6 bí quyết giúp người nhạy cảm cao thành công trong công việc

 Nếu bạn thuộc típ người “siêu nhạy cảm” (High sensitive person), bạn có lẽ gặp phải không ít rắc rối bởi bạn hay rụt rè, dễ bị tổn thương hay suy nghĩ quá nhiều đến nhận xét của người khác mà không để ý đến cảm nhận của bản thân. Bạn có xu hướng bị lấn át, dễ bị căng thẳng và đặc biệt nhạy cảm với những áp lực tại nơi làm việc. Tuy nhiên, nhạy cảm cao không có nghĩa là bạn không thể thành công trong công việc. Theo chia sẻ của Trưởng phòng Nhân sự CareerLink, nếu hiểu rõ tính cách của mình, bạn có thể thực hiện nhiều biện pháp để đạt được hiệu quả cao nhất trong sự nghiệp. Hãy cùng xem một số gợi ý sau đây nhé!

logo-1200

Xem thêm các việc làm Hà Nội được cập nhật mới nhất tại careerlink.vn

Chấp nhận bản thân

Thật khó để không cảm thấy mình lạc lõng ở môi trường làm việc chuyên nghiệp khi bạn là một người nhạy cảm cao. Ở giai đoạn mới đi làm, có lẽ bạn sẽ cảm thấy khá nhiều lo lắng, mệt mỏi, áp lực. Lời khuyên cho bạn là hãy chấp nhận bản thân, đừng cảm thấy có lỗi vì sự khác biệt. Hãy nhẹ nhàng với chính mình như cách bạn làm với người khác.

Quản lý cảm xúc

Khi bạn là người nhạy cảm cao, việc bạn thường xuyên có phản ứng thái quá với môi trường xung quanh là không thể tránh khỏi. Bạn dễ bị tổn thương bởi những lời phê bình của sếp, cách cư xử của đồng nghiệp… Áp lực của công việc cũng dễ khiến bạn rơi vào căng thẳng. Bạn cần học cách quản lý tốt cảm xúc của mình. Không có nghĩa là bạn phải thường xuyên đè nén cảm xúc vì điều đó càng nguy hiểm hơn. Lời khuyên ở đây là bạn nên dừng lại để quan sát cảm xúc, cơn giận, sự khó chịu, cảm giác tổn thương… đang diễn ra trong bạn, nhận biết và để chúng qua đi mà không phán xét. Học và thực hành thiền thường xuyên sẽ rất tốt cho những người nhạy cảm cao như bạn.

Ra ngoài nhiều hơn

Để cân bằng cảm xúc tốt hơn, người nhạy cảm cao nên tận dụng giờ nghỉ tiếp xúc với “khí trời” hơn là chỉ chăm chăm vào công việc. Hãy ra khỏi văn phòng vào giờ nghỉ trưa của bạn, đi dạo nơi thoáng đãng hoặc có nhiều cây xanh. Việc ở lâu trong môi trường “đóng” có thể khiến hệ thống thần kinh vốn nhạy cảm của bạn càng dễ bị kích thích.

Tự tin vào kỹ năng giao tiếp

Hầu hết những người nhạy cảm cao có thế mạnh trong các lĩnh vực trí tuệ cảm xúc, (EQ), khả năng nhận biết và hiểu cảm xúc ở bản thân và người khác. Thế mạnh này có thể giúp bạn dễ dàng được đánh giá cao ở môi trường công việc.

Hãy tận dụng khả năng này trong giao tiếp với đồng nghiệp và cấp trên. Sự tinh ý, khả năng lắng nghe và cảm thông với người khác của bạn khiến cho người xung quanh cảm thấy được thấu hiểu và tôn trọng. Điều này sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và cấp trên, đồng thời hỗ trợ tích cực cho công việc của bạn.

Tận dụng sự tinh tế của bạn

Là người nhạy cảm cao, bạn có một tài sản mà người khác không có: Bạn có cảm nhận tinh tế không chỉ về mặt tình cảm mà cả về những chi tiết nhỏ nhặt mà người khác không để ý. Hãy lên tiếng, đóng góp ý kiến độc đáo của mình khi bạn nhận thấy những vấn đề cần lưu ý trong một dự án lớn của công ty hay trong việc tuyển dụng nhân sự mới, vì khả năng thấu hiểu và đánh giá con người của bạn thường sắc bén.

Chẳng hạn, khi các đồng nghiệp đang xem xét kỹ lưỡng một chính sách mới có thể ảnh hưởng đến từng bộ phận trong tổ chức của bạn như thế nào, bạn có thể phát hiện ra những lợi ích và nhược điểm tiềm ẩn. Đôi khi, việc phát hiện và dự phòng cho những chi tiết nhỏ có thể giúp công ty của bạn tránh được những tổn thất lớn.

Phát huy sự sáng tạo của bạn

Trực giác nhạy bén và tính sáng tạo cao là những món quà “trời ban” cho người siêu nhạy cảm. Đừng lãng phí khả năng này mà hãy tìm cách kích thích sự sáng tạo của bạn. Hãy tạo cho mình thói quen mang theo một cuốn sổ tay bên mình để ghi chép lại các ý tưởng khi chúng bất chợt nảy ra trong đầu bạn.

Những ý tưởng của bạn có thể đưa đến các giải pháp mang tính đột phá, đem lại những đóng góp quan trọng cho tập thể. Sự sáng tạo cũng giúp bạn say mê công việc của mình hơn đồng thời cũng truyền cảm hứng và động lực cho những đồng nghiệp xung quanh.

 

Minh Khang