Trong hai tuần trên bán đảo Balkan, đất nước Bosnia – Herzegovina có lẽ là nơi để lại trong lòng chúng tôi nhiều cảm xúc trái ngược nhất. Dù dấu vết cuộc nội chiến vẫn còn rải rác đây đó, đất nước nhỏ bé này về cơ bản đã khôi phục lại vẻ xinh đẹp nổi tiếng. Hơn thế nữa, những ai quan tâm đến lĩnh vực nhân loại học đều biết gần mười năm trở lại đây, Bosnia đang thu hút giới nghiên cứu khảo cổ từ khắp thế giới. Thung lũng kim tự tháp nằm gần thủ đô Sarajevo với những kim tự tháp lớn hơn cả kim tự tháp Ai Cập đang nắm giữ rất nhiều bí mật về thế giới loài người cổ đại.
Bên dòng sông ngọc bích Neretva
Xe của chúng tôi xuất phát từ thành phố Dubrovnik thuộc Croatia, đi qua những cung đường đèo dốc, đặc biệt là qua rất nhiều đường hầm để vào thành phố Mostari nằm trong thung lũng xanh tươi. Mostari là thủ phủ ở Herzegovina, một trong hai miền của đất nước Bosnia – Herzegovina rộng hơn 50 ngàn cây số vuông. Bosnia Herzegovina không nằm trong Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, vì muốn thu hút du khách, quốc gia này cho phép khách có thị thực Schengen nhập cảnh.
Du lịch thực sự đang là ngành kinh tế quan trọng của đất nước chỉ 4 triệu dân. Trên những con đường chúng tôi đi qua, đời sống Bosnia vẫn còn ảm đạm với những làng mạc thưa thớt cửa hiệu, hầu như thị trấn nào cũng còn những tòa nhà bị đốt cháy trong chiến tranh và những bức tường lỗ chỗ vết đạn, các nông trại xanh tươi chưa lấn át được vẻ cằn cỗi của dãy núi đá chen lẫn rừng cây thấp. Sự ngạc nhiên thích thú dành cho du khách chỉ bắt đầu khi xe tiến vào phố cổ Mostari. Chủ yếu được xây dựng dưới thời đế quốc Ottoman đầu thế kỷ XVI, Mostari mang nhiều dấu tích lịch sử của một miền đất đa văn hóa, được coi là tâm điểm giao hòa giữa hai nền văn minh phương Tây và phương Đông từ thời Trung cổ.
Bước chân trên những con phố cổ lát đá đã lên nước bóng nhẵn, chúng tôi tưởng mình được trở về thời quá khứ. Mostari rực rỡ nhờ sự đa văn hóa, đa tôn giáo. Những kiến trúc nhà thờ, thánh đường Thiên Chúa, Do Thái giáo, Hồi giáo cách nhau chỉ một góc phố. Kiến trúc nào cũng đẹp, cũng cổ kính và bề thế. Tất cả đều sáng rực lên trong nắng xuân, và do cái màu xanh ngọc bích tinh khiết, lóng lánh từ dòng sông Neretva hắt lên. Dòng sông này có thể coi là kỳ quan của thung lũng. Không ai lý giải được tại sao Neretva lại có màu ngọc lục bảo đậm sắc, trong veo như thế. Tô điểm cho dòng sông là những chiếc cầu đá hình cánh cung đài các.
Mostari tiếng địa phương mang ý nghĩa: Những người gác cầu. Vậy đủ biết những chiếc cầu có vai trò quan trọng thế nào ở đây. Phố xá xây dọc theo sông, các cửa tiệm kiểu Thổ Nhĩ Kỳ lâu đời nhất, đông khách nhất thường nằm gần chân cầu. Mỗi cây cầu là một tác phẩm nghệ thuật, trong đó Stari Most (Cầu Cổ) được UNESCO công nhận di sản thế giới rất đẹp và được tô điểm bằng những dãy phố cổ kính nhất.
Tương truyền, khi xây cầu, các nghệ nhân Hồi giáo sống giữa thế kỷ XVI đã dùng lông dê, mật ong và 300 ngàn quả trứng làm vữa để xây nên chiếc cầu gồm 456 phiến đá, dài 30m. Trong suốt hơn bốn thế kỷ sau đó, Stari Most đã giữ nguyên vẻ đẹp và độ bền chắc, nhưng trước sức mạnh của bom đạn đợt tấn công năm 1993 thì cầu đã bị hủy hoại hoàn toàn. Tiếc nuối một di sản vô giá, Liên Hiệp Quốc vào cuộc. Mất gần chục năm ròng rã, chiếc cầu được tái thiết với hình dáng, màu sắc y như cũ. Điều thú vị là mọi loại vữa hiện đại đều không đủ bền để kết nối các tảng đá như gần 500 năm trước, và các kỹ sư đều phải thán phục khi loại vữa ban đầu do các thợ làm đá Thổ Nhĩ Kỳ chế ra vẫn chất lượng, phù hợp hơn cả.
