Câu hỏi phỏng vấn “Bạn nghĩ thế nào về sếp cũ?” có phần đơn giản, nhưng để tạo ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng lại là một thách thức. Bởi nhà tuyển dụng hiểu có khá nhiều nhân sự rời bỏ công việc vì không hài lòng với cấp trên. Chính cách nhìn nhận, đánh giá mối quan hệ với sếp cũ sẽ phản ảnh rõ phẩm chất và kỹ năng của ứng viên. Do đó, họ rất muốn khai thác vấn đề này để tìm ra ứng viên phù hợp.
Vậy nên trả lời câu hỏi này như thế nào khi tìm công việc ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh… để tạo ấn tượng tốt nhất?
Thể hiện lòng biết ơn
Đừng nghĩ nhiều về việc sếp cũ thực sự là người thế nào. Bởi điều nhà tuyển dụng muốn nghe hơn cả là cách nhìn nhận về nơi bạn đã làm việc, người đã từng quản lý bạn. Do đó, tốt nhất nên thể hiện quan điểm khách quan.
Hãy nói ngắn gọn cả ưu điểm, nhược điểm của sếp cũ. Quan trọng hơn là hãy bày tỏ sự cảm ơn với họ. Bởi họ đã từng hướng dẫn, đồng hành với bạn trong công việc. Chính lòng biết ơn giúp bạn được đánh giá cao.
Ví dụ: “Qua thời gian làm việc, em thấy sếp cũ có cả ưu và nhược điểm… Bản thân em đã từng được làm việc cùng sếp, được hướng dẫn, đóng góp trong quá trình làm việc. Nhờ đó em hoàn thiện bản thân hơn, áp dụng kinh nghiệm quý của sếp vào công việc và cuộc sống”.
Hướng tới ưu điểm của sếp
Đừng nghĩ khi nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi phỏng vấn về sếp cũ thì đó là cơ hội để bạn được kể xấu, đổ lỗi công ty và để minh oan cho mình. Bởi không một ai hoàn thiện tuyệt đối, dù đó là sếp. Kể cả họ có mâu thuẫn với bạn thậm chí với nhiều nhân sự khác thì vẫn có điểm tích cực nhất định.
Hơn nữa, nhà tuyển dụng không biết sếp bạn là người thế nào. Ngay cả khi bạn nói đúng sự thật, họ cũng khó tin. Chưa kể, họ còn nghĩ, vấn đề cũng nằm ở phía bạn. Thậm chí họ có quyền phỏng đoán bạn thích ứng kém, đòi hỏi cao, chấp nhặt… Điều này khiến bạn dễ mất điểm trong mắt họ.
Tốt nhất là hãy lựa chọn những điểm tích cực của sếp để chia sẻ. Nên lựa chọn câu chuyện cụ thể cho thấy rõ phẩm cất của sếp và liên quan đến bạn.
Ví dụ: “Sếp cũ đã từng tạo điều kiện cho tôi được làm online được 100% thu nhập trong thời gian con tôi nằm viện. Tôi rất cảm kích về việc này…”
Thừa nhận vấn đề
Ngay cả khi nhà tuyển dụng đã biết rõ câu chuyện bất đồng của bạn với sếp cũ thì cũng không nên quá căng thẳng. Bởi xung đột với cấp trên là một phần tự nhiên của môi trường làm việc.
Hãy thừa nhận vấn đề và thẳng thắn nói về nó. Tất nhiên, đó nên là sự việc liên quan đến công việc, không phải là vấn đề riêng tư. Hơn nữa, bạn chỉ nên đề cập nhẹ nhàng đồng thời nêu rõ cách giải quyết. Cuối cùng khẳng định qua bất đồng đó, sếp và bạn đã thấu hiểu nhau hơn.
Ví dụ: “Anh/chị ấy là người có năng lực, giàu kinh nghiệm, tâm huyết, có khả năng điều hành. Tuy nhiên, có vấn đề tôi không đồng ý và cũng đã tranh luận với sếp như… Sau cùng, chúng tôi đều gạt bỏ cái tôi cá nhân vì đều đặt hiệu quả công việc và lợi ích công ty lên trên hết”.
Nói về điều đang tìm kiếm
Các nhà tuyển dụng đều hiểu khi nghỉ việc là bạn muốn tìm kiếm điều mới. Nó bao gồm cả việc bạn tìm kiếm sếp mới. Thay vì nói lại những điều tiêu cực trong quá khứ, bạn mạnh dạn nói lên mong muốn về sếp mới. Đó là cách gián tiếp nói về những điều chưa hài lòng ở sếp cũ.
Tuy nhiên, cách trả lời này đòi hỏi bạn phải tìm hiểu kỹ lưỡng. Bạn cần đưa ra phẩm chất sếp mới đáp ứng nhu cầu bản thân. Đồng thời khiến nhà tuyển dụng thấy, công ty họ hoàn toàn đáp ứng mong muốn của bạn.
Ví dụ: “Tôi rất tôn trọng sếp cũ và đánh giá cao tâm huyết của anh/chị ấy trong công việc. Tuy nhiên điều tôi đang tìm kiếm là người sếp truyền cảm hứng, dám “đứng mũi chịu sào”, cho tôi được học hỏi, phát triển hơn…”
Không đưa thông tin thừa
Để tránh việc bị cuốn vào câu chuyện cũ, kể lể dẫn đến đưa thông tin không cần thiết thậm chí “quá đà” thì bạn nên sắp xếp trước những ý cần đề cập tới trước khi trả lời.
Tốt nhất nên chia câu trả lời thành 3 phần. Mở đầu bạn nên nói một số đặc điểm về sếp cũ. Sau đó nói về mối quan hệ của bạn với họ. Cuối cùng bày tỏ lòng biết ơn với sếp cũ và điều bạn mong muốn tìm kiếm từ sếp mới.
Khi bạn nói cần ngắn gọn, súc tích. Bạn không nên cường điệu, càng không nên để cảm xúc cá nhân phối, cũng đừng dùng từ ngữ tiêu cực. Hãy cố gắng thể hiện sự chân thành, sử dụng ngôn ngữ khách quan và tích cực để nhà tuyển dụng cảm nhận những đánh giá của bạn là đúng.
Trên đây là một số cách giúp bạn ghi điểm khi gặp câu hỏi phỏng vấn “Sếp cũ của bạn thế nào”. Điều quan trọng nhất khi trả lời câu hỏi này là bạn cần phải biết rõ mục đích của nhà tuyển dụng. Thấu hiểu mong muốn của nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn có cách trả lời phù hợp và hiệu quả cao.
Nguyễn Lý