Quá khứ vàng son xứ Ba Tư ở Isfahan

Từ Teheran, chúng tôi đến thăm thành phố Isfahan trên chuyến xe lửa khởi hành lúc rạng đông. Phố phường đông đúc của thủ đô Iran nhanh chóng nhường chỗ cho làng mạc toàn đắp bằng đất khá đẹp mắt. Đất nước này chủ yếu là hoang mạc, vùng nông thôn cây cối thưa thớt. Dù vậy, dưới ánh nắng đầu ngày rực rỡ, thôn xóm vẫn đầy sức sống. Bên cạnh các ngôi nhà đất được trang trí cầu kỳ, những tháp nuôi chim bồ câu, tháp phơi nho (làm nho khô) trông chắc chắn, vững chãi như những lô cốt chiến đấu. Màu tường hòa lẫn với màu đất, nhìn có vẻ khắc khổ nhưng vẫn bắt mắt.

Những bất ngờ về lòng hiếu khách

Trái với hệ thống xe taxi cũ kỹ thảm thương, xe lửa ở Iran khá tiện nghi, giá rẻ hơn ở Việt Nam. Sáu giờ đồng hồ chung toa với một nhóm sinh viên thủ đô, chúng tôi càng có thêm cảm tình với người dân xứ này. Họ thân thiện, cực kỳ hiếu khách và trình độ hiểu biết cao. Tính hào sảng của dân Ba Tư khiến không ít du khách chưa hiểu biết nhiều về đất nước này phải bối rối. Chẳng hạn như đêm hôm trước ở Teheran, chúng tôi ghé tiệm mua bánh ngọt thì tiệm bánh vừa đóng cửa, đang đứng tần ngần định tìm tiệm khác, bỗng có một người đàn ông luống tuổi đi ngang dúi vội vào tay tôi một bọc nhỏ rồi đi mất. Mở bọc ra thấy mấy chiếc bánh ngon lành. Mang bánh về, chúng tôi kể lại câu chuyện với anh lễ tân khách sạn. Anh chàng bảo mọi người cứ ăn thoải mái đừng ngại, bởi vì đây là chuyện thường thấy trên đất nước anh. Có nhiều du khách khi ăn tiệm còn được khách địa phương ở bàn kế bên… trả tiền hộ để tỏ lòng mến khách của người Iran!

Thanh-pho-Isfahan-Iran-DDDT-719-2017-1
Phong cảnh thiên nhiên ở gần Isfahan
Thanh-pho-Isfahan-Iran-DDDT-719-2017-7
Những chiếc cầu cổ xưa làm nên vẻ thơ mộng cho cố đô

Isfahan không hổ danh là thành phố đẹp nhất Iran. Trong quá khứ, đây từng là kinh đô phồn hoa nhất thế giới Hồi giáo. Vào những thời kỳ đế chế Ba Tư hùng mạnh, vàng bạc châu báu khắp nơi đổ về vị trí chiến lược trên con đường Tơ Lụa này, lại thêm tài năng của hàng vạn kiến trúc sư cùng thợ thủ công xuất sắc, Isfahan có nhiều công trình tuyệt tác trở thành biểu tượng của cả vùng Trung Á. Dù thời gian có phủ lên phố phường lớp bụi mờ thì những khu chợ sầm uất, những đại lộ rộng lớn lót đá đều tăm tắp vẫn phô bày vẻ giàu có của một thời chưa xa. Giữa trưa, bầu trời trong xanh, gió mát thoang thoảng. Khí hậu Isfahan dễ chịu như ở Đà Lạt, và xét về độ lãng mạn thì cũng chẳng thua kém. Không có núi đồi chập chùng nhưng cố đô có nhiều cây cầu cổ bằng đá rất thanh lịch bắc ngang dòng sông Zayanderud. Tôi thích nhất chiếc cầu hai tầng Khaju. Khaju được xây cách đây gần năm thế kỷ, dài hơn 130 mét, có 14 mái vòm. Cây cầu còn có công năng như một kênh đập nước, điều hòa dòng chảy của con sông. Giữa cầu có phần mái hiên với những bức tranh nghệ thuật độc đáo. Đây cũng là nơi các vị vua xưa thường ngồi hóng mát và ngắm sông, cổ vũ đua thuyền.

Thanh-pho-Isfahan-Iran-DDDT-719-2017-6
Cầu Khaju lúc sông cạn nước
Thanh-pho-Isfahan-Iran-DDDT-719-2017-4
Giới trẻ hóng mát trong chiếc cầu hay tầng Khaju

Buổi chiều, giới trẻ Isfahan thích ngồi tụ tập tại các cây cầu. Nhóm công chức hay người có tuổi thì thường thư giãn tại Imam, quảng trường khép kín lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Thiên An Môn. Trên quảng trường hiện vẫn còn dấu tích cột cầu môn của sân chơi polo hơn bốn trăm năm trước. Cưỡi ngựa đánh polo là môn thể thao được dân Ba Tư cổ rất ưa thích.

