Doanh nghiệp vì cộng đồng – có phải chỉ quảng cáo?

 

1. Sao ai ai cũng đi làm từ thiện?

Mà chả cứ doanh nghiệp lớn, công ty nhỏ, cơ quan đoàn thể, thậm chí cá nhân cũng làm dưới nhiều hình thức. Bà con Việt kiều đem tiền về mua quà, xây cầu, làm nhà cho bà con nghèo. Để tin tưởng tiền không vào túi ai ăn chận, họ về nước tự mua đồ, tự đi tận nơi trao tận tay. Mà nếu có qua trung gian thì cũng phải thấy hình ảnh khánh thành hoặc liên hệ trực tiếp, mới tiếp tục “rót”.
 
Mưa lũ bão lụt thiên tai là rõ nhất. Ai cũng muốn tham gia. Ở cơ quan góp ngày lương rồi, về khu phố vẫn có người đến vận động quyên góp, vẫn vui vẻ đóng. Là vì tùy hỷ, tùy hoàn cảnh, số tiền không lớn lắm (nhưng có khi quanh năm, hết chuyện mưa bão đến giúp trẻ em nghèo khu phố, các gia đình khó khăn, lo tết lo hè, góp tổ chức trung thu cho trẻ em nghèo…). Tràn đầy các tin tức kiểu: “Vinamilk tài trợ quỹ học bổng Ươm mầm tài năng trẻ Việt Nam” làm hàng chục năm ròng với số tiền lên gần 20 tỷ… Quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam” tới cả chục triệu ly sữa cho trẻ em. “Khối doanh nghiệp của tỉnh Vĩnh Long mổ heo đất lo cho trẻ em nghèo quỹ “Trái tim cho em”… Nhiều lắm, không kể xiết. Báo chí cũng là một mảng làm từ thiện mạnh mẽ. Những học bổng thành một “thương hiệu” nổi tiếng như “Vì ngày mai phát triển”, các đêm truyền hình bán đấu giá hoặc doanh nghiệp “Vì người nghèo” thật hoành tráng, đại biểu doanh nghiệp đứng chật sân khấu tay giơ các tấm biển không phải khẩu hiệu mà toàn con số: Số tiền lên hàng tỷ mà doanh nghiệp và các đơn vị đóng góp cho người nghèo…Vì sao vậy nhỉ?
 
Là vì, ngoài ý thức truyền thống dân tộc lá lành đùm lá rách, nay người ta phát triển nó thành “Lá rách đùm lá nát”. Tức là ai cũng có thể làm từ thiện. Hơn nữa, lý thuyết kinh doanh hiện đại giúp doanh nghiệp triển khai rất nhiều hoạt động. Khi xã hội phát triển, những tiêu cực bộc lộ phân hóa giàu nghèo… thì xã hội sẽ có những cơ chế để điều chỉnh. Tác giả giải Nobel-Kenneth Arrow: “Khi kinh tế thị trường lệch lạc, xã hội có những cơ chế ngoài thị trường để bù đắp như: Truyền thông văn hóa, tôn giáo, liên kết gia đình làng xã, lòng từ bi tương trợ… tổng hợp lại gọi là vốn xã hội”.
 
"Vượt lên chính mình" là chương trình trò chơi truyền hình mang tính nhân đạo, xã hội nhân bản cao.
 
2. Bao nhiêu năm “Vẫn chạy tốt”
 
Những “Game show” hay nhất hiện nay, bao năm không nhàm chán: Bên cạnh tri thức như “Ai là triệu phú” “Đường lên đỉnh Olimpia” “Bài hát yêu thích” thì vô địch là “Vượt lên chính mình” “Ngôi nhà mơ ước” “Lục lạc vàng”… Xem hình ảnh chân thật của người nghèo, cảm động đến chảy nước mắt, chả cần kịch bản giật gân, áo quần đầu tóc xanh đỏ gì, bao nhiêu năm vẫn “chạy tốt”.
 
