“Tôi lao động nghiêm túc và say mê”

Normal
0

false
false
false

MicrosoftInternetExplorer4


/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt;
mso-para-margin:0in;
mso-para-margin-bottom:.0001pt;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:10.0pt;
font-family:”Times New Roman”;
mso-ansi-language:#0400;
mso-fareast-language:#0400;
mso-bidi-language:#0400;}

Đam mê thời thơ ấu

Tôi đến với văn học một cách tự nhiên. Từ bé, tôi đã có thói quen đọc sách và theo thời gian sách dần trở thành niềm đam mê trong tôi. Khi tôi đọc một tác phẩm có lời văn “hay và đẹp” (tôi muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa sâu xa và tính thẩm mỹ của ngôn từ), tôi lại ao ước sau này mình cũng có thể dịch hoặc viết được những trang sách như thế.

Tôi không học chuyên văn, nhưng tôi viết báo từ thời còn là học sinh – sinh viên và đã từng được giới thiệu cây bút trẻ trên các trang báo học trò cũng như có vài tác phẩm viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh được giải. Ngày xưa, tôi còn có ước mơ trở thành họa sĩ. Nhưng tôi đã không theo đuổi con đường nghệ thuật và văn học mà chọn một ngành khá thời thượng lúc bấy giờ là tiếng Anh. Tôi không phủ nhận một chút thực tế trong việc chọn ngành của tôi, nhưng tôi nghĩ: chúng ta không thể đạt được mục đích của mình nếu chỉ có sự tính toán mà thiếu niềm đam mê. Tôi là người có nhiều sở thích và giữa rất nhiều sở thích đó, tôi đã suy nghĩ rất kỹ để chọn cho mình một ngành học mà tôi nghĩ rằng mình sẽ ứng dụng được nhiều nhất.

Đến với nghề dịch sách

Con đường học vấn và thi cử của tôi khá suôn sẻ. Tốt nghiệp đại học, tôi vào TP.HCM lập nghiệp ở tuổi 22. Công việc đầu tiên của tôi là phiên dịch – dịch thuật cho một công ty tư vấn của Mỹ. Ở đây, tôi học được cách làm việc chuyên nghiệp, được sống trong môi trường văn hóa đầy trí tuệ và được làm việc cùng một dịch giả giàu kinh nghiệm – dù dịch sách cũng chỉ là nghề tay trái của ông.

Thời đi học, tôi vẫn thích dịch những truyện ngắn để giữ lại cho bản thân. Tôi nhớ mình đã từng nói với một người bạn rằng nhất định sau này tôi sẽ dịch sách và sẽ tặng bạn tôi những cuốn sách đó. Và khi làm việc với một số dịch giả, tôi càng tin mình hoàn toàn có thể theo được nghiệp này. Nhưng tôi chưa bước vào nghề dịch sách ngay lúc ấy. Sau 3 năm làm việc ở công ty đầu tiên, kết thúc dự án, tôi tham gia một công ty tư vấn nguồn nhân lực trong vai trò trưởng phòng dịch vụ ứng viên. Công việc đem lại cho tôi những khám phá mới mẻ vì tôi được tiếp xúc rất nhiều người có vốn sống và kinh nghiệm khác nhau qua các buổi phỏng vấn. Tôi vẫn mê đọc và chợt nhận ra rằng: cho dù làm bất cứ nghề gì thì kiến thức mà tôi thu thập được qua sách báo vẫn vô cùng hữu ích.

Rồi tôi chia tay với công việc của mình để đi sâu vào lĩnh vực “cung cấp các giải pháp ngôn ngữ” và đây là lúc tôi bắt đầu niềm đam mê của mình. Tuy nhiên, do bận rộn nhiều công việc khác nên dịch sách vẫn chỉ là nghề tay trái của tôi. Nhưng với cái nghề tay trái ấy, tôi đã lao động thực sự nghiêm túc và say mê. Cho đến bây giờ, tôi đã dịch được khoảng 40 cuốn sách, đa phần là sách kinh tế vì tôi hiểu nhiều về lĩnh vực này. Tôi không dám nói đó là một điều gì lớn lao, song dù sao tôi cũng đã phần nào thực hiện được giấc mơ của mình.

