‘Gọi tên bốn mùa’, đêm nhạc đẹp về Trịnh Công Sơn

 

Chương trình diễn ra với bố cục chặt chẽ, gọn gàng. Chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ, những câu chuyện về tình yêu, tình người về cuộc đời, về hòa bình và chiến tranh của Trịnh Công Sơn được "kể" lại theo phong cách âm nhạc vừa tinh tế vừa rất dung dị.

Mỹ Linh và Tùng Dương (phải).

Sự xuất hiện của 4 ca sĩ thuộc hàng “đỉnh” của nhạc Việt được sắp xếp khéo léo, hài hòa, như gợi mở một ẩn ý thú vị về “bốn mùa” trong nhạc Trịnh. Hồng Nhung như mùa xuân của đời người: tràn sức sống, tinh nghịch, đáng yêu. Tùng Dương như mùa hạ: trẻ trung, sôi nổi và mạnh mẽ. Mỹ Linh là mùa thu: dịu dàng và đằm thắm. Tuấn Ngọc có thể xem như mùa đông: hoài niệm, xa vắng và cuộn trào cảm xúc.

Nhưng những ví von ấy hoàn toàn cũng có thể được hoán chuyển. Bởi cũng có thể trong một giọng ca hội tụ đủ cả màu sắc “bốn mùa”… cũng như Xuân – Hạ – Thu – Đông có thể xoay vần trong những nhạc phẩm của Trịnh. Và "Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng" (Trịnh Công Sơn). 4 nghệ sĩ đã dốc sức cho từng phần thể hiện, đã phiêu du cùng nhạc Trịnh theo cách tốt nhất mà họ có thể mang cảm xúc đến cho bản thân và cho khán giả.

Tư tưởng âm nhạc Trịnh Công Sơn chưa bao giờ là cũ nên để làm nên cái mới ở “Gọi tên bốn mùa”, những người thực hiện đêm nhạc không dùng chiêu trò, dàn dựng, kỹ xảo… Cái mới nằm ở phong cách âm nhạc với sự chỉn chu trong khâu chuẩn bị. Cái mới cũng đến từ tâm thức và cảm xúc của người nghệ sĩ khi hát Trịnh.

Tùng Dương mở màn đêm nhạc với Một cõi đi về trong tiếng vỗ tay và sự thích thú của khán giả. Nhạc phẩm vốn đã quá quen thuộc, đến mức nhiều khán giả đã thuộc nằm lòng và hát theo Tùng Dương, vẫn tiếp tục mang đến cảm xúc riêng cho mọi người.

“Chàng Trương Chi” 8X này chưa bao giờ là một cái tên gắn với nhạc Trịnh nhưng anh mang đến cho khán giả nhiều hơn những gì họ mong đợi ở anh. Lời hứa “Hôm nay Dương không lên đồng!” được anh nhắc lại một cách hóm hỉnh và cho thấy bản lĩnh sân khấu của nghệ sĩ trẻ nhất trong đêm nhạc. Trút bỏ vẻ tinh quái, ma mị từ ngoại hình đến giọng hát, Tùng Dương đi vào nhạc Trịnh nhẹ nhàng và rất trẻ trung. Thể hiện nhiều bài hát: từ Vết lăn trầm, Ru ta ngậm ngùi, Tuổi đá buồn… đến bản phối Xin mặt trời ngủ yên theo phong cách rock, cuộc phiêu du cảm xúc của Tùng Dương và tay guitar Dũng Đà Lạt nhận được cơn mưa pháo tay và tán thưởng của khán giả. Nam ca sĩ đã làm được điều mình mong muốn là “tự tin và chín chắn để hát nhạc Trịnh”.

Mỹ Linh và Hồng Nhung có sự kết hợp đầy ngẫu hứng trong "Đóa hoa vô thường".

Mỹ Linh bước ra sân khấu trong sự nối tiếp ca khúc Tuổi đá buồn với Tùng Dương. Sau đó, chị solo liên tục các nhạc phẩm: Mưa hồng, Ca dao mẹ với tất cả sự tròn trịa, đằm thắm, duyên dáng trong thể hiện và cách nhấn nhá lời hát.

Trong vài năm gần đây, Hồng Nhung đã nỗ lực làm mới mình, từ phong cách thời trang đến âm nhạc. Thế nhưng, mỗi lần về lại nhạc Trịnh, hình ảnh “Bống” dường như chưa bao giờ phai nhạt. Nhung vẫn nhỏ nhắn trong tà áo dài, vẫn nhỏ nhẹ, phiêu linh với Này em có nhớ,Ru mãi ngàn năm, Hạ trắng.Và lần đầu tiên chị đã hát Có một ngày như thế đầy da diết như một sự dũng cảm khám phá nhạc Trịnh trong những chiều kích khác của cảm xúc chứ không ru mình trong giai điệu quen thuộc.

Tuấn Ngọc, người được Trịnh Công Sơn lúc sinh thời khen là một trong những giọng nam hát nhạc ông hay nhất, đã mang đến sân khấu "Gọi tên bốn mùa" một phong cách âm nhạc lịch lãm mà chân phương. Chất giọng đặc trưng của Tuấn Ngọc đã in dấu ấn của tuổi tác, nhưng đẳng cấp của một nghệ sĩ vẫn không thay đổi theo năm tháng. Dù là ca khúc quen thuộc như: Chiều một mình qua phố, hay những bản chưa bao giờ anh thể hiện như Cuối cùng cho một tình yêu, Ru đời đi nhé…, danh ca hải ngoại vẫn thể hiện tròn trịa, đầy cảm xúc.

