Hay tin khu nhà vườn đẹp nhất cố đô đang được chủ nhân rao bán, tôi chợt thấy lo lo. Nếu một người nào đó yêu thiên nhiên, am tường văn hóa Huế mua lại khu nhà vườn này thì không sao; nhưng nếu lỡ chừng lọt vào tay một ai đó chỉ muốn “tòa thành ngang dọc”, chỉ muốn kinh doanh kiếm lợi chẳng hạn thì Huế sẽ mất đi một “viên ngọc quý” mà nói theo lời một bài hát nổi tiếng về Huế là “chẳng nơi nào có được”…
Huế là một thành phố không rộng nhưng lại có những khu nhà vườn mênh mang xanh hoa trái. Đó là không gian sống mà bạn tôi, một người Sài Gòn đến Huế chơi gọi là “đạt đến đẳng cấp quốc tế!”. Những người Huế qua bao thế hệ đã kéo thiên nhiên về quanh mình. Nhà vườn Huế không còn là những khu vườn quanh nhà đơn thuần nhưở một số địa phương khác trên đất nước này, mà đã được chủ nhân thiết kế quyện hòa trong một không gian sống mở rộng: nhà có nhiều cửa, vườn rất nhiều cây trái, những lối đi nhỏ nối giữa nhà và vườn khắng khít với nhau. Đặc biệt, ngõ vào nhà luôn là hai hàng chè tàu được tỉa tót đẹp mắt và trước nhà luôn luôn có tấm bình phong che chở. Đó là nơi người bầu bạn với cây…
Nhà vườn có ở quanh chốn kinh kỳ ngày xưa từ những làng ven đô như Lại Thế, Ngọc Anh, ở vùng chợ Dinh bên kia cầu Đông Ba nơi có nhiều phủ đệ của quan lại ngày xưa, ở những nẻo đường quanh co trong Thành Nội hay dọc hai bên sông An Cựu và nhiều nhất là ở chốn “Kim Long có gái mỹ miều”. Thời gian và những biến cố lịch sử đã làm không ít khu nhà vườn ở Huế bị phá bỏ, bị cắt xén, bán xới. Thỉnh thoảng ngang qua những con đường bên kia sông Đông Ba bắt gặp những chiếc cổng rêu phong của những phủ đệ ngày xưa nhưng bên trong bây giờ là những chung cư tạm bợ nhếch nhác chợt thấy lòng man mác u hoài về một thuở “lầu son gác tía” đã xa…
Người Huế xưa gầy dựng nên những nhà vườn không chỉ để ở mà còn gửi gắm vào không gian sống những khát vọng lâu bền với cuộc đời thể hiện qua việc đặt tên nhà vườn theo ước nguyện triết lý sống và văn chương của mình. Trong khu nhà vườn xứ Huế hiện diện xanh tươi rất nhiều hoa trái ở khắp mọi miền đất nước mà như nhà thơ Nguyễn Bính trong một lần giang hồ qua Huế đã bồi hồi tiếc nuối về một xóm Ngự Viên xưa trong lòng Huế: “Có phải ngày xưa vườn Ngự Uyển – Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên – Sớm đào, trưa lý, hồng phấn – Tuyết hạnh, sương quỳnh, máu đỗ quyên”. Thật thú vị khi cây măng cụt của Nam bộ cũng được trồng rất nhiều ở các nhà vườn Huế nhưng cái tên “măng cụt” hơi khó nghe nên người Huế xưa đã đổi tên cây thành “giáng châu” nghe mỹ miều hơn; cũng như thế người Huế cũng đặt tên rất hay cho một giống bưởi quý của xứ sở mình là “thanh trà”…
Những ngày đông giá xứ Huế, tôi thích tản bộ trên những con đường quanh co xứ Kim Long để ngắm những cây mai trắng muốt nở kiêu kỳ trong những khu nhà vườn. Mai trắng không như mai vàng chờ hơi ấm và nắng vàng mùa xuân để khoe sắc mà âm thầm mở cánh trong mưa phùn gió bấc. Trời càng lạnh giá, mai trắng nở càng nhiều, càng đẹp. Có người nói rằng những câu thơ trác tuyệt về hoa mai của Mãn Giác Thiền Sư: “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” hay của Cao Bá Quát: “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa” đều là nói về hoa mai trắng bởi vì mai vàng không có ở xứ Bắc… Cũng là thi sĩ Nguyễn Bính đã viết về mai trắng Huế: “Nhà nàng ở gốc cây mai trắng – Trên xóm mai vàng dưới đế kinh – Có một buổi chiều qua lối ấy – Tôi về dệt mãi mộng ba sinh”. Cái thời Nguyễn Bính giang hồ trên đất thần kinh thì Huế đã là xứ của mai vàng rồi. Và cũng như cái thời Nguyễn Bính đến Huế uống rượu, nhìn mưa và làm thơ; bây giờ, vườn Huế không thể thiếu mai vàng, nhưng mai trắng thì chỉ điểm xuyết vài cây nhưở vườn của “người con gái ở lầu hoa” mà thi sĩ trót tương tư hay trong vườn cung vương phủ chúa ngày xưa – nhà vườn bây giờở xứ Kim Long, ở xóm Ngự Viên…
Mai trắng như dấu tích của một Huế xưa đài các còn vương vấn đến hôm nay để ai đó ngang qua cứ đinh ninh rằng đằng sau sắc trắng của hoa vẫn còn đó bóng hình của những nàng Tôn nữ thướt tha trong tà áo dài cùng với những lễ giáo gia phong, lá ngọc cành vàng… Mai trắng xứ Huế phải chăng cũng vì thế mà không có ai bán mua, không vô chậu kiểng, chỉ lặng lẽ và kiêu sa đứng trong những nhà vườn để mỗi mùa đông đến là lại nở hoa để người đời nay biết thế nào là “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” như cụ Nguyễn Du từng ví von…
Ngang qua đường Lê Duẩn, con đường ven sông Hương, trước mặt kinh thành Huế có thể bắt gặp những vườn hoàng mai cây khẳng khiu chạy dọc hai bên đường. Đó là vườn mai được trồng cách đây phải hơn mười năm. Theo ý tưởng lãng mạn của những người quản lý cây xanh thành phố Huế, họ muốn có một con đường rực một màu mai vàng những ngày xuân. Tiếc là những cây hoa mai khó tính đã không chịu ra hoa theo ý nguyện của người.
Hoàng mai là một loài hoa gần gũi với đời sống con người xứ Huế. Cây chỉ ra hoa khi có người làm bầu bạn. Mà không chỉ có hoa mai, rất nhiều loài cây trong những khu nhà vườn xứ Huế chỉ nở hoa kết trái khi có người làm bầu bạn quanh năm. Cũng vì thế mà khi chủ nhân của những khu nhà vườn quá vãng, cây cối quanh vườn cũng chít những chiếc khăn tang. Mà nếu lỡ quên mất thủ tục nhân văn này thì không lâu sau cây cũng héo rũ theo người mà đi…
Theo doanhnhansaigoncuoituan.com.vn
document.currentScript.parentNode.insertBefore(s, document.currentScript);