Thanh-pho-Isfahan-Iran-DDDT-719-2017-3
Quảng trường Imam lúc lên đèn
Thanh-pho-Isfahan-Iran-DDDT-719-2017 ok
Buổi chiều ở cố đô xứ Ba Tư

Quảng trường Imam được bao quanh bởi nhiều công trình cổ xưa như các thánh đường Hồi giáo, quần thể cung điện Hoàng gia… Chỉ trên một khu vực chưa đầy cây số vuông này đã có thể thấy sự quần tụ của bốn nhóm quyền lực: điện Ali Qapu giữ vai trò một khải hoàn môn dẫn vào hoàng cung là biểu tượng của chính quyền. Giáo đường Sheikh Lotfollah tượng trưng cho thần quyền dòng Shia. Giáo đường Imam tượng trưng cho dân quyền bởi là nơi quy tụ đức tin và là nơi tụ hội của dân chúng. Thẳng hướng giáo đường Imam sang phía bên kia của quảng trường là baazar, khu chợ Ba Tư, biểu tượng của giới kinh doanh tài phiệt. Bốn quyền lực không chỉ quần tụ quanh một quảng trường mà còn hòa hợp cấu thành một hệ thống xã hội hưng thịnh.

Còn đó những cung vàng điện ngọc

Khải hoàn môn Ali Qapu cao đến bốn mươi tám mét. Trên đỉnh có phòng hòa nhạc dành cho hoàng gia. Từ trên cao ấy, chiếu thẳng sang bên kia quảng trường theo chiều ngang là giáo đường Sheik Lotfollah. Giáo đường này độc đáo bậc nhất xứ Ba Tư, là một kỳ quan kiến trúc được xây dựng bằng những viên gạch gốm khảm bảy màu: xanh đậm, xanh nhạt, trắng, đen, vàng, xanh lá cây và vàng. Bên cạnh đó, các nét khắc thư pháp trang trí cũng làm nên nét đặc biệt trong kiến trúc của ngôi thánh đường. Sheik Lotfollah được bao quanh với bốn cổng và các đường đi có mái vòm. Cổng chính cao 30m có hình dạng như một vòng tay chào đón, mời gọi và hướng dẫn đám đông bên ngoài vào nơi trú ẩn an toàn và tái sinh. Mái vòm được lợp bằng gạch nhiều màu sắc, cả bên trong và bên ngoài, phản chiếu ánh sáng mặt trời, trông như một viên đá quý màu ngọc lam và có thể nhìn thấy từ rất xa. Hầu hết các di tích của Iran bán vé đồng giá cho du khách nước ngoài là 200.000 rial – khoảng 140 ngàn đồng Việt Nam. Cũng tốn khá bộn nếu đi nhiều, tuy nhiên các kiến trúc ở đây đều có phần trang trí bên trong tuyệt vời, rất xứng đáng với đồng tiền bỏ ra.

Thanh-pho-Isfahan-Iran-DDDT-719-2017-5
Mái vòm lộng lẫy chốn Hoàng gia

Đặc biệt và ấn tượng nhất phải kể đến Jameh – đền thờ Hồi giáo lớn nhất toàn xứ Ba Tư. Jameh là một quần thể tổng hòa của những đền thờ xây dựng qua nhiều thời kỳ và nhiều trường phái kiến trúc. Đền xây trên nền móng một ngôi đền Hỏa giáo từ hơn hai ngàn năm trước. Ngôi đền Hồi giáo đầu tiên do người Seljuk từ Thổ Nhĩ Kỳ đến xây vào thế kỷ XI. Được một thế kỷ thì đền bị cháy, phải xây dựng lại vào năm 1121. Trên những cổng vào cao vút, phần trang trí có chỗ theo kiểu hình học đặc trưng trường phái Seljuk, có chỗ hoa lá rườm rà kiểu Hồi giáo điển hình, lại có sảnh cầu nguyện mùa đông tuyền một màu trắng xây dưới thời hoàng đế Timur từ Samarkand đến. Chính điện có cả một rừng cột đá khổng lồ chống đỡ cho những vòm mái cao rộng.

Tiếp đến, quần thể hình chữ nhật khép kín quanh quảng trường là bốn dãy caravanserai, vốn là khu nhà trọ thời xa xưa. Ngày đó, các đoàn thương nhân đến đây sau một chặng dài trên sa mạc sẽ chọn phòng nghỉ lại, dỡ hàng khỏi lưng lạc đà gửi vào trong nhà kho, cho lạc đà ăn uống rồi tìm niềm vui trong những lữ quán ồn ào. Ở chính giữa quảng trường có một hệ thống vòi phun nước, ai đi dạo mỏi chân rồi thì xin mời ngồi trên bãi cỏ hoặc ghế đá bên cạnh mà nhìn ngắm cuộc sống sinh động trước mắt.

Thanh-pho-Isfahan-Iran-DDDT-719-2017-2
Bên trong một thánh đường cổ xưa

Ngoài những cung điện thánh đường đồ sộ trên quảng trường Imam, chúng tôi còn đi thăm vài nhà thờ dân dã và cổ kính hơn quanh khu chợ bazzar rộng mênh mông. Một số kiến trúc chớm nhuốm vẻ tàn tạ, và có lẽ đã quá lâu đời nên phần gạch men trang trí ít hơn phần đắp bằng đất trần, song cũng nhờ vậy mà có vẻ đẹp trầm mặc riêng. Thời huy hoàng nhất của đế chế Ba Tư đã qua, không phải công trình nào cũng giữ được vẻ lấp lánh, nhưng nét kiêu hãnh của một thời cực thịnh thì còn nguyên vẹn trên vòm cao cột lớn, trên cả những hình vẽ kỷ hà nhiều sắc màu ảo diệu.

Theo doanhnhansaigoncuoituan.com.vn