Môi trường công sở, doanh nghiệp với tính chất cạnh tranh và áp lực công việc cao nên không thể tránh khỏi xảy ra những mâu thuẫn giữa những người làm việc cùng. Bản chất của mâu thuẫn hoàn toàn không hề tiêu cực, nếu biết tận dụng tốt, bạn có thể thông qua đó để hiểu hơn về đồng nghiệp xung quanh, làm cơ sở để hoàn thiện và phát triển bản thân. Thế nhưng không nhiều người biết cách xử lý thông minh khi những bất đồng xuất hiện, nhất là khi bất đồng ấy lại rơi vào giữa bạn và cấp trên thì vấn đề càng trở nên nhạy cảm và phức tạp hơn.
Chia sẻ về chủ đề này, Trưởng phòng Nhân sự công ty tuyển dụng và tìm kiếm việc làm CareerLink sẽ chỉ ra 5 điều bạn cần làm khi xảy ra mâu thuẫn với cấp trên, hãy cùng tham khảo nhé!
Cập nhật các tin tuyển dụng mới nhất tại Careerlink
Không tỏ thái độ tiêu cực
Mâu thuẫn vốn đã được xem là một yếu tố nhạy cảm vì thế bạn không có lý do để làm tình hình trở nên tồi tệ hơn, nhất là đối với cấp trên – người chủ động và có quyền hạn hơn bạn trong công việc. Thái độ thức thời chính điều kiện tiên quyết quyết định sự căng thẳng của các cá nhân tham gia vào mâu thuẫn. Hãy nghĩ xem, nếu cấp trên của bạn không giữ được bình tĩnh lúc ấy thì liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn cũng gay gắt đáp trả. Và ngược lại, nếu trong tình huống tương tự, cấp trên làm chủ được thái độ, thì tất nhiên bạn chẳng có lý do gì để đánh mất quyền kiểm soát cá nhân như vậy cả.
Đánh giá mâu thuẫn
Để tránh những hệ lụy tiêu cực không đáng có, lúc này bạn nên tạm thời cho bản thân một khoảng thời gian để suy nghĩ về mâu thuẫn trên, đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc, tính chất ảnh hưởng đến tình hình chung. Muốn đánh giá, bạn cần phân tích những yếu tố sau: nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp, nội dung mâu thuẫn, mấu chốt của bất đồng… Bên cạnh suy nghĩ chủ quan, bạn cũng cần tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp, bạn bè có kinh nghiệm để nhận được hệ tham khảo khách quan, họ sẽ chỉ ra bạn sai ở đâu, đúng ở điểm nào và những lời gợi ý mang tính chất khuyên nhủ mà hoàn toàn không định hướng cho bạn cần phải làm gì, chính bạn mới là người phải quyết định điều đó.
Trò chuyện thông minh khi hẹn gặp cấp trên
Sau khi có đủ thời gian và không gian cho việc suy nghĩ và làm chủ cảm xúc, bạn cần có một cuộc gặp gỡ cấp trên để tiếp tục thảo luận về mâu thuẫn chưa được giải quyết kia. Tại buổi gặp mặt, bạn nên tránh nhắc lại những mấu chốt gây ra bất đồng, thay vào đó hãy thử tìm hiểu và thử một vài mẫu câu chuyên dụng dùng để dung hòa những khác nhau trong suy nghĩ, vừa thể hiện vai trò và vị thế của bản thân so với sếp. Bên cạnh đó, không quên chia sẻ thẳng thắn quan điểm cá nhân với thái độ đóng góp, phát triển. Tránh nịnh hót, tạo cảm giác không thành thật vì sự nghiêm túc và chuyên nghiệp trong công việc chung luôn là điều một nhân viên hiện đại cần phải có trong bất kỳ trường hợp nào.
Tôn trọng cách giải quyết của cấp trên
Sau khi trình bày những suy nghĩ của mình và tháo gỡ những khúc mắc cần thiết thì đây là lúc tiến tới những kết luận và giải quyết mâu thuẫn. Khác với những tình huống mâu thuẫn với đồng nghiệp đơn thuần, khi gặp vấn đề với cấp trên bạn cần phải hiểu rõ về quyền kiểm soát công việc để cùng đưa ra những cách giải quyết hiệu quả. Cấp trên lúc này sẽ không đặt nặng mặt đúng sai của vấn đề mà sẽ để ý đến hành vi và thái độ của bạn từ đó họ sẽ suy nghĩ lại về những quan điểm dẫn đến bất đồng trong quá khứ. Dù cho những quan điểm, hướng đi hay kế hoạch của bạn có được thông qua và áp dụng hay không thì điều duy nhất bạn cần phải làm lúc này chính là tôn trọng họ.
Rút kinh nghiệm cho những lần sau
Tất nhiên rồi, như đã nói ở đầu bài, một mâu thuẫn chỉ được xem là có ý nghĩa tích cực khi bạn học được từ nó những bài học về thái độ làm việc, hành vi và suy nghĩ. Hãy lưu ý, ghi nhớ những kinh nghiệm bản thân có được khi mâu thuẫn xảy ra và được giải quyết cùng cấp trên, đồng thời đừng quên những khuyết điểm, hạn chế bạn nhìn nhận được thông qua mâu thuẫn để có hướng hoàn thiện, phát triển bản thân hiệu quả.
Trên đây là 5 điều bạn cần làm khi xảy ra mâu thuẫn với cấp trên, hy vọng thông qua bài viết này sẽ giúp bạn có thái độ tích cực hơn khi đối mặt với những mâu thuẫn trong môi trường công sở, đặc biệt là với cấp trên của mình.
Tiến Huy