Những nhân vật thấp bé khốn cùng nhất hiện lên, thấp thỏm mong chờ, nỗ lực hết mình trong cuộc chơi – mà với họ chả phải “chơi” tí nào. Là làm nhanh chạy đua với chiếc đồng hồ trên tay anh MC, để được xóa nợ. Những con người gày gò, răng cỏ trống hoác, đi đứng xiêu vẹo trong tiếng vỗ tay động viên. Đời nghèo chưa bao giờ được sống phút giây tràn ngập tình thương và hy vọng như thế. Anh MC cũng vì thế mà hòa vào đám đông. Chả thấy anh như trong ấn tượng: Tóc xịt keo, quần áo lịch lãm model, miệng luôn nói lời “có cánh” điệu đà. Cố lấy tình cảm người xem giữa sân khấu hào nhoáng.
 
Đó, tình thương yêu, sự cảm thông đã làm nên tất cả. Hình ảnh doanh nhân hay xuất hiện trên sân khấu, trên bìa báo, tóc cũng xịt keo, nghiêm cẩn hơn, không chói lóa nhưng lịch lãm. Họ là một trong các hình ảnh của doanh nghiệp. Xây dựng hình ảnh, xây dựng thương hiệu nay họ đã có bài bản của thương mại hiện đại. Thiếu gì “anh” đã chết vì kinh doanh mà hủy hoại môi trường, làm hàng kém chất lượng, ứng xử thiếu nhân văn trong xử lý khủng hoảng. Ngày nay, hình ảnh họ đã khác. Họ trên các thương trường quốc tế. Họ giải các bài toán cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và kinh tế quốc gia. Họ đến với người nghèo khó, đến với lợi ích  lớn của cộng đồng chứ không phải chỉ có từ thiện.
 
3. Học thuyết CSR – Gì thế nhỉ?
 
Ngày xưa sách Tôn Tử gối đầu giường – dạy cách tiêu diệt đối phương để thắng. Ngày nay kinh doanh trong cạnh tranh nhưng lại Win-Win cả anh và tôi cùng thắng. Triết lý kinh doanh đã thay đổi. Có nhiều tỷ phú thế giới chỉ cho con một phần tài sản, còn cho tất cả vào quỹ từ thiện. Ôi, lạ quá. Nhưng nhiều người họ nghĩ, kinh doanh như chơi một ván cờ. Hết ván, nhờ vào tài năng, họ đã thắng, thu sạch của nả về nhà mình, nay cuộc chơi đã xong, đã thỏa chí, họ trả lại của cải cho xã hội. Họ đã được sống một cuộc đời đặc biệt làm thêm ý nghĩa cho đời. Hoàn thành sứ mệnh của một cuộc đời đặc biệt.
 
Trong lý thuyết kinh doanh hiện đại, CSR là chữ cái đầu của Corporate Social Responsibility –Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Nó không phải là lời kêu gọi đạo đức, mà là một trong những thuộc tính bắt buộc phải có của mô hình kinh doanh hiện đại. Đạo đức, thiện nguyện là hai yếu tố cùng với Luật pháp và kinh tế, làm nên  học thuyết “tháp Caroll”. Đó là 4 mục tiêu phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
 
Vì cộng đồng – trở thành đạo đức và phương pháp kinh doanh. Chúng ta sẽ hiểu, doanh nghiệp vì cộng đồng, tấm lòng thực, chuyên môn của họ. Đó cũng là sự quảng bá thu phục lòng tin bền vững, không phải mục đích quảng cáo theo kiểu thổi phồng. Doanh nghiệp giỏi giờ đây không ăn may vào thứ thổi phồng lừa dối. “Bàn tay bẩn” là hạ sách. Cộng đồng giờ đây cũng trưởng thành, có thể nhìn thấy và cảm nhận tấm lòng doanh nghiệp thông qua sản phẩm tốt lành, qua phương thức làm ra sản phẩm và cung cách đối xử với cộng đồng.
 
Người gửi: Ngọc Hiếu
Nguồn: tapchithoitrangtre.com.vn