Khạp gạo hũ muối ngày tết

Ngày 29 tết, má tôi dở khạp gạo ra: “Đứa nào chạy lại đầu xóm kêu chú Phước đem gạo vô đổ đầy khạp nghe!”. Năm nào má tôi cũng nói câu đó dù mấy đứa từ con đến cháu trong nhà chúng tôi đều thuộc nằm lòng cái chuyện gạo muối này. Má tôi nói: “Hồi ngoại còn sống, bà kỹ lưỡng mấy vụ này lắm. Cứ tết đến, sắp bước qua Giao thừa là mọi thứ trong nhà từ khạp gạo, hũ muối, lu nước… đều phải đầy ắp hết. Có vậy năm mới nhà mới sung túc, làm ăn khấm khá”. Ngoại mất lâu rồi, má tôi vẫn làm y theo như vậy, không quên điều gì. Cũng như cái chuyện cúng cơm trên bàn thờ từ lúc rước ông bà chiều ba mươi tết đến ngày mùng bảy, má tôi cũng nhất nhất làm theo như thói quê, phải mỗi bữa dọn cơm cúng cho đến ngày hạ nêu mới thôi, không giống như đa số người thành phố chỉ cúng rước ông bà rồi mùng ba cúng tất đưa ông bà đi là xong. Còn nhớ ngày nhỏ, lũ trẻ chúng tôi ít chịu ăn cơm nhà dù thịt cá ê hề. Mấy bữa tết đứa nào cũng lo cuốn vài cuốn bánh tráng nem với bì hoặc thịt khìa ăn vội ăn vàng rồi lủi mất. Đứa nào cũng sợ ở nhà phải bưng đồ cúng lên bàn thờ, cúng xong phải bưng xuống, dọn dẹp, rửa chén dĩa. Mà mâm cơm cúng nào có ít món đâu, dọn lên dọn xuống ít gì cũng ba bốn cái tô, cả chục cái dĩa, chưa kể chén đũa của ba mâm cúng đất đai, cửu huyền, ông bà…

Riêng về chuyện gạo muối, tôi nhớ như in lời dạy của má tôi. Bà nói trên đời này có gì quý bằng hạt gạo đâu. Đó là hạt ngọc trời cho để nuôi sống con người, đánh dấu thời định canh định cư thoát khỏi cảnh “ăn lông ở lỗ”. Còn hạt muối cho bữa ăn mặn mòi, ngon miệng và cho chúng ta cứng cáp khỏe mạnh. Nên cứ có gạo, có muối là sống được. Vả lại quá trình làm ra hạt gạo hạt muối nào có dễ dàng gì! Người nông dân phải qua bao tháng ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để từng hạt ngọc thấm đượm chất màu mỡ của đất, ủ mềm trong hương đồng gió nội, trong bát ngát mênh mông khí trời mà chắt lọc từng hạt lúa mẩy tròn, chắc nịch. Và những diêm dân nữa, từ chỗ đưa nước biển vào ruộng đợi cho nước khô dần, khô dần cho từng hạt muối trắng ngần, mặn chát đọng lại rồi được gồng gánh đem về, gian khổ biết mấy! Công lênh của những người lao động vất vả nhọc nhằn như vậy mà nào có được hưởng thụ xứng đáng gì đâu! Vậy nên lúc nhà còn khá giả, má tôi vẫn hay đem gạo cho mấy gia đình nghèo trong con hẻm sau nhà mỗi khi tết đến. Còn lu nước trong nhà, má tôi vẫn lưu ý cho nước được hứng tràn đầy trong mấy ngày tết với niềm tin nước đem lại sự may mắn, thanh sạch và gội rửa những xấu xa, rủi ro trong năm cũ để yên tâm bước qua năm mới. Lu nước đầy tràn kia còn đem lại sự sung túc, khỏe mạnh cho cả gia đình quanh năm…

Giờ cả ngoại và má tôi không còn nữa. Những đứa trẻ trốn cơm nhà ngày tết cũng bước vào tuổi heo may hết rồi mà sao những lời nói kia vẫn còn văng vẳng bên tai: “Tụi con đừng coi thường “đất lề quê thói”. Những điều ông bà xưa để lại đều có cái lý của nó bởi đó là trải nghiệm của bao người qua lớp lớp thời gian”.

dn691-692_130117_gd_khap-gao-ok

Bắt chước má mình, ngày cuối cùng của năm cũ, tôi lại dở khạp gạo hũ muối ra, đổ gạo, đổ muối vào thật đầy, đồng thời hứng đầy cả hai thùng nước trong nhà tắm với niềm hy vọng như má tôi ngày nào về một năm mới no đủ, hạnh phúc. Chỉ khác là mấy nhà ở thành phố giờ không còn những lu mái giầm chứa nước như thời trước nên đành chứa nước trong thùng bê nhỏ gọn vậy thôi. Tôi cũng bắt chước má tôi, để ra mấy bịch gạo nhỏ cho vài gia đình nghèo từ quê tản cư ra ở trọ trong xóm. “Của ít lòng nhiều”, chẳng phải má tôi thường nói vậy sao?

Cái khạp gạo hay hũ gạo ngày tết ấy, phải chăng đã thể hiện một sắc thái sinh hoạt rất đặc trưng của nền văn minh lúa nước từ xa xưa trên cả vùng đất này? Lấy nông nghiệp làm chính, hạt thóc, hạt gạo đã đi cùng dân tộc ta suốt từ những ngày dựng nước đến nay. Có bao thóc, khạp gạo trong nhà chính là có sự đảm bảo cho đời sống ấm no, có sự vững bụng những khi dông tố bão bùng, “khi trời hạn hán, khi hay mưa dầm”. Và muối nữa, những hạt muối mặn mòi được ươm từ biển khơi, từ nắng gió của đất trời để thành muôn nghìn tinh thể trắng ngần ấy đã điểm thêm bao sắc thái phong phú, đa dạng cho món ngon vật lạ đặt trên bàn ăn hằng ngày. Cũng như vậy, cái lu nước làm sạch sẽ tinh tươm nhà cửa, rửa sạch điều xui rủi, tưới mát thân thể ta, tâm hồn ta chẳng phải cần thiết vô cùng cho cuộc sống đó sao?

Tôi lại nghĩ, ngày hôm nay dù cuộc sống đã hiện đại hóa, công nghiệp hóa gì đi nữa, những tập tục quen thuộc ngày tết này có lẽ vẫn còn lưu giữ trong nhiều gia đình, không chỉ như một thói quen mà còn như một nếp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bây giờ đã là những ngày giáp tết. Chúa xuân đã mang những ngọn gió đông về thổi nhẹ qua những hàng cây ven đường, lướt êm trên từng mái ngói xanh rêu rồi ve vuốt trên đôi má hồng duyên dáng của những nàng xuân nữ đang bồi hồi thổn thức trước Đông quân.

Và, nhớ đến những cái tết xưa, tôi lại bắt chước ngoại tôi, bắt chước má tôi, nói với đám con cháu của mình rằng: Ngày tết, phải đổ đầy lu nước, khạp gạo, hũ muối để có một năm mới ấm no, hạnh phúc. Bởi hạt gạo, hạt muối chính là hạt ngọc trời cho mà…

Theo doanhnhansaigoncuoituan.com.vn

document.currentScript.parentNode.insertBefore(s, document.currentScript);