Mới đây, tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân TP.HCM đã tuyên án tại phiên xét xử phúc thẩm vụ kiện giữa nguyên đơn là Công ty TNHH Y tế Viễn đông Việt Nam (Bệnh viện FV) và bị đơn là bà Nguyễn Thị Mộng Châu, bệnh nhân của Bệnh viện này. Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh tuyên y án đối với vụ án Bệnh viện FV kiện bà Nguyễn Thị Mộng Châu vì hành vi đăng thông tin sai lệch lên mạng xã hội và kêu gọi người đọc chia sẻ lan truyền thông tin, gây ra một cuộc khủng hoảng truyền thông làm tổn hại đến uy tín của Bệnh viện FV và đội ngũ y bác sĩ. Cụ thể là:
1. Buộc bà Nguyễn Thị Mộng Châu xóa bỏ toàn bộ các bài viết “KHI BẠN CÓ THAI NHƯNG BỆNH VIỆN NÓI KHÔNG VÀ CHO BẠN UỐNG THUỐC PHÁ THAI ĐỂ ĐẨY DỊCH Ứ” vào ngày 23/06/2018, và các bài đăng bằng tiếng Việt và tiếng Anh sau đó trên trang cá nhân Facebook của bà Châu.
2. Buộc Bà Nguyễn Thị Mộng Châu phải xin lỗi công khai Bệnh viện FV bằng cách đăng lên 03 tờ báo: báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ và báo Phụ Nữ. Mỗi bài đăng 01 kỳ và 01 số. Nội dung như sau “Xin lỗi công khai. Tôi là Nguyễn Thị Mộng Châu, tài khoản Facebook cá nhân là Chau Nguyen. Vào ngày 23/06/2018, tôi có đăng tin trên Facebook của mình bài viết tựa đề “KHI BẠN CÓ THAI NHƯNG BỆNH VIỆN NÓI KHÔNG VÀ CHO BẠN UỐNG THUỐC PHÁ THAI ĐỂ ĐẨY DỊCH Ứ”. Bài viết này đã không thể hiện đầy đủ các thông tin của sự việc, từ đó người đọc hiểu không chính xác các thông tin của sự việc và ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện FV. Tôi, Nguyễn Thị Mộng Châu, công khai xin lỗi bệnh viện FV”.
3. Buộc bà Nguyễn Thị Mộng Châu phải bồi thường 13.900.000 đồng cho tổn thất về tinh thần do uy tín của Bệnh viện FV bị xâm phạm.
Căn cứ vào kết luận của Hội Đồng Chuyên Môn Bộ Y Tế, Tòa án Nhân Dân Thành phố Hồ Chí Minh có yêu cầu Bệnh viện FV trả một phần chi phí điều trị cho bà Nguyễn Thị Mộng Châu (là chi phí phát sinh điều trị tại Bệnh viện Từ Dũ) và bồi thường tổn thất về tinh thần là hơn 69 triệu đồng, nhưng không phải xin lỗi bà Châu.
Như vậy sau 3 năm, vụ kiện đã khép lại với phần thắng nghiêng về Bệnh viện FV – phía nguyên đơn.
Chia sẻ về quá trình theo đuổi vụ kiện suốt 3 năm tốn kém về cả thời gian, công sức và tiền bạc này, một đại diện của Bệnh viện FV cho biết: Mục đích của bệnh viện khi khởi kiện không phải là công kích bệnh nhân hay đòi chi phí bồi thường, mà FV chỉ muốn bảo vệ uy tín, danh dự và lợi ích của FV nói riêng và muốn tiên phong bảo vệ cộng đồng y khoa, các bệnh viện nói chung bởi chúng tôi luôn ở “thế yếu” khi xảy ra sự cố.
FV cho rằng bản án sẽ như một hồi chuông cảnh tỉnh, để mỗi người có trách nhiệm hơn với những tuyên bố thiếu cân nhắc của mình trên mạng xã hội, và cộng đồng mạng cần có ý thức khi chia sẻ thông tin một chiều; bởi hành động đó có thể góp phần nhấn chìm một doanh nghiệp.