Không từ bỏ sách

Có một em gái nói với tôi rằng: “Em không thể tưởng tượng một người thích cuộc sống trẻ trung sôi động như chị lại có thể ngồi miệt mài với những con chữ như vậy. Chị không thấy chán sao?”. Chán ư? Tại sao lại chán nhỉ?. Đơn giản là nếu bạn nghĩ bạn đang làm “thợ dịch” – chuyển ngôn ngữ này thành ngôn ngữ khác một cách cơ học thì bạn sẽ thấy công việc của bạn khá đơn điệu, tẻ nhạt và mệt mỏi. Nhưng nếu bạn làm việc với một trái tim của người nghệ sĩ và nhà nghiên cứu, nghĩa là công việc của bạn đòi hỏi sự tiếp nhận, tìm tòi, khám phá thì cho dù dịch sách là một công việc vất vả (tôi khẳng định điều này), bạn vẫn sẽ thấy đây là một cánh đồng màu mỡ để bạn gặt kiến thức và gieo tư duy.

Tôi xin đưa ra một ví dụ rất nhỏ trong nghề dịch sách của tôi. Có một cuốn tự truyện của mẹ Teresa với văn phong giản dị, để dịch nó sang tiếng Việt tôi chỉ mất 5 ngày cho việc “chuyển thể ngôn ngữ”. Tuy nhiên, tôi quan niệm rằng khi cầm một cuốn sách trên tay, độc giả phải được đọc thứ ngôn ngữ của mình, rung động với cảm nhận của mình, tiếp nhận những điều chưa biết một cách chính xác và thuận tiện nhất. Vì thế, để dịch cuốn sách này tôi phải bỏ ra nhiều thời gian nghiên cứu thật kỹ cuốn Kinh thánh nhằm hiểu thấu đáo mọi điển tích, nhân vật, sự kiện tôn giáo trong đó, cũng như tham khảo nhiều tài liệu khác để tìm hiểu về tính cách và cuộc đời của người phụ nữ vĩ đại này.

Tôi cho rằng việc dịch sách đem lại cơ hội tốt để kiến thức và ngôn ngữ thăng hoa. Dịch sách nghĩa là bạn đã đọc cuốn sách đó, tìm hiểu thêm nhiều kiến thức khác và vận dụng kỹ năng tư duy cũng như phát huy óc sáng tạo của mình. Một người có thể rất giỏi ngoại ngữ, nhưng chưa chắc đã dịch tốt nếu không có kiến thức rộng, vốn sống phong phú cũng như làm chủ một thứ tiếng Việt sinh động, chuẩn xác và giàu hình ảnh.

Bây giờ thì tôi không còn thời gian để làm công việc này nữa (tôi đã quay trở lại công ty cũ để tiếp nhận một vai trò mới và tiếp xúc với một lĩnh vực mới mẻ mà tôi cũng vô cùng yêu thích), nhưng tôi không từ bỏ sách. Biết đâu sau này khi có nhiều thời gian rảnh rỗi, tôi lại tiếp tục cho ra đời những trang sách mới. Có thể là tôi sẽ viết một cuốn sách hoặc dịch sách của các tác giả khác, đối với tôi cả hai công việc đều thú vị. Tôi nhớ một câu chuyện nhỏ về duyên may và sự lựa chọn trong tình yêu với câu kết như thế này: “Chúng ta sống trên đời này không phải để tìm thấy một người hoàn mỹ để yêu mà chính là để học cách yêu thương người không hoàn mỹ một cách trọn vẹn…” Nghề nghiệp cũng vậy thôi, nếu bạn không đến được với nghề mà bạn từng ước mơ từ thuở thiếu thời, thì hãy học cách thổi lửa đam mê vào cái nghiệp mà bạn đang theo đuổi. Tôi tin rằng lối đi ngay dưới chân mình, và do chính mình lựa chọn.