Sinh viên rất cần chăm sóc sức khỏe tâm thần

“Vì sao một số lượng không nhỏ sinh viên trong các trường đại học, cao đẳng có hiện tượng chán nản, hoang mang, thậm chí muốn tự tử. Làm thế nào để con tôi không rơi vào tình trạng này?”. Đây là mối quan tâm của rất nhiều bậc phụ huynh khi con cái bước vào tuổi trưởng thành. Buổi trò chuyện với cô Lê Thị Minh Tâm, Chuyên viên tham vấn tâm lý Trường Đại học RMIT TP. Hồ Chí Minh hy vọng sẽ cho phụ huynh những thông tin hữu ích về vấn đề này. Cô Minh Tâm cho biết:

Một nghiên cứu vào năm 2011 ước tính là có khoảng 12 triệu người Việt Nam cần đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý, trong số này sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng là không ít. Nhiều năm công tác trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho giới trẻ, tôi đã từng tiếp xúc với nhiều sinh viên mà bản thân các em không biết mình cần được chăm sóc về sức khỏe tâm thần để đạt được sự thoải mái và cân bằng về mặt tinh thần, từ đó có thể cân bằng, hưởng thụ cuộc sống, trở nên sáng tạo, ham học hỏi, khám phá những điều mới đồng thời có khả năng ứng phó tốt hơn với những khó khăn trong cuộc sống và công việc. Không chỉ sinh viên mà ngay cả những người trưởng thành trong chúng ta khi bị bệnh về tâm thần cũng không muốn đi gặp bác sĩ và chuyên viên tâm lý vì mặc cảm, sợ sự kỳ thị của xã hội, có những trường hợp còn không biết giải quyết vấn đề của mình như thế nào. Cần hiểu rằng các rối loạn về tâm lý cũng giống như các vấn đề sức khỏe khác, cũng cần được xem xét điều trị bằng các bác sĩ chuyên khoa. Và trị liệu với các chuyên gia tâm lý trong lĩnh vực này. Và việc chăm sóc sức khỏe tâm thần nhằm mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp các em sinh viên tận hưởng cuộc sống sinh viên một cách khỏe mạnh nhất, ngay cả trong hoàn cảnh có khó khăn.

Suc-khoe-tam-than-cho-sinh-vien-Giaoduc-705-2017 ok

Vì sao sinh viên cần được quan tâm chăm sóc về sức khỏe tinh thần trong giai đoạn này?

Việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cần thiết ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt là ở giai đoạn khủng hoảng tuổi trưởng thành. Thực tế đối với các bạn trẻ, bước chân vào ngưỡng cửa đại học cũng giống như bắt đầu một cuộc sống mới nhiều thử thách. Lúc này, sự quan tâm lo lắng quá mức của cha mẹ có vẻ không còn phù hợp nhưng thái độ “bỏ lơ”, không còn là chỗ dựa cho con như trước có thể khiến các em cảm thấy hụt hẫng.

Chúng ta hay nghĩ rằng các em cảm thấy áp lực là do cha mẹ, nhưng đây chỉ là một phần, nhiều lúc áp lực đó là từ chính bản thân các em cùng các yếu tố sinh học bên trong cơ thể mỗi đứa trẻ. Phần lớn những trường hợp học sinh chán nản, tự tử, đều liên quan đến yếu tố tâm lý, tinh thần trong đó quan trọng nhất là vấn đề xây dựng hình ảnh bản thân. Trong giai đoạn trưởng thành, các em thường tìm kiểu mẫu để xây dựng hình ảnh bản thân. Nếu các em không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, không nghĩ mình có thể làm nên trò trống gì, cũng không thể tìm thấy kiểu mẫu để trở thành thì các em rất dễ rơi vào khủng hoảng.

Hiện nay, cha mẹ thường chỉ chú ý đến sức khỏe thể chất của con, trong khi sức khỏe tinh thần không kém phần quan trọng. Vì sức khỏe tâm trí thể hiện qua tinh thần, chỉ khi các em đảm bảo sức khỏe tinh thần thì mới có sự thoải mái, bình yên trong thể chất và tâm hồn. Tinh thần bất ổn có thể dẫn đến bất an và dẫn đến các rối loạn tinh thần khác, dẫn đến việc không thể tập trung cho việc học được.

