Trước đó, tôi dự định khánh thành bảo tàng ngày 14/10 nhưng do phần thiết kế khu nhà bảo tàng có thay đổi, phải tháo dỡ toàn bộ căn nhà rường tại khu nhà vườn Long Thuận để nâng cấp đạt tiêu chuẩn về ánh sáng, độ ẩm, đảm bảo an toàn lực tải khi lượng khách vào tham quan đông, nên tiến độ chậm lại. Dù vậy, trễ nhất là đến tháng 11 sẽ phải hoàn thành. Mọi thủ tục ra mắt bảo tàng đang được các lãnh đạo thành phố và lãnh đạo Q.9 hỗ trợ tối đa. Tôi nghĩ, ra mắt vào cuối năm là thời điểm thích hợp để phục vụ công chúng vào mùa lễ hội đầu năm mới.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng bên các mẫu áo dài vẽ
* Hiện anh đã có bao nhiêu mẫu áo dài và tư liệu cho bảo tàng?
– Khoảng 500 bộ áo dài qua các thời đại, trong đó có các mẫu áo dài được đo may từ những năm 1930. Bộ đồ xưa nhất là áo dài của bà Tôn Nữ Thị Ninh gửi tặng, là bộ áo dài cưới được truyền đến ba đời (mẹ chồng, đời bà và con dâu bà). Tôi cũng vừa tiếp nhận hai bộ áo dài có từ năm 1945 ở Bến Tre. Trong bộ sưu tập có áo dài của nữ tướng Nguyễn Thị Định, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, NSND Bảy Nam, NSND Kim Cương… Ngoài ra, tôi còn có hơn 3.000 tấm ảnh áo dài xưa và nay cùng nhiều tư liệu quý về chiếc áo dài VN. Đây chưa phải là con số cuối cùng, mỗi ngày tôi luôn “nghe ngóng” tìm xem ở đâu có người muốn tặng, muốn bán áo dài để bổ sung thêm. Khi bảo tàng ra đời, sẽ có một kế hoạch quảng bá rộng rãi, mời gọi mọi người sang nhượng, hiến tặng áo dài không sử dụng để kho hiện vật được phong phú hơn.
* Áo dài là hiện vật không dễ sưu tầm và bảo quản, chắc hẳn anh gặp không ít khó khăn?
– Đúng vậy! Áo dài dễ bị tác động bởi ánh sáng, độ ẩm, bụi… nếu không biết cách bảo quản, xử lý thì các loại vải xưa sẽ nhanh chóng bị mục nát, hư hao. Để khách tham quan cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của hiện vật, áo dài không trưng bày trong tủ kính mà để ở không gian mở. Vì thế nội thất thiết kế phải bảo đảm một số yêu cầu kỹ thuật, đồng thời cũng có vài yêu cầu đối với khách tham quan như vào bảo tàng phải bỏ giày dép, số lượng khách cũng hạn chế từng đợt vào trong gian trưng bày chính để luôn đảm bảo các quy chuẩn an toàn và bảo quản hiện vật. Mỗi ngày đều phát sinh ra vấn đề mới do hiện vật vẫn không ngừng gia tăng, tôi phải chạy nước rút cho kịp thời gian khánh thành.
Trong đời mình, tôi làm việc hết lòng để theo đuổi ba điều ao ước: thư viện, bảo tàng và nhà hát. Tôi không xuất hiện ở các sự kiện, cũng không tuyên bố này nọ, mặc đồ do mình đo may, mỗi ngày đi về 40 cây số bằng xe gắn máy hoặc xe buýt. Tôi sống đơn giản, cân nhắc từng đồng tiền mình bỏ ra. Chi cái gì đáng thì tiền tỷ tôi không tiếc, nhưng không đáng thì 2.000 đồng tôi cũng không duyệt
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng
* Con số 20 tỷ đồng không nhỏ, đây là dự án văn hóa có ý nghĩa, sao anh không kêu gọi đầu tư mà tự mình thực hiện?
– Ban đầu tôi chỉ dự định bỏ ra năm tỷ để cải thiện phần 2.000m2 trong khu nhà vườn Long Thuận thành nơi trưng bày áo dài, nhưng do nhiều yếu tố phát sinh nên số tiền đã lên đến khoảng 20 tỷ đồng. Đầu tư vào văn hóa phải tính đường dài, các nhà đầu tư bây giờ thấy lợi nhuận và thu hồi vốn ngắn hạn mới chịu tham gia, tôi đã kêu gọi nhưng không ai mặn mà. Tôi tin, khi bảo tàng đi vào hoạt động, sẽ nhận được sự trợ lực về tài chính của các nhà tài trợ, tập thể, sự quan tâm đưa vào chương trình tour của các công ty du lịch trong và ngoài nước, nguồn thu từ du khách tham quan cùng các dịch vụ tại bảo tàng.
* Mới đây, công chúng còn thấy anh tham gia diễn kịch ở sân khấu Hoàng Thái Thanh trong vở Trò chơi tham vọng; đó là một cuộc “dạo chơi” hay một “ý đồ” gì khác của anh?
– Tôi luôn cẩn trọng, nghiêm túc và kiên trì theo đuổi với mọi quyết định, dù việc lớn hay nhỏ, nên không có khái niệm “dạo chơi, thử sức”. Bên cạnh việc chuẩn bị ra mắt bảo tàng, tôi còn có mong muốn trở thành người kể chuyện. Mà muốn nói chuyện sao cho sinh động, hấp dẫn, thì phải đi học. Nhận vai đạo diễn An Khương trong Trò chơi tham vọng của sân khấu Hoàng Thái Thanh tôi đã tập luyện đến 45 ngày, suốt ngày trên sàn tập, tối còn đến nhà chị Ái Như học. Một vai diễn chỉ là khởi đầu, có thể tôi sẽ tiếp tục được phân vai diễn khác. Tôi muốn trở thành người kể chuyện thuyết phục để truyền lửa cho các bạn trẻ quan tâm đến văn hóa VN.
* Xin cảm ơn cuộc trao đổi thú vị của anh.
Người gửi: Ngọc Hiếu
Nguồn: www.phunuonline.com.vn