Trong khi các du khách nam mải ngắm cây cầu thì các cô các chị trầm trồ trước những chàng trai cởi trần, thân hình cường tráng, đứng cheo leo trên thành cầu, sẵn sàng thả mình xuống lòng sông lạnh buốt. Nhóm thanh niên đẹp trai này cứ xin du khách đủ 20 euro là cử một người ra nhảy xuống sông. Đây là một phong tục đặc biệt tại mảnh đất này. Thời Đế chế Ottoman các chàng trai Mostari hay nhảy cầu để tiêu khiển cho tướng lĩnh Thổ ngồi cà phê trong tháp canh hai bên cầu. Uy tín họ cũng lên cao trong mắt các cô gái với hành động đòi hỏi lòng dũng cảm ấy. Lâu dần, việc nhảy cầu đã trở thành truyền thống, theo đó một người Mostari đích thực phải biết nhảy “cắm đầu” xuống con sông Neretva.
Sarajevo và bí ẩn về cái nôi của loài người
Thủ đô Sarajevo cách Mostari khoảng hai giờ xe. Cung đường đi khá ngoạn mục với hai bên toàn là núi đá vôi, đường men theo sông, cắt đôi thung lũng hẹp nhưng xanh mát mắt. Sarajevo cũng rất đẹp với phong cách kiến trúc đa dạng, cây cối được trồng khắp nơi. Có lẽ thành phố nhiều đồi dốc nên các chủ nhà chăm chút phần mái khá kỹ. Nhìn từ trên xuống, phố xá thủ đô Bosnia khá độc đáo với những mái nhà bằng đá sáng màu. Ngắm kỹ, đó là những miếng đá vôi được cưa xén như tấm ngói và được lợp trên một lớp gỗ.
Sau một buổi chiều và tối loanh quanh Sarajevo, sáng hôm sau chúng tôi mua tour đi thăm thung lũng kim tự tháp cách thủ đô không xa. Giá vé cho khách đoàn trên ba người là 40 euro/người, thời gian tham quan chỉ có ba tiếng đồng hồ. Xe dừng trước thung lũng, du khách ai nấy sửng sốt khi tận mắt nhìn thấy năm ngọn kim tự tháp kích thước khác nhau, nhưng cái nào cũng lớn bằng cả quả đồi, được bao phủ bởi cỏ cây xanh mượt. Hàng ngàn năm qua, người dân địa phương xem những ngọn đồi này như là những biểu tượng kỳ lạ của thiên nhiên. Tuy nhiên, ngay lần đầu tiên nhìn thấy các mặt hình tam giác, các góc nhọn, các nhà khoa học cho rằng đây là kim tự tháp được xây dựng với mục đích cụ thể nào đó, chứ không thể tự nhiên xuất hiện.
Năm 2005, một dự án nghiên cứu được bắt đầu, những công ty xây dựng và các nhà địa chất được thuê để đào xuống sâu và phân tích về cấu tạo của kim tự tháp. Sau đó Bosnia công bố với thế giới rằng những kim tự tháp đầu tiên tại châu Âu đã được khám phá. Từ thời điểm đó, các cuộc nghiên cứu kim tự tháp ở Bosnia đã trở thành dự án khảo cổ học đa ngành lớn nhất thế giới. Trong năm kim tự tháp, lớn nhất là kim tự tháp Mặt Trời có chiều cao trên 220m, cao hơn nhiều so với kim tự tháp lớn nhất Ai Cập (147m). Bên dưới lớp cây cỏ, các kim tự tháp Bosnia được bao phủ hoàn toàn bởi các khối bê tông hình chữ nhật. Bê tông này độ cứng rất cao và độ thẩm thấu nước thấp, theo các tổ chức khoa học ở Bosnia, Italy và Pháp thì các khối bê tông tuổi đời ít nhất mười ngàn năm này có chất liệu tốt hơn nhiều so với các vật liệu bê tông hiện đại.
Chưa hết bí ẩn, thung lũng còn bao gồm một khu phức hợp hầm mộ và một mê cung trải dài gần 20km dưới lòng đất có tên gọi là Ravnee. Chúng tôi cũng được đưa đi thăm một đoạn ngắn, ngoài các gian phòng, mê cung còn có cả hồ nước nhân tạo. Các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều tác phẩm điêu khắc và đồ gốm sứ trong một số gian phòng. Tổ hợp kim tự tháp ở Bosnia không chỉ bí ẩn về diện mạo bên ngoài, những phép đo radar địa chất và nhiệt lượng các hành lang và phòng bên trong kim tự tháp cũng cho thấy nhiều sự kỳ lạ.
Tuy không hiểu hết đoạn thuyết minh bằng tiếng Anh nhưng chúng tôi cũng biết bí ẩn của thung lũng kim tự tháp này đến nay vẫn chưa hé mở được bao nhiêu. Trình độ của con người cổ đại có thể đã cao hơn con người hiện nay rất nhiều. Thế nhưng những thành tựu đó vì sao đứng lại, vì sao bị quên lãng ở một thung lũng xa vắng trên bán đảo Balkan? Đó là câu hỏi mà ai đến đây rồi cũng sẽ mang về, như một kỷ niệm không thể quên khi đã đến Bosnia.
Theo doanhnhansaigoncuoituan.com.vn