Tôi lấy ví dụ nếu một sinh viên lo lắng, căng thẳng trước kỳ thì và các em chuẩn bị và thi tốt cho kỳ thi đó, khi kỳ thi đi qua thì nỗi lo sẽ lắng xuống. Còn nếu như lo lắng mà trước kỳ thi cũng lo là bị rớt, đang học cũng lo và nghĩ mình sợ rớt, đang thi cũng lo và nghĩ mình sẽ rớt, thi xong cũng lo đến mất ăn mất ngủ, và rồi kết quả là rớt thiệt thì lo lắng tiếp về tương lai, suy nghĩ mình là đồ bỏ đi, không làm nên trò trống gì, tương lai rồi sẽ ra sao… và sau đó thì sợ học, sợ đến trường, sợ mọi người đánh giá… một chuỗi lo lắng, sợ hãi, hoang mang xảy ra, một chuỗi các hành vi tránh né xảy ra như là cách thức để ứng phó với nỗi lo của mình, theo thời gian, theo năm tháng thì đó trở thành một dạng rối loạn lo âu trong rối loạn sức khỏe tâm thần.

Nên chúng ta có thể thấy vai trò của cha mẹ trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho con cái. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng có kiến thức để có thể hỗ trợ cho con…

Đúng vậy, nên vai trò của các trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần ở nhà trường là rất cần thiết. Tuy nhiên, các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam vẫn chưa chú trọng điều này. Trong các hội thảo quốc tế về phòng ngừa khủng hoảng – hỗ trợ sức khỏe sinh viên cho biết, ít nhất phải có một chuyên gia tâm lý trên 1.000 sinh viên. Nhưng thực tế ở Việt Nam có đến hơn 2 triệu sinh viên mà số lượng chuyên gia tâm lý chỉ đếm trên đầu ngón tay.

04-057L

Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm lý tại trường không chỉ là các chương trình gỡ rối tâm lý thông thường mà còn đưa ra các phương án dự phòng đồng thời có sự đánh giá, can thiệp cần thiết. Các chương trình phòng ngừa bao gồm: quản lý stress, quản lý cảm xúc tiêu cực, kỹ năng tương tác – xây dựng các mối quan hệ, kỹ năng giải quyết khủng hoảng – vượt qua khó khăn… Một số trường đại học có sự kết nối trung tâm tư vấn với những người làm công tác xã hội thì thật thuận tiện vì có thể tham vấn cho cả phụ huynh.

Cả phụ huynh cũng cần tham vấn ư?

Có chứ, vấn đề sức khỏe tinh thần của cha mẹ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến con cái. Các khủng hoảng tâm lý của cha mẹ, từ vấn đề ly hôn đến tình trạng rối loạn lo âu lan tỏa đều ảnh hưởng đến con cái. Tôi từng gặp rất nhiều phụ huynh bị rối loạn lo âu hằng ngày hằng giờ, kéo dài từ ngày này qua ngày khác, chuyện gì cũng có thể làm họ lo lắng, từ sức khỏe, tiền bạc, công việc đến chuyện gia đình, nghề nghiệp, học tập của con. Với người có tâm trí lo âu thường xuất hiện các dạng suy nghĩ tự động tiêu cực theo kiểu suy nghĩ không hợp lý bằng cách tập trung vào những rủi ro, phóng đại sự việc. Bản thân phụ huynh cần tìm người giải quyết các vấn đề của mình chứ không nên để ảnh hưởng và “lây” cho con.

Thứ hai, phụ huynh là người ở bên con mỗi ngày, nên cha mẹ nếu có sự quan tâm đúng mức sẽ phát hiện ra các vấn đề của con kịp thời. Chính vì vậy, phụ huynh cũng rất cần được tham vấn để biết cách quản lý những lo âu và căng thẳng của bản thân để xử lý tốt hơn các vấn đề của con.

Ở trên cô có nói về vấn đề khủng hoảng tuổi trưởng thành, vậy cha mẹ có cần chuẩn bị tâm lý trước khi con vào đại học?

Quả thật sinh viên rất cần một sự chuẩn bị không chỉ về tâm lý mà còn về các kỹ năng để các em bước vào ngưỡng cửa đại học vững vàng hơn. Trong các kỹ năng sống cần thiết thì quan trọng nhất là kỹ năng sống tự lập, quản lý bản thân, chủ động lên kế hoạch, thiết lập mục tiêu… Những kỹ năng này lẽ ra cha mẹ cần dạy con từ khi con còn nhỏ, trong những trường hợp dạy cho con ngay trước khi con tốt nghiệp cấp 3 cũng chưa phải quá muộn.

Theo doanhnhansaigoncuoituan.com.vn