5 sai lầm thường gặp của người mới làm sếp

Lần đầu được thăng chức là một trải nghiệm đầy hứng khởi nhưng cũng kèm theo không ít áp lực, và do đó bạn có thể phạm phải sai lầm. Theo các chuyên gia nhân sự, có 5 sai lầm mà những người mới lên sếp thường mắc phải, nếu không cẩn thận có thể gây ảnh hưởng đến danh tiếng và sự nghiệp của họ. Hãy cùng điểm tên những sai lầm thường gặp đó để tránh bạn nhé!

Kiếm việc làm nhanh chóng tại trang web uy tín careerlink.vn

Thể hiện quá “lố” hoặc quá khiêm tốn

Có thể vì tâm lý lo ngại cấp dưới sẽ cư xử với mình theo cách cũ – lúc bạn vẫn còn là nhân viên, nên bạn vội vàng chứng tỏ bản thân mình là sếp. Bạn tỏ ra trịch thượng, áp đặt, giao những nhiệm vụ quá nặng nề, liên tục kiểm tra tiến độ công việc, thúc ép nhân viên… khiến họ cảm thấy “ngộp thở”. Hoặc ngược lại, một số người mới lên sếp lại tỏ ra khiêm tốn quá mức, đối xử với nhân viên quá gần gũi, thân thiện , thiếu đi cái “uy” cần có của người lãnh đạo… Đây đều là những cách làm sai lầm, chứng tỏ bạn chưa thực sự tự tin trong vai trò mới của mình. Điều đó khiến nhân viên có ấn tượng không mấy tốt đẹp về bạn và không hoàn toàn “tâm phục khẩu phục” bạn.

cl-01

Vội vàng “cải tổ”

Đây là sai lầm khá nhiều người mắc phải khi mới nhận chức vụ mới. Họ gần như ngay lập tức muốn thay đổi mọi thứ, muốn thiết lập lại một trật tự mới trong đội nhóm, phòng ban, công ty của mình. Việc đưa ra những nguyên tắc và nội quy mới trong khi nhân viên chưa chuẩn bị tâm lý có thể khiến họ cảm thấy bực bội và nản lòng, thậm chí gây ra sự phản kháng gay gắt. Do đó, thay vì vội vàng, bạn cần  dành thời gian nghiên cứu và tham khảo ý kiến của từng nhân viên để nghe phản hồi và ý tưởng của họ, sau đó chia sẻ tầm nhìn với họ. Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink chia sẻ, khi bạn mới lên làm sếp, còn chưa khẳng định được năng lực, uy tín với nhân viên nên sẽ khó nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của họ. Vì vậy, bạn cần kiên nhẫn và minh bạch mọi chuyện để thu hút mọi người tham gia, mọi sự “cải tổ” muốn đạt hiệu quả cần cả một quá trình chứ không phải vội vàng, ngay lập tức.

Quá ôm đồm công việc

Những vị sếp mới thường nhiệt tình, hào hứng với công việc và do đó họ cũng dễ trở nên ôm đồm mọi thứ. Cũng có khả năng họ chưa biết cách giao việc hiệu quả và chưa đủ lòng tin với nhân viên của mình nên muốn tự làm tất cả. Đây rõ ràng là một sai lầm. Bất kỳ người sếp nào cũng cần sự hỗ trợ của cấp dưới để chia sẻ bớt gánh nặng, giúp người lãnh đạo có thể tập trung cho những nhiệm vụ quan trọng và bao quát hơn. Chắc hẳn bạn không muốn nhìn thấy cảnh nhân viên rảnh rỗi ngồi chơi trong khi bạn nai lưng ra làm việc? Họ cũng sẽ không biết ơn bạn vì điều đó mà thậm chí còn trách sếp không tin tưởng, tạo điều kiện cho họ phát huy năng lực và phát triển bản thân.

Không có kế hoạch công việc rõ ràng

Nhân viên có thể làm việc theo thói quen, nhưng một khi đã trở thành lãnh đạo, bạn nên có kế hoạch công việc rõ ràng. Bởi ở vị trí quản lý, có rất nhiều công việc, nhiều nhiệm vụ khác nhau sẽ đến cùng một lúc. Lập kế hoạch giúp bạn giải quyết  từng việc theo thứ tự ưu tiên, tránh căng thẳng gây nhầm lẫn hoặc bỏ sót các nhiệm vụ quan trọng. Đồng thời, có kế hoạch rõ ràng cụ thể sẽ giúp bạn quản lý nhân viên hiệu quả hơn, tiết kiệm được thời gian, công sức của bản thân và của tập thể.

Thiếu quyết đoán, dễ bị tác động

Kinh nghiệm quản lý chưa nhiều trong khi trách nhiệm khá nặng nề khiến những người mới lên sếp thường sợ thất bại, thiếu tự tin, dẫn đến thiếu quyết đoán. Tuy nhiên, việc chần chừ, không dám đưa ra quyết định dứt khoát không chỉ gây bê trễ công việc mà còn khiến nhân viên của bạn mất lòng tin ở sếp. Bạn cần nhớ rằng, bạn không thể làm vừa lòng tất cả nhân viên của mình và đôi khi bạn buộc phải có những quyết định dũng cảm, không ngại va chạm với những ý kiến bất đồng, nếu bạn thực sự tin tưởng vào năng lực của bản thân mình.

Kiều Giang