Cần cân nhắc những gì trước khi xin nghỉ việc?

Không phù hợp môi trường, không thỏa mãn với thu nhập, mâu thuẫn với lãnh đạo, đồng nghiệp… là vô vàn lý do khiến nhân sự quyết định nghỉ việc. Thậm chí, bỗng dưng một ngày bạn không còn hứng thú với công việc hiện tại và muốn nghỉ.

Vậy nên nghỉ việc là điều rất bình thường mà hầu như nhân sự nào cũng trải qua. Tuy vậy, nghỉ việc cũng không đơn giản là kết thúc ở công ty này và bắt đầu ở công ty khác mà còn ảnh hưởng tới khá nhiều vấn đề. Do đó, bạn nên phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xin nghỉ việc.

Vậy cụ thể, những vấn đề bạn cần cân nhắc trước khi nghỉ việc và tìm kiếm việc mới là gì? Cùng tham khảo bài viết sau nhé.

Xác định nguyên nhân nghỉ việc

Bạn cần nhìn thẳng vào công việc hiện tại mà không phải công việc quá khứ hay viễn cảnh công việc tương lai. Bạn cũng không nên nhìn vào sự nghiệp của bạn bè, đồng nghiệp. Điều quan trọng là công việc hiện tại của bạn đang gặp vấn đề gì và đó có phải là nguyên nhân để bạn nghỉ việc hay không?

Để tìm ra vấn đề đó, bạn cần tự mình trả lời các câu hỏi như “Thu nhập hiện tại có tương xứng với giá trị của bạn?”, “Môi trường làm việc có phù hợp với bạn hay không?”, “Mâu thuẫn với sếp của bạn có cải thiện được không?”…

Với những câu hỏi này, bạn sẽ xác định được nguyên nhân chính của quyết định nghỉ việc từ đó xem xét lý do nghỉ việc là đúng đắn hay chưa. Lưu ý, bạn không nên nghỉ việc theo xu hướng, càng không nên vì một phút bốc đồng mà đưa ra quyết định nghỉ việc.

Đánh giá rủi ro khi nghỉ việc

Nghỉ việc sẽ tác động trực tiếp thậm chí lâu dài tới cuộc sống của bạn. Bạn cần đánh giá đầy đủ mức độ của những tác động đó, từ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Rủi ro đầu tiên là về tài chính. Các chuyên gia tài chính khuyên bạn nên dự phòng tài chính ít nhất 6 tháng tới 18 tháng để đảm bảo duy trì ổn định cuộc sống. Bạn hãy ghi ra toàn bộ những khoản cần chi tiêu, khoản nợ… để xem tài chính đảm bảo được trong bao lâu. Bởi khi nghỉ việc, thu nhập chung của bạn sẽ giảm và bị gián đoạn.

Thứ hai là khả năng xin việc mới. Bạn có xin được việc tốt hơn công việc hiện tại không? Mất bao lâu để xin việc? Thời điểm này có dễ xin việc không? Bạn nên vẽ ra “tình trạng tồi tệ nhất” để đưa ra dự phóng phù hợp và lấy căn cứ để quyết định.

Chưa kể về mặt tâm lý, bạn cũng bị tác động ít nhiều khi thay đổi thói quen, môi trường làm việc…

Xem xét các lợi ích bị mất nếu nghỉ việc

Khi nghỉ việc, bạn sẽ bị mất quyền lợi. Quyền lợi cụ thể thì bạn cần tìm lại những điều khoản trong hợp đồng lao động đã ký với doanh nghiệp. Công ty có những khoản thưởng hay khoản phạt nào khi nghỉ việc? Bạn sẽ được gì và mất gì khi nghỉ ở thời điểm hiện tại? Bạn có sẵn sàng từ bỏ những lợi ích đó không?

Ví dụ, khi nghỉ việc, bạn sẽ phải dừng đóng bảo hiểm. Nếu như bạn đang phải điều trị một bệnh nào đó thì điều này ảnh hưởng ra sao. Chưa kể quyền lợi về thâm niên, thưởng quý, thưởng năm…

Bạn cần cân nhắc đầy đủ những lợi ích này để không quá tiếc nuối khi bị mất quyền lợi và không bị sốc khi bị phạt vì phá vỡ hợp đồng nếu có.

Tham khảo lời khuyên từ người khác

Có thể vì mâu thuẫn với sếp, bạn viết đơn xin nghỉ việc. Có thể vì đồng nghiệp thân thiết nghỉ việc, bạn viết đơn xin nghỉ theo. Đó là những quyết định thường không mang lại kết quả tốt.

Để có quyết định chính xác, ngoài nhận định bản thân, bạn hãy tìm lời khuyên từ người khác. Hãy tìm bạn bè, đồng nghiệp tin tưởng hay người thân có kinh nghiệm và nhờ họ tư vấn. Họ sẽ thảo luận và phân tích cùng bạn, từ đó đưa ra lời khuyên hợp lý.

Đánh giá về công việc mới nếu có

Nhiều bạn tìm được việc mới trước khi nghỉ việc. Điều này là tốt nhưng chưa đủ nếu bạn không đánh giá về công việc đó. Công việc mới có phù hợp với bạn hay không? Bạn sẽ phải đối diện với áp lực nào để có mức lương, vị trí cao hơn?…

Khi bạn hiểu rõ và sẵn sàng đánh đổi thì khi đó hãy nên quyết định nghỉ việc. Còn nếu bạn chưa biết rõ công việc mới ra sao thì nghỉ việc cũ chưa hẳn đã chính xác.

Cũng có một số trường hợp “bỗng dưng” nghỉ việc mà chưa tính đến quá trình xin việc mới thì thường, sau một vài tháng tìm không được việc, họ rất dễ stress, bế tắc thậm chí mất phương hướng. Do đó, hãy cân nhắc về khả năng tìm việc mới và đánh giá việc mới ra sao trước khi quyết định nghỉ việc cũ.

Nghỉ việc luôn là quyết định khó khăn vì luôn có quyết định đúng và cả quyết định sai. Để không hối hận với quyết định đó, bạn cần trả lời được những vấn đề trên. Hi vọng chia sẻ này sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình cân nhắc nhảy việc.

 

Nguyễn Lý