Thời gian qua, vấn nạn lan truyền tin tức sai sự thật trên mạng xã hội đang có xu hướng gia tăng đáng lo ngại, khiến xã hội bất an, doanh nghiệp lao đao. Phân tích về thực trạng này, các chuyên gia cho biết, có nhiều lý do, trong đó có lý do là mức xử phạt có phần còn nhẹ. Một doanh nghiệp nhỏ, chỉ với một thông tin sai được lan truyền vô tội vạ có thể đi tới nguy cơ phá sản. Với thương hiệu lớn, con số thiệt hại có thể lên đến tiền tỉ từ những thông tin sai lệch, chẳng hạn bệnh viện FV phải mất hàng tỉ đồng để xử lý khủng hoảng truyền thông từ vụ kiện kể trên. Các chuyên gia về luật cũng cảnh báo rằng chế tài không hợp lý rất có thể dẫn đến trường hợp ai đó cố tình tung tin chấp nhận chịu phạt một vài chục triệu đồng để đổi lại là nguồn lợi bất chính lớn hơn rất nhiều.
Có thể thấy, việc bệnh viện kiện bệnh nhân hay doanh nghiệp kiện khách hàng vì hành vi tung tin bôi nhọ danh dự bệnh viện hay khách hàng là chưa có tiền lệ, nhưng cách làm này cần được khuyến khích bởi mang lại lợi ích chung cho xã hội, giúp cộng đồng điều chỉnh hành vi, hành xử đúng pháp luật. Đó chính là sự thượng tôn pháp luật.
Các mốc thời gian của vụ kiện
Trước đó, phiên sơ thẩm bắt đầu từ ngày 9/9/2018. Khi đó, HĐXX Tòa án nhân dân quận 7, TP.HCM chấp nhận 1 phần yêu cầu của nguyên đơn: Yêu cầu bị đơn viết thư xin lỗi đến 3 tờ báo (Bệnh viện FV chỉ định), bồi thường 13.9 triệu đồng, tương đương 10 tháng lương cơ bản để bù đắp tổn thất tinh thần.
Phía bị đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Phiên phúc thẩm bắt đầu từ ngày 12/5/2020, mở lại vào ngày 26/4/2021 mới đây.
Trước đó, vào sáng ngày 19/6/2018, Bà Nguyễn Thị Mộng Châu là bệnh nhân của Bệnh viện FV, đến điều trị tại Bệnh viện FV vào ngày 19/6/2018 và xuất viện vào ngày 22/6/2018.
Sáng ngày 23/6/2018, bà Châu đã đăng tải trên trang Facebook “Chau Nguyen” của bà một bài viết có tiêu đề “KHI BẠN CÓ THAI NHƯNG BỆNH VIỆN NÓI KHÔNG VÀ CHO THUỐC PHÁ THAI ĐỂ ĐẨY DỊCH Ứ” (https://www.facebook.com/100005548000214/posts/867014313493494/?d=n) với nhiều thông tin sai lệch về FV. Ngay lập tức, bài viết đã được lan truyền trên mạng với hơn 3.000 lượt chia sẻ, 101 bình luận và 4.500 lượt thích, sau đó tin tức tràn lan và tạo nên một cuộc khủng hoảng truyền thông nhấn chìm FV. Gần 300 bài báo đã được đăng tải bằng hình thức báo giấy cũng như báo mạng. Rất nhiều trong số đó có ý công kích và chỉ đơn thuần kể lại một chiều những gì bà Châu đã viết, làm người đọc hiểu sai bản chất sự việc và phương pháp điều trị của Bệnh Viện FV.
Sự việc buộc Bệnh Viện FV phải tiến hành những biện pháp tốn kém nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng truyền thông và hạn chế thiệt hại cho uy tín của Bệnh Viện FV do bài viết trên Facebook của Bà Châu; buộc Bệnh Viện FV cùng toàn thể đội ngũ y bác sĩ phải mất một khoảng thời gian và công sức đáng kể để truyền đạt sự thật đến công chúng.
Vì vậy, ngày 13 tháng 7 năm 2018 Bệnh viện FV chính thức khởi kiện bà Nguyễn Thị Mộng Châu vì hành vi đăng tin sai sự thật về FV.