnh phúc người dân

Bà Park dành 18 năm trời “ẩn dật”. Bà dồn hết thời gian vào đọc sách lịch sử và triết học, thăm các di sản văn hoá khắp đất nước với nỗ lực mở rộng tầm hiểu biết. Bà trở lại chính trường năm 1997 khi gia nhập đảng Đại dân tộc (GNP) – tiền thân của đảng Saenuri và ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng viên Lee Hoi-chang.

Tháng 4 sau đó, bà giành ghế nghị sĩ tại quê hương Daegu và sớm thăng tiến trong đảng. Khi các yêu cầu cải tổ chính trị của bà bị GNP từ chối năm 2001, Park ra khỏi GNP và quyết định thành lập đảng mới. Tháng 5/2002, bà thăm Triều Tiên và có cuộc gặp với cố lãnh đạo Kim Jong-il.

Sau đó, bà tái nhập GNP sau khi nhiều yêu cầu cải cách được đáp ứng và minh chứng khả năng lãnh đạo của mình với hàng loạt thắng lợi trong các cuộc bầu cử. Cũng kể từ đó, bà có danh xưng “Nữ hoàng bầu cử”.

Tổng thống mới đắc cử nói rằng, bà tôn trọng cha bởi ông yêu đất nước hơn bất cứ ai và ông mắc kẹt trong những nguyên tắc của mình khi làm lãnh đạo. Nhiều người lại cho rằng sức cuốn hút của bà xuất phát từ cá tính, chứ không phải từ chính sách.

Trước cuộc bầu cử quốc hội hồi tháng 4, bà đã gây ấn tượng với các cử tri bằng chiến dịch không mệt mỏi, bắt tay người dân cho tới khi tay bà phải băng bó lại vì đau. Bà được những người ủng hộ tôn sùng như là người phụ nữ đã hy sinh tất cả vì đất nước, mất cả cha và mẹ, rồi không kết hôn, không con cái…

Là phụ nữ chưa từng kết hôn, Park nói rằng, bà đã “lập thân” với đất nước và cam kết sẽ chỉ nghĩ về hạnh phúc của người dân.

Giờ đây, người dân Hàn Quốc đã cho bà cơ hội làm điều đó. Rất nhiều người hy vọng bà sẽ thành công trong việc “đại đoàn kết dân tộc”. Lời bà hứa sau nhiều tranh cãi về di sản người cha để lại và cam kết hàn gắn vết thương của những người đã trải qua thời kỳ cầm quyền của cha bà.

Thái An (theo Yonhap)