Bảo tàng Đà Nẵng: Nơi quy tụ nét đẹp văn hóa và lịch sử

Với những cách làm mới: trưng bày triển lãm theo chủ đề, chuyên đề sống động, Bảo tàng Đà Nẵng đang là điểm đến hấp dẫn của du khách mê khám phá lịch sử. Cách làm sáng tạo này phải được nhân rộng ra toàn quốc trong những năm tới.

IMG_9733
Nơi lưu giữ những nét đẹp văn hóa và lịch sử (ảnh Thế Sơn)

Năm 2016, Bảo tàng Đà Nẵng đón hơn 78.800 lượt khách tham quan, trong đó có gần 26.300 khách quốc tế. Riêng quý 1/2017, bảo tàng đã đón 42.890 lượt khách tham quan.

Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, sau 5 năm mở cửa đón khách tham quan, Bảo tàng Đà Nẵng đã vượt xa hơn mục đích ban đầu là một thiết chế văn hóa quan trọng của thành phố, là nơi giáo dục chính trị, văn hóa cho công chúng. Hiện nay bảo tàng đang từng bước trở thành một điểm thu hút khách tham quan cùng với thành phố hòa mình vào dòng chảy du lịch – khám phá.

Những giá trị văn hóa, lịch sử xứ Quảng và những không gian trưng bày đặc sắc của Bảo tàng Đà Nẵng đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Chính vì vậy, Bảo tàng Đà Nẵng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ du khách.

IMG_9766
Bảo tàng Đà Nẵng luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm từ du khách (ảnh Thế Sơn)

Thông qua các hoạt động diễn ra tại sân vườn kết hợp giới thiệu di tích Thành Điện Hải, Bảo tàng đã giới thiệu cho người xem, đặc biệt là cho hàng ngàn học sinh và thanh thiếu niên trên địa bàn, tìm hiểu về “Di tích lịch sử Thành Điện Hải và vai trò của Danh tướng Nguyễn Tri Phương trong buổi đầu chống Pháp” và “Đà Nẵng mở đầu mặt trận kháng chiến chống Pháp (1858 – 1860)”.

Với triển lãm ảnh “Đà Nẵng thành tựu và phát triển trong hành trình 30 năm đổi mới (1986 – 2016); trưng bày, giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng và Chợ phiên đồ xưa Đà Thành, Bảo tàng đã thu hút không ít sự chú ý của du khách trong việc giới thiệu văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng bằng các hoạt động sống động như: biểu diễn múa cồng chiêng và giới thiệu, trình diễn nghề dệt thổ cẩm, nghề đan mây tre và nghề điêu khắc gỗ của đồng báo Cơ tu.

Ngay như “Chợ phiên đồ xưa Đà thành” lần thứ 4, hoặc triển lãm “Đà Nẵng thành tựu và phát triển trong hành trình 30 năm đổi mới (1986 – 2016)”, cũng thu hút hàng ngàn du khách đến tham quan, thưởng lãm.

IMG_9761
Mô phỏng lại hoạt động khai quật (ảnh Thế Sơn)

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện cho hay, hiện nay, Bảo tàng Đà Nẵng đã lập hồ sơ và số hóa 1.282 ảnh tư liệu giai đoạn từ trước 1930 đến nay. Trong đó, 800 ảnh từ phiếu ảnh (bao gồm: giai đoạn trước năm 1930 là 54 ảnh, giai đoạn từ 1930 – 1954: 235 ảnh và giai đoạn từ 1955 – 1975: 511 ảnh); 482 phim âm bản và ảnh lưu trữ trong kho bảo quản (bao gồm: 175 ảnh chứng tích chiến tranh và 307 ảnh tư liệu giai đoạn kháng chiến chống Mỹ).

Toàn bộ 1.282 ảnh đã được số hóa này sẽ giúp cho Bảo tàng Đà Nẵng có được nguồn ảnh tư liệu phong phú, đa dạng cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu trữ, bảo quản, trưng bày và nghiên cứu khoa học tại Bảo tàng.

Theo nguoitieudung.com.vn