Tiểu bậy bị phạt tiền và tâm tư của người dân

Việc xử phạt người tiểu tiện bậy nơi công cộng được dư luận hoan nghênh vì giúp góp phần làm văn minh đô thị, nâng cao ý thức… nhưng cũng khiến người đi đường tâm tư.

Mong có thêm nhà vệ sinh công cộng

Theo nghị định 155/2016/NĐ – CP, từ ngày 1/2/2017, mức phạt tiền sẽ tăng gấp 10 lần với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ và nơi công cộng.

Cụ thể, người tiểu tiện bậy sẽ bị phạt từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng (quy định cũ 200.000 – 300.000 đồng). Sau khi nghị định được thực hiện, nhiều người vẫn chưa nắm hết hoặc ngỡ ngàng với mức phạt.

IMG_20170218_131747
Ở công viên Tao Đàn có một nhà vệ sinh hiện đại, nhưng muốn vào đây người đi đường phải gửi xe gần đó hoặc để xe ngoài đường. Ảnh: Quang Bình

Theo ghi nhận của phóng viên, người dân tại một số tuyến đường lớn và ở khu vực trung tâm thành phố cho biết, việc xử phạt tiểu bậy là việc làm đúng đắn, giúp thành phố văn minh, sạch sẽ hơn… Tuy nhiên, hiện nhà vệ sinh công cộng rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu.

“Tôi chạy xe ôm ở đường Lý Thường Kiệt này đã 5 năm, nhưng nguyên con đường lớn này không có nhà vệ sinh công cộng nào cả. Tụi anh thường phải đi ké hoặc kiếm khu vực nào vắng người để “giải quyết nỗi buồn”, anh V. cho biết.

Tại khu vực trung tâm thành phố, khu vực công viên Tao Đàn (Q.1) có hai nhà vệ sinh công cộng. Nhưng muốn vào nhà vệ sinh của công viên thì người đi đường phải gửi xe máy hoặc để xe ngoài đường, thậm chí là đi ngược chiều đoạn đường Trương Định.

Tương tự, khu vực công viên 30/4 cũng không có bất cứ nhà vệ sinh công cộng nào. Người đi đường hoặc du khách muốn đi vệ sinh thường phải vào các quán cà phê hoặc trung tâm thương mại.

Bên cạnh đó, công viên Bách Tùng Diệp (Q.1, đối diện với TAND TP) có nhà vệ sinh nhưng nằm sâu ở bên trong và rất khó thấy… để đi “giải quyết bầu tâm sự”.

IMG_0979
Có nhiều nhà vệ sinh công cộng nằm sâu ở bên trong công viên, khiến nhiều người không biết. Người đi đường muốn đi vệ sinh phải đi một đoạn rất xa. Ảnh: Quang Bình

Anh Tâm (ngụ Q.10) cho biết: “Tôi làm ở Q.1, nhiều lúc đi trên đường thì bỗng dưng mắc tiểu, tôi đành phải chạy ngược về nhà hoặc ráng nhịn cho tới công ty. Đôi lúc cũng nhìn ngoài đường có nhà vệ sinh công cộng nào không để vào, nhưng liếc mắt hoài không thấy. Tôi thấy nhà vệ sinh công cộng đã ít, nhịn tiểu quá lại sợ mắc bệnh”.

Chưa hết, nhiều người còn cho biết, hiện có một số nhà vệ sinh công cộng không đảm bảo vệ sinh, vào một lần là khiếp.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, trên địa bàn thành phố có khoảng 208 nhà vệ sinh công cộng. Trong đó, trên các tuyến đường, công viên, bến xe, chợ có khoảng 155 nhà vệ sinh công cộng.

Tại các khu vực, địa điểm thu hút du lịch như: Bảo tàng Di tích lịch sử, Bảo tàng TP.HCM, chợ Bến Thành, chợ Tân Định, Thảo Cầm Viên, bảo tàng Tôn Đức Thắng… có khoảng 53 nhà vệ sinh công cộng.

Nhịn tiểu lâu có thể mắc nhiều bệnh

Theo một số chuyên gia y tế, trung bình bàng quang có thể chứa tối đa khoảng 420 ml chất lỏng (khoảng 8 ly nước). Trên con số này, bạn sẽ có cảm giác rất mót, 600ml thì đau tức không thể chịu được.

Khi bàng quang đầy, cơ chế phản hồi tự động gửi một tín hiệu lên não để giục bạn chạy đến nhà vệ sinh gần nhất. Nhưng đối với nhiều người có thói quen nhịn tiểu sẽ dẫn đến nhiều bệnh lý gồm: Nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm bàng quang kẽ, suy thận và sỏi thận, giảm ham muốn tình dục và gây vô sinh…

Các chuyên gia y tế cũng khuyên nên đi tiểu đúng lúc để tránh ảnh hưởng sức khỏe. Nếu nhịn chỉ nên giới hạn trong khoảng thời gian cho phép…và nên xả ra ngoài đúng lúc.

Đối với những người hay thường xuyên ở ngoài đường nên hạn chế uống nước nhiều. Người có mắc bệnh tiểu nhiều lần thì cần hạn chế đồ uống có ga. Vì những loại đồ uống này rất dễ kích thích bàng quang.

Theo nguoiwtieudung.com.vn