Trong công việc, không thể tránh khỏi những lúc bạn bị phê bình hay góp ý từ cấp trên hoặc đồng nghiệp. Nếu bạn có thể học cách xử lý các phản hồi tiêu cực này một cách hiệu quả, đó sẽ là một kỹ năng quan trọng giúp bạn trong hành trình phát triển bản thân.
Dưới đây là 5 điều nên thực hiện khi bị phê bình trong công việc mà bạn có thể tham khảo.
Tham khảo các thông tin tìm việc làm Hà Nội tại Careerlink.vn
Nhìn nhận rõ ràng lại vấn đề
Điều quan trọng đầu tiên là bạn nên nhìn nhận lại vấn đề khi bị góp ý, phê bình. Nếu bị hiểu sai, bạn nên trình bày, giải thích rõ ràng vấn đề với thái độ bình tĩnh và hợp tác nhất. Ngược lại, nếu có lỗi bạn nên thành tâm nhận lỗi. Nói lời xin lỗi sếp hoặc đồng nghiệp một cách chân tình, văn minh nhất. Làm sao để họ nhận thấy sự chân thành nơi bạn. Ngoài ra, bạn phải sẵn sàng chấp nhận hình phạt và khắc phục các hậu quả từ lỗi lầm đó (nếu có).
Duy trì thái độ tích cực, tinh thần lạc quan, không quá đặt nặng vấn đề
Không ai bị phê bình mà có thể vui vẻ hoặc bình thường coi như không có chuyện gì. Tuy nhiên, đừng để vấn đề này đi quá xa, làm ảnh hưởng xấu đến tinh thần làm việc của bạn.
Trưởng phòng Tư vấn Tuyển dụng CareerLink chia sẻ, bạn có thể cho phép bản thân “xuống tinh thần” trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó phải ổn định để làm việc trở lại trong thời gian sớm nhất. Hãy duy trì thái độ tích cực, lạc quan, coi đó là một sự cố, một tình huống mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải. Bạn nên tránh trường hợp, sau khi bị phê bình cảm thấy bi quan, chán nản hay xấu hổ không muốn làm việc hoặc làm không hiệu quả. Cách ứng xử này chỉ làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn mà thôi.
Rút ra bài học cho chính mình
Đôi khi bạn phải chấp nhận hình phạt nặng nề và đáng bị phê bình nếu như bạn gây ra một lỗi lầm để lại hậu quả nghiêm trọng. Nhưng trong một số trường hợp, phê bình đơn giản chỉ đề giúp bạn được tốt hơn. Sếp và đồng nghiệp phê bình vì họ muốn bạn làm việc có trách nhiệm hơn, để ý hơn đến công việc được giao.
Vì vậy, rút ra bài học cho bản thân, làm việc cẩn trọng hơn, đảm bảo rằng mình không lặp lại lỗi lầm tương tự là cách ứng xử hiệu quả nhất. Điều này chỉ mang lại lợi ích cho bạn và cấp trên sẽ đánh giá cao những nhân viên cầu thị, biết nhận sai và biết sửa sai.
Tuyệt đối không giữ “mối tư thù”
Nhiều người có tính thù dai, thù vặt. Khi bị cấp trên hay đồng nghiệp phê bình thì sẽ nổi nóng, giận dữ hoặc ngầm giữ lại sự bực tức trong lòng và nếu có cơ hội sẽ “trả thù”. Thật ra, đây là cách ứng xử của người xấu tính, ích kỷ, nhỏ mọn và thiếu tính cầu tiến. Những người như vậy sẽ ít tiến bộ, sẽ bị đồng nghiệp xa lánh, không muốn kết giao cũng như làm việc cùng.
Khi bị phê bình, bạn rõ ràng phải chấp nhận chịu hình phạt do lỗi lầm mà mình gây ra. Tất cả là vì công việc, sếp hoặc đồng nghiệp phê bình bạn vì theo đúng theo nội quy của công ty có thưởng có phạt. Nếu bạn suy nghĩ được rõ ràng như vậy, bạn nên kiềm chế sự nóng giận, không giữ trong lòng sự bực tức hay tư thù. Nhìn nhận, tìm rõ nguyên nhân mình phạm lỗi ở đâu để sửa chữa bạn sẽ tiến bộ hơn theo thời gian, đó mới là điều bạn nên làm mà không phải là giữ sự bất mãn trong lòng.
Làm việc tốt hơn mỗi ngày
Sau khi bị phê bình, thường mọi người sẽ để ý đến bạn nhiều hơn, cả về chất lượng công việc và thái độ làm việc. Vì vậy, nỗ lực làm việc tốt hơn từng ngày, không lặp lại lỗi lầm cũ sẽ là câu trả lời tốt nhất của bạn. Hãy bỏ qua hết mọi khúc mắc để tự tạo cho mình cảm hứng và tinh thần làm việc. Không ngừng học hỏi, rèn luyện kỹ năng, cẩn thận và hạn chế sai sót. Công việc của bạn sẽ được hanh thông, thành công hơn.
Tóm lại, không ai muốn bị phê bình cả. Tuy nhiên, trong công việc bạn không thể đảm bảo rằng mình không rơi vào tình huống đó. Nếu xảy ra, bạn nên bình tĩnh và cẩn trọng. Lựa chọn cách ứng xử khéo léo sẽ không đánh mất “thương hiệu cá nhân” mà bạn đã dày công xây dựng trong mắt sếp và đồng nghiệp. Cách ứng xử khi bị phê bình cũng nói lên tính cách, phẩm chất con người bạn. Hãy là người lạc quan, cầu tiến và dám chịu trách nhiệm với việc mình làm. Một người như vậy luôn được tin cậy và đánh giá cao.
Đặng Hảo