Ba mẹ tôi không sống được với nhau nên quyết định ly hôn. Vì chuyện này, hai người phải mất nhiều đêm suy nghĩ để đưa ra quyết định cuối cùng….
Ảnh minh họa
Thực ra ba mẹ tôi cũng đã cố cứu vãn rất nhiều lần nhưng không đi đến kết quả như mong muốn. Chung quy cũng do tính tình giữa ba với mẹ không hòa hợp, tuy cả hai rất yêu thương nhau. Ba có tính chịu đựng, ít nói, nhưng một khi căng thẳng quá độ là không kiềm chế bản thân, thậm chí còn “động thủ”. Trong khi mẹ hay nổi đóa vô cớ, giận cá chém thớt, thấy ba nhường nhịn thì càng làm tới. Ba xin lỗi (mặc dù đôi khi ba không có lỗi), mẹ vẫn không chịu bỏ qua, mà cố làm cho to chuyện.
Rốt cuộc, “trận chiếc ác liệt” diễn ra thường trực. Rồi đến một lúc, khi mà sự ức chế đi đến tột độ thì hôn nhân đổ vỡ là lẽ tất nhiên. Ngày tòa án ký quyết định ly hôn, ba chấp nhận ra đi tay trắng. Ba nhường quyền nuôi con cho mẹ, căn nhà, kể cả tài khoản trong ngân hàng. Ba chỉ xin một ít tiền để trang trải cuộc sống sắp tới và trở về bên nội sống. Ba ra đi, hai anh em tôi khóc như mưa. Mẹ thì quay đi nơi khác để giấu cảm xúc thật, không muốn nhìn cảnh bịn rịn chia ly. Ba không khóc, chỉ căn dặn hai anh em tôi chỉ vỏn vẹn hai câu: “Mạnh mẽ lên hai con, là đàn ông thì không được khóc. Cố gắng học thật giỏi, thương yêu nhau và phải biết vâng lời mẹ”.
Tôi và đứa em cố kìm nén nước mắt, gật đầu lia lịa. Dù là đứa trẻ nhưng nhìn dáng ba thất thểu bước ra khỏi tòa, tim tôi nhói đau. Khi đã ly hôn, ba giữ đúng lời hứa, ghé thăm chúng tôi thường xuyên, còn mua rất nhiều quà. Mẹ tiếp ba như một người bạn bình thường và cho anh em tôi thoải mái vui chơi với ba. Thậm chí ba đón chúng tôi về bên nội vài ngày (khi chưa hỏi ý mẹ trước), mẹ không phản đối mà chỉ gọi điện căn dặn hai anh em tôi tự chăm sóc.
Điều đặc biệt là từ lúc ly hôn, ba mẹ không bao giờ nói xấu về nhau, không làm “mặt lạ” khi gặp nhau trên phố. Những buổi tiệc trong họ hàng, ba mẹ thường hay đi chung, cốt để anh em tôi thấy thoải mái và không lạc lõng. Ba thường quan tâm đến việc học của anh em chúng tôi. Nếu biết được đứa nào học kém, ba an ủi, động viên. Còn ai học xuất sắc, ba khích lệ tinh thần bằng việc tặng một món quà nho nhỏ. Chỉ là tượng trưng thôi nhưng trong tim chúng tôi nhen lên ngọn lửa hạnh phúc vô cùng. Khi đã trưởng thành, hiểu được những vấn đề sâu xa về ba và mẹ, tôi và đứa em trai đã nhiều lần khuyên ba mẹ nối lại tình xưa nhưng hai người vẫn cố chấp không đồng ý. Lạ ở chỗ, ba mẹ vẫn sống độc thân cho đến bây giờ.
Để giải đáp câu thắc mắc của chúng tôi, ba nói: “Ba không muốn đùa với hôn nhân một lần nữa. Tuy ba mẹ ly hôn nhưng cảm giác như vậy vẫn thoải mái hơn và hạnh phúc hơn lúc còn sống chung. Sở dĩ ba không muốn đi thêm bước nữa là vì các con, vì ba còn…”. Ba ngừng nói, nhưng tôi hiểu ba muốn “ám chỉ” điều gì. Ba còn yêu mẹ! Nhưng nếu về bên nhau, ba sợ sẽ xảy ra những chuyện chẳng hay. Thà như thế này, thỉnh thoảng gặp nhau, không đối mặt mỗi ngày, cảm giác nhớ thương sẽ đong đầy hơn, yên bình hơn, tôi nghĩ thế. Quả thật đây là một cuộc ly hôn lạ lùng mà tôi từng thấy. Nó xảy ra trong hoàn cảnh chúng tôi. Nhưng nhờ vậy tôi mới hiểu hết tình cảm của ba mẹ dành cho nhau và cho chúng tôi như thế nào. Khi đối mặt với những nghiệt ngã của tuổi thơ, lúc mà ba mẹ đứng trước tòa, tôi nghĩ hai bờ vai vững chãi đã không còn là bóng cả cho chúng tôi nương tựa. Nhưng nhờ như thế, tôi và cậu em đã trưởng thành sớm trong suy nghĩ, biết tự lo cho bản thân mình, ý thức với sinh hoạt trong nhà và hàng xóm. Vắng ba, hai chúng tôi trở thành “trụ cột” thay mẹ từ việc đóng chiếc bàn, thay cánh cửa, sửa chiếc xe máy… Vắng mẹ, tôi và đứa em lo cho ba ly nước, xoa vai, nhổ tóc bạc…
Về mặt pháp lý chúng tôi là gia đình đổ vỡ, nhưng về mặt xã hội chúng tôi vẫn hạnh phúc, có đầy đủ tình thương, đầy đủ sự giáo dục của cả ba lẫn mẹ. Điều đó làm chúng tôi không còn mặc cảm về sự ly hôn này, mà xem đó là một bài học quý giá cho anh em chúng tôi sau này.
Theo ĐẶNG TRUNG THÀNH/ NongNghiep.vn
document.currentScript.parentNode.insertBefore(s, document.currentScript);