Lời nhắc đó thật sự cần thiết và cần nhắc thường xuyên. Bởi, nếu ta để nụ cười rớt rơi dần, rơi mất có nghĩa là mình đang đánh mất dần điều quan trọng trong cuộc sống: là món quà bình yên, vui vẻ, trẻ trung tặng cho chính mình và người đối diện.
Hãy mỉm cười đi. Có bốn chữ nhưng thi thoảng ta quên hoặc ta để cho sự nhăn nhó, khó chