Phỏng vấn xin việc là cuộc trao đổi hai chiều, mà trong đó nếu ứng viên biết cách đặt câu hỏi đúng cách sẽ chứng tỏ được bản lĩnh với nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, với các bạn sinh viên mới ra trường, đây là điều khá khó khăn. Hiểu được điều này, Trưởng phòng Tư vấn tuyển dụng Careerlink.vn, trang web hỗ trợ tìm kiếm việc làm và tuyển dụng nhân sự cấp cao hàng đầu Việt Nam, đã đưa ra 5 gợi ý giúp các bạn sinh viên mới tốt nghiệp tạo được ấn tượng với nhà tuyển dụng đồng thời hiểu hơn về công ty và công việc mình sẽ đảm nhiệm.
Tham khảo thông tin tuyển dụng mới nhất tại Careerlink.
Anh/chị có thể nói thêm về trách nhiệm của vị trí này?
Đây là cơ hội của bạn để tìm hiểu về vai trò của mình và là cơ sở để đưa ra quyết định xem đây có phải là công việc mà bạn thực sự muốn hay không. Mặc dù bạn đã đọc qua mô tả công việc nhưng chắc chắn sẽ có những nhiệm vụ khác “đính kèm” mà thông tin tuyển dụng chưa truyền tải hết. Chẳng hạn, ở một công ty nhỏ thì nhân viên trợ lý có thể kiêm luôn vị trí hành chính và tuyển dụng. Bằng cách hiểu sâu hơn về các công việc hàng ngày, bạn sẽ dễ hình dung về những gì mình và cần kỹ năng gì để đem lại kết quả làm việc như mong đợi.
Công ty mong đợi hiệu quả làm việc ra sao?
Tuyển dụng sinh viên mới ra trường, công ty sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để đào tạo họ thành người chuyên nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp rất quan tâm đến hiệu quả đầu tư. Một nhân viên tử tế là người luôn biết những gì công ty mong đợi ở họ và hãy thể hiện điều đó để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Đồng thời thông tin từ câu trả lời cũng sẽ tiết lộ cho bạn biết cách thức đánh giá hiệu quả làm việc của công ty. Theo đó, bạn sẽ biết cách hành động để đạt được kỳ vọng của bản thân cũng như của nhà tuyển dụng.
Triển vọng thăng tiến như thế nào?
Bạn có thể đặt những câu hỏi về khả năng mở rộng công việc của mình, ví dụ một sales admin có thể trở thành nhân viên kinh doanh không? Nghĩa là từ công việc đang ứng tuyển, bạn có thể phát triển công việc như thế nào để dự đoán tương lai nghề nghiệp của mình. Điều này cho thấy bạn sẵn sàng cam kết làm việc lâu dài và có tính thần cầu tiến.
Thế nhưng, tuyệt đối không hỏi kiểu bao lâu có thể lên chức trưởng phòng vì nó chỉ thể hiện bạn là người nông cạn, không biết lượng sức mình. Mọi thăng tiến đều cần qua kinh nghiệm thực tế và phụ thuộc vào khả năng bản thân, chứ không phải do người khác trả lời mà có thể ước đoán được.
Anh/chị thích điều gì nhất ở công ty?
Bạn muốn biết đồng nghiệp có vui vẻ không, công việc thư thả hay nhiều áp lực, môi trường làm việc thân thiện hay “lạnh lùng” thì đây là cách tốt nhất để biết. Bạn dành ít nhất 8 tiếng mỗi ngày ở công ty nên một nơi làm việc thoải mái sẽ làm bạn muốn gắn bó lâu dài. Hãy tìm hiểu đánh giá của người phỏng vấn về nhân viên trong công ty, về những người trong bộ phận mà bạn ứng tuyển hoặc mối quan hệ của các nhân viên với nhau.
Tùy vào tình hình buổi phỏng vấn mà bạn có thể hỏi thêm về nhân sự đã từng làm công việc mà bạn ứng tuyển: vì sao họ nghỉ, họ đã làm được bao lâu và những gì họ làm được trong công việc. Tuy nhiên, điều này không quá quan trọng nên không nhất thiết phải hỏi, trừ khi bạn cần thêm dữ kiện để đưa ra quyết định.
Bước tiếp theo trong quy trình phỏng vấn là gì?
Thông thường, sau mỗi cuộc phỏng vấn sẽ có một khoảng thời gian chờ đợi. Thay vì phải bồn chồn lo lắng và thắc mắc khi nào họ sẽ gọi cho mình, hãy mạnh dạn hỏi người phỏng vấn về các bước tiếp theo. Nếu họ bảo sẽ phản hồi sớm cho bạn, hãy hỏi thời gian khi nào. Nếu có buổi phỏng vấn thứ 2, hãy hỏi bạn cần chuẩn bị những gì. Đừng ngần ngại hỏi thêm thông tin vì điều đó thể hiện sự năng động, tự tin của bạn và giúp bạn gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng, đặc biệt là trong trường hợp bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc.
Đặt câu hỏi cho người phỏng vấn cho thấy bạn quan tâm đến công việc và nghiêm túc tìm hiểu trước khi được tuyển dụng. Vì vậy, đừng bỏ lỡ cơ hội được phỏng vấn ngược nhà tuyển dụng vì đó vừa là cách để ghi điểm, vừa là cách tìm hiểu thông tin về công ty giúp bạn đưa ra quyết định chính xác hơn nếu được mời làm việc.
Mừng Mẫn