Những gương mặt rạng rỡ trong tà áo dài duyên dáng. Lời khấn rì rầm trong hương trầm nghi ngút. Tiếng trẻ con ríu rít trước cây cầu bình an, tài lộc ngoài sân chùa. Không khí ngày Xuân tràn ngập chùa Nam Tien như bất cứ ngôi chùa nào tại Việt Nam hay ở những nước cùng đón Tết Nguyên đán khác trong ngày Mồng Một bừng nắng ấm. Nam Tien là ngôi chùa lớn nhất Australia, nằm cách trung tâm thành phố Sydney khoảng hơn một giờ chạy xe.
Mâm cơm cúng tất niên của một đôi vợ chồng trẻ ở Sydney.
Từ ngày 23 tháng Chạp, khu Bankstown, Cabramatta, Marrickville ở Sydney, vốn là nơi buôn bán sầm uất của người Việt, lại càng nhộn nhịp. Nhà nhà đổ đi sắm Tết khiến cho việc kiếm được một chỗ đỗ ô tô cũng mất cả giờ đồng hồ. Các ông bố vừa trông nom lũ trẻ vừa tranh thủ trò chuyện, hỏi han xem gia đình nào may mắn thu xếp công việc, được về Việt Nam đón Tết, trong khi các bà mẹ hối hả mặc cả, mua bán. Cộng đồng người Việt ngày càng phát triển, thông thương, đi lại thuận tiện, nên hầu như sản vật gì trong nước có thì ở Australia cũng không thiếu. Những chiếc bánh chưng vuông vức, to nhỏ, tùy loại giá từ 10 đến 16 đô-la Australia một chiếc (khoảng 210 nghìn đến 330 nghìn một chiếc). Giò bò, giò lụa, giò tai, mứt, vải thiều, thanh long, dưa hấu, các loại rau và gia vị giáp Tết cũng lên giá theo xu hướng giống Việt Nam do nhu cầu tăng vọt. Ngoài vắng bóng đào, mai, thứ khó kiếm nhất ở Australia trong dịp Tết là cặp cá chép vàng để đưa ông Công, ông Táo về Trời. Được cùng bố đi thả cá ở sông là một trong niềm vui lớn nhất trong năm của đám trẻ Việt ở Australia.
Lễ chùa ngày đầu năm.
30 Tết, trong khi các ông chồng nhẩn nha trang hoàng nhà cửa thì các bà vợ tất bật trong bếp. Phụ nữ Việt Nam dù đi phương trời nào cũng chẳng vơi đi cái nết đảm đang: Giận với chồng một chút, gắt với con vài câu, thế rồi mâm cơm cúng tất niên cũng tươm tất, khéo léo bầy biện xôi gấc, gà luộc lá chanh, canh bóng; cắm lọ hoa ly tươi tắn; nhà cửa gọn gàng, lũ trẻ được tắm gội sạch sẽ trước Giao thừa; chẳng những thế, lại còn chọn sẵn chai rượu ngon để chồng nhấm nháp.
Giao thừa không có màn pháo hoa lộng lẫy ở Cầu cảng Sydney như năm mới Dương lịch. Nhưng đối với đại đa số người Việt ở Australia thì thời khắc này linh thiêng hơn, hứng khởi khi hơn khi biết rằng họ đã vượt qua bao khó khăn nơi đất khách quê người để hướng tới, nắm bắt thời vận trong năm Quý Tỵ. Bước sang năm mới, lũ trẻ hớn hở nhận phong bao tiền mừng tuổi tươi màu đỏ may mắn từ bố mẹ. Rồi điện thoại Australia – Việt Nam nóng máy những lời chúc tốt đẹp nhất với ông bà, chú bác, anh chị, hẹn Tết tới về sum vầy nơi quê cha, đất tổ.
Tà áo dài duyên dáng trong ngày mùng Một.
Ngày Mồng Một, ngoài việc cùng gia đình viếng chùa, người Việt cũng có nhiều sinh hoạt cộng đồng. Ngoài xem biểu diễn văn nghệ trên sân khấu ngoài trời, cả trẻ con và người lớn cũng rất thích màn múa lân do các võ đường người Việt tổ chức. Thậm chí, ở Sydney còn có cả một giải bóng đá mừng Xuân được tổ chức vào đúng ngày đầu năm như nhiều vùng tại Việt Nam.
Tết ở Australia cũng rộn ràng nhưng chẳng thể kéo dài, bạn bè không có nhiều thời gian để thăm viếng nhau, khi ngày Mồng Hai (11-2) là thứ 2 đầu tuần. Một guồng quay hối hả mới lại bắt đầu.
Cộng đồng người Việt ở Australia là một cộng đồng định cư trẻ khi đem so với nhiều sắc tộc khác. Dẫu vậy, tâm thức về Tết cổ truyền, về những nét văn hóa Việt tổ tiên dường như đã bén rễ vào xứ Chuột túi. Nhiều người Australia bản địa hay các cộng đồng nước ngoài khác rất háo hức với Tết. Tết của người Việt là dịp để họ được hòa chung không khí náo nhiệt sắm sửa, lễ hội tưng bừng, thưởng thức những món ăn Việt Nam, vốn được ưa thích hàng đầu ở Australia. Và hơn cả, họ hiểu rằng Tết có vị trí đặc biệt trong văn hóa của người Việt, một cộng đồng cũng góp phần không nhỏ vào sự thịnh vượng của đất nước Australia đa sắc tộc, đa văn hóa.
Bài, ảnh: ĐẶNG LÊ (gửi từ Sydney)
Theo qdnd