Câu chuyện thứ nhất: Trắng tay là lúc động não nhiều nhất
Trong 43 năm bươn chải cuộc sống với nhiều thăng trầm đã đưa tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Không phải lúc nào tôi cũng có tiền. Thậm chí có những thời gian tôi trắng tay như hồi năm 1975, tôi cùng vợ con quay lại Mỹ lần 2 khi trong túi chỉ vẻn vẹn 400USD. Hay như năm 1983, tôi gần như mất hết vốn trong một dự án bất động sản, và tôi đã ra khỏi nhà chỉ với một valy quần áo!
Lúc đó, tôi không suy nghĩ nhiều về vấn đề mình đang đối diện mà luôn nghĩ tới con đường tôi sẽ phải đi trong tương lai. Mình không có gì thì phải bắt đầu ra sao. Tôi nhận thấy đó là những lúc tôi thường hăng hái và động não nhiều nhất với khát vọng vượt qua tình thế gay go này. Còn khi tôi có tiền có khi là là những lúc tôi hay buồn bã nhất vì cảm thấy cô đơn, buồn chán. Với tôi, hành trình vượt qua nghèo khó đôi khi còn lý thú hơn là sống để mua sắm. Vì thế, tôi luôn luôn tìm cách thay đổi mình để cho cuộc sống thú vị hơn, cũng như để tìm thấy sự đam mê của mình trong công việc.
Câu chuyện thứ hai: Từ chức vì muốn phiêu lưu
Từ 1/1/2013, tôi sẽ từ chức vị trí Chủ Tịch Quỹ Đầu Tư Viasa. Viasa là một quỹ riêng tư của 3 gia đình thành lập từ 2002. Có thể nói doanh thu trong 10 năm hoạt động của Viasa không đến nỗi nào nhưng tôi nhận thấy bắt đầu đang có sự yếu kém đi vì lối quản trị bảo thủ và chiến thuật trọng sự an toàn, không thích hợp lắm trong một môi trường nhiều thay đổi và cần sáng tạo. Bên cạnh đó, Virus của căn bệnh “làm vừa đủ để khỏi bị đuổi” đã lan truyền nặng và mục tiêu vì doanh thu hay lợi nhuận đã bị bỏ sót để chăm chú vào lợi ích cá nhân.
Tất cả những điều đó đã dập tắt niềm đam mê, hưng phấn của tôi như lúc đầu ở đây và nó đã khiến tôi quyết định chuyển hướng. Hơn nữa, việc lựa chọn thời điểm thay đổi là rất quan trọng. Sớm hay muộn vài tháng cũng có thể làm mất cơ hội kiếm tiền. Tôi nhìn năm 2013 là sự khởi đầu của một hành trình mới với những cuộc phiêu lưu, khám phá đầy thú vị…
Câu chuyện thứ ba: Thụ động và lười biếng sẽ “trói” giới trẻ Việt Nam
Tôi đã nói rất nhiều với các bạn trẻ ngày hôm nay về một hình ảnh: Trong một thân xác con người, phần từ cổ xuống dưới là thể hiện những cơ bắp. Những người sử dụng cơ bắp này để kiếm tiền thì giỏi nhất ở nước Mỹ cũng chỉ kiếm được khoảng 20-25USD/giờ. Trong khi đó, phần từ cổ trở lên là trí tuệ thì dường như là vô giới hạn. Đó mới là tài sản mềm, là giá trị thực sự mà tôi muốn các bạn trẻ ngày nay hướng tới để thích nghi với một nền kinh tế đang vận chuyển theo hướng dựa trên tri thức, chứ không phải dựa trên những tài sản cứng.
Nhân đây tôi cũng chia sẻ một thực tế rằng các bạn trẻ Việt Nam lớn lên trong một xã hội tương đối khép kín, tư duy khó chấp nhận những gì mới mẻ, những gì có thể nói là thách thức đối với những suy nghĩ cổ truyền. Họ đóng mình trong một cái hộp và cứ loay hoay trong đó không thoát ra được. Tôi luôn nhắc thế hệ này phải nghĩ những gì đang diễn biến ngoài cái hộp. Bên cạnh đó, người trẻ Việt Nam khá thụ động, có thể nói là lười biếng, ngay cả khi so sánh với các láng giềng ASEAN.
Tôi đi dạy ở nhiều nơi và thấy sinh viên Châu Á nói chung thụ động, không muốn động não nhiều để đi tìm tài liệu, góc cạnh, tư duy…. Đa số các sinh viên ở bên Mỹ thích đọc, lúc nào trên tay cũng có quyển sách hay máy tính thì sinh viên Việt Nam có vẻ là thích cà phê, tán gẫu…
Câu chuyện thứ tư: Con 14 tuổi cho đi làm để kiếm tiền mua xe hơi
Ở nước ngoài, bố mẹ để con cái tự tư duy về cách suy nghĩ, tìm học. Do đó, những đứa nào cảm thấy thích thú trong việc kiếm tiền thì có thể kinh doanh rất sớm. Còn những đứa khác thì cũng tự lập hơn so với những bạn cùng trang lứa ở Việt Nam.
Ví dụ, khi con trai tôi lên 14 tuổi, nó ước mơ có một chiếc ô tô cho riêng mình. Dĩ nhiên, tôi có thể sẵn sàng mua cho con một chiếc xe. Nhưng dù mới 14 tuổi, cậu ta đã thực hiện một kế hoạch rất nghiêm túc, đó là buổi sáng đi bán báo, buổi chiều đi làm nhân công quét dọn trong một siêu thị. Sau 2 năm, thằng bé đã dành đủ tiền mua lại chiếc xe Mustang cũ với giá 5.000USD vừa đúng thời gian cậu ta đủ tuổi để lái xe ở Mỹ (16 tuổi). Số tiền này dù không lớn …nhưng thằng bé rất quý trọng chiếc xe đầu đời vì đây là tiền mồ hôi nước mắt mà nó tự kiếm được. Đó là tinh thần của những đứa trẻ được ảnh hưởng từ nền giáo dục Âu Mỹ, tự do và tự lập.
Câu chuyện thứ năm: Kiếm tiền mà không nghĩ đến tiền
Để kiếm tiền, theo tôi, giới trẻ hãy quên chuyện nghĩ đến tiền mà thay vào đó là hãy nghĩ tới công việc của mình cùng với sự đam mê, nhiệt huyết cho công việc đó. Đến lúc nào anh đã làm được một việc gì thành công, một việc gì giỏi, hoặc một kiến thức chuyên sâu ở bất cứ ngành gì thì tiền sẽ tự tìm tới. Hãy tạo ra những thành quả tốt nhất bằng tất cả những kỹ năng có thể.
Sau cùng là giữ niềm tin vào chiến thắng. Tiếp tục thẳng tiến, đừng sợ sệt hay rụt rè. Chúng ta còn cả một thế giới mới để chinh phục.
Theo Lan Hương
Dân trí