Phạm Thành Trung và “Chỉ có thể là mẹ”

 

Chào Thành Trung, được biết, anh vừa ra mắt quỹ từ thiện “Chỉ có thể là Mẹ” với sự tham gia đông đảo của nghệ sĩ và các mạnh thường quân, anh có thể chia sẻ thêm về điều này?

Quỹ từ thiện “Chỉ có thể là mẹ” xuất phát từ một bài hát cùng tên do tôi và người em họ, ca sĩ Lê Minh Trung sáng tác.

Ban đầu, chúng tôi chỉ dự định thực hiện một bản thu âm bình thường, với sự tham gia của những người bạn trong giới showbiz. Rất bất ngờ, khi tôi ngỏ lời mời mọi người thu âm, tất cả đều vui vẻ và sẵn sàng tham gia ngay. Ca khúc được thu âm trong 4 ngày liên tục, và ra mắt chỉ khoảng 4 ngày sau đó.
Khi ca khúc ra đời, tôi ngạc nhiên vì ca khúc được nhiều người đón nhận và yêu mến. Tôi không muốn ca khúc sẽ chỉ ra mắt một lần rồi biến mất, nên quyết định thành lập “Chỉ có thể là mẹ” – quỹ từ thiện cá nhân và nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người…

Chắc hẳn, những tháng ngày theo chân “Chỉ có thể là Mẹ” là những kỉ niệm mà anh không thể nào quên được?

Chắc chắn là như thế. Sáng mùng 1 Tết mỗi năm, chúng tôi đều đến bệnh viện Chợ Rẫy lì xì cho những bệnh nhân đang nằm điều trị trong bệnh viện để chúc họ luôn may mắn, mạnh khỏe và sớm được trở về cùng gia đình.

Khi biết trường hợp bé Thiên Bảo bị tai nạn khiến cha mẹ đều mất, bản thân bị tàn phế, chúng tôi đã vận động được gần 100 triệu đồng để chia sẻ cùng bé và gia đình. Nhiều lần vào viện thăm bé, mang những món quá nhỏ do nhiều người tin tưởng trao gửi, bản thân chúng tôi thấy mình có trách nhiệm, uy tín với chính bản thân hơn.

Nhà báo Phạm Thành Trung

Anh và ca sĩ Lê Minh Trung đồng sáng tác ca khúc “Chỉ có thể là mẹ” với sự tham gia biểu diễn của gần 40 sao Việt. Cảm xúc của anh khi đứa con tinh thần ra đời được sự ủng hộ nhiệt tình từ nhiều nghệ sĩ và khán giả?

Tôi có chút gì đó tự hào về những điều mình làm được. Hi vọng, mọi thứ không “đầu voi đuôi chuột”, bài hát sẽ sống mãi và đi theo năm tháng, sẽ đồng hành với những hoạt động thiện nguyện không chỉ của chúng tôi mà còn là của những người bạn nghệ sĩ, những nhà hảo tâm nữa.

“Mải mê” làm từ thiện như vậy, tâm sức của anh có còn đủ để dành cho báo chí không?

Tôi thấy bình thường, dù có đôi chút ảnh hưởng. Nếu như trước kia tôi ham viết bài cộng tác cho các báo, tạp chí khác ngoài đơn vị mình đang làm việc thì bây giờ tôi dành thời gian cho những công việc thiện nguyện sau khi đã hoàn thành công việc của mình ở tòa soạn. Dĩ nhiên, thu nhập sẽ đôi chút ảnh hưởng nhưng niềm vui thì rất nhiều.

Trong bảng xếp hạng 200 công việc tốt nhất thế giới năm 2012 do trang CareerCast thực hiện, nghề báo được xếp gần cuối bảng (196/200 nghề). Còn người Việt Nam vẫn xem nghề báo là một nghề sung sướng, “được ăn, được nói , được gói, được mang về”. Anh nghĩ sao về điều này?

Tôi thấy đúng. Nghề báo giúp tôi có một cuộc sống khá tốt, kinh tế ổn định, ít phụ thuộc vào người khác. Nếu lười thì không viết bài, và không có tiền. Nếu hết tiền, thì cứ bắt chữ trong đầu ra mà “ăn” thôi. Nghề báo cho tôi đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, thời gian không bị gò bó… nếu chỉ như vậy, đúng là sung sướng quá rồi. Tuy nhiên, để có được sự sung sướng đó, tôi phải “khổ luyện” vất vả rất nhiều.

Anh phản ứng thế nào trước trường hợp bài viết của mình gặp phản ứng gay gắt từ phía độc giả, hoặc nhân vật liên quan, thậm chí bị cắt bỏ?

Tôi đi làm báo đã hơn 6 năm và may mắn chưa bao giờ rơi vào trường hợp này. Tôi luôn cẩn trọng trong mỗi bài viết của mình, thực hiện đúng các bước, các quy trình của nghề báo, nên không có bất cứ rắc rối nào xảy ra trong sự nghiệp báo chí của mình.

Từng có thời gian trượt dài trong những mối tình tuyệt vọng, anh đã làm gì để vượt lên “duyên phận”, đứng vững vàng trong cuộc sống lẫn công việc?

Đối với tôi, việc yêu một ai đó hay ai đó yêu mình không khó. Nhưng để giữ gìn mối quan hệ đó lâu dài mới là một vấn đề. Với tính cách quá mạnh mẽ và gia trưởng, tôi thường không thành công trong việc giữ người nào đó ở bên mình quá lâu. Hiện giờ, tôi thấy vui vì không yêu ai cả. Tôi là người thường xuyên bị dằn vặt bởi những mối tình đã qua. Rất vất vả mới quên được nó, nên tôi chưa muốn yêu lúc này.

Sau đỗ vỡ người ta thường học cách quên đi để sống. Anh thì sao?

Mỗi lần chia tay một ai đó, dù là mình chủ động hay bị “đá”… tôi đều khá đau đầu, mất ăn mất ngủ vì suy nghĩ liên tục về họ. Nhưng thời gian, công việc cũng sẽ cuốn mình đi. Lúc này tôi tràn đầy năng lượng để “chiến đấu” tiếp với cuộc sống.

Chia sẻ về những dự định sắp tới của anh một chút được không nhỉ?

Tôi đang có ý định viết tiếp tập 2 cuốn tự truyện “Không lạc loài” với cuộc sống sôi động ở mảnh đất Sài Gòn này. Câu chuyện cũng sẽ tiết lộ nhiều mối tình của tôi với những người trong giới nghệ thuật. Tuy nhiên, trước mắt, tôi vẫn đang theo đuổi những hoạt động xã hội, nghệ thuật để mỗi ngày cuộc sống của mình không vô vị.

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của anh.

Duy Tuấn

Nguồn: Tạp chí Nghề Báo/nghebao.org