Ngoài sự thể hiện của từng ca sĩ riêng lẻ, đêm “Gọi tên bốn mùa” còn có những sự kết hợp đầy cảm xúc giữa Hồng Nhung và Mỹ Linh, Tuấn Ngọc và Tùng Dương. Chặt chẽ và ngẫu hứng là hai yếu tố mà 4 nghệ sĩ đã làm được khi gắn kết với nhau.

Đức Trí và Hoài Sa mang đến bản phối Đóa hoa vô thường của Trịnh Công Sơn thật tuyệt vời qua sự phối hợp ăn ý tuyệt vời không kém giữa hai giọng hát Mỹ Linh và Hồng Nhung.Nhạc phẩm được phối lại với những nét nhấn tinh tế ở những nốt trầm, lặng, tự sự nhất lẫn những nốt sôi nổi, vui tươi, rộn rã nhất, đầy đủ hỉ, nộ, ái ố của đời người gói ghém trong một ca khúc đầy triết lý về nhân sinh, tình yêu. Còn Tùng Dương và Tuấn Ngọc là hai thế hệ cách biệt nhau nhưng đã hòa quyện trong từng khoảnh khắc của Phôi pha.

Tuấn Ngọc dành nhiều lời khen ngợi cho Tùng Dương.

Ngoài 4 cái tên kể trên, sẽ là một thiếu sót lớn nếu không đến một “nhân vật” rất quan trọng tạo nên thành công cho “Gọi tên bốn mùa”, đó chính là dàn nhạc và những bản hòa âm – phối khí tuyệt vời của nhạc sĩ Đức Trí, Hoài Sa cùng các đồng nghiệp. Hơn 10 nghệ sĩ – nhạc công đã hòa quyện vào nhau tạo nên một dàn nhạc trong mơ cho bất kỳ liveshow nào. Các nghệ sĩ trong hai ban nhạc Best Friends, Anh Em cùng các nhạc công khác chơi nhạc với tất cả tâm hồn và hứng khởi của họ. Các tay trống, keyboards, piano, kèn, guitar, violon… trong đêm này đều là những nghệ sĩ cá tính và có dấu ấn riêng trong sự nghiệp như: Đức Trí, Thanh Long Bass, Dũng Đà Lạt, Hồng Kiên (giám đốc nghệ thuật của chương trình), Thanh Tân, Tăng Thành Nam, Hoài Sa… nhưng họ đã phối hợp để tạo một đêm nhạc thật sống động, đầy hứng khởi cho các ca sĩ thăng hoa.

Nhà hát Hòa Bình với không gian rộng, có sức chứa khoảng hơn 2.000 khán giả đã diễn ra nhiều đêm nhạc với dàn âm thanh rột roẹt tạp âm, micro hỏng, người ngồi ở hàng đầu dễ bị nhấn chìm, ngập lụt trong “dòng thác” âm nhạc chói tai. Nhưng những người thực hiện “Gọi tên bốn mùa” đã không để điều đó xảy ra… Dù ban tổ chức không công bố toàn bộ mức kinh phí đầu tư cho chương trình, một chút thông tin hé lộ về dàn âm thanh được đầu tư hơn một tỷ đồng, cho thấy tâm huyết của một êkíp muốn làm nên những đêm nhạc nghiêm túc, đẹp từ hình thức đến nội dung.

Từ phải qua: Tuấn Ngọc, Mỹ Linh, Hồng Nhung và Tùng Dương đã mang đến đêm nhạc trọn vẹn cảm xúc cho khán giả. Tuấn Ngọc khen khán giả của đêm "Gọi tên bốn mùa" rất dễ thương khi cộng hưởng với nghệ sĩ trên sân khấu qua từng tiết mục.

Sau khi “Gọi tên bốn mùa” khép lại, không ít khán giả, như nghệ sĩ kịch nói Mỹ Uyên thốt lên “Hay quá!”, cũng có người chép miệng điểm này còn thiếu, điểm kia chưa đủ. Nhưng một điều rất hay chương trình đã làm được là thêm một lần nữa góp phần chứng tỏ, nhạc Trịnh Công Sơn chưa bao giờ và không nên bị bó trong một mẫu số chung nào về cảm xúc. Những nhạc phẩm của ông có thể phù hợp với chất mộc của một cây guitar thùng, ở một góc quán vắng. Nhưng giai điệu của ông vẫn vang lên đầy sức hấp dẫn với một dàn nhạc hoành tráng, một khán phòng rộng lớn. Với nhiều người, nhắc đến nhạc Trịnh chỉ có thể là một Khánh Ly đầy ma mị, liêu trai in đậm dấu ấn của một thời. Nhưng sau Khánh Ly, nhiều thế hệ nghệ sĩ đã tiếp nối để âm nhạc Trịnh Công Sơn vang mãi, ngân mãi theo dòng chảy của thời cuộc.

"In The Spotlight" là chuỗi chương trình đã ra mắt được 4 số. Số thứ năm dùng để tôn vinh dòng nhạc Trịnh Công Sơn. Sau đêm diễn ở TP HCM, "Gọi tên bốn mùa" sẽ đến với khán giả Hà Nội vào hai đêm 3-4/1/2013 tại Cung Văn hóa Hữu nghị.

Thoại Hà
Ảnh: Lý Võ Phú Hưng

Nguồn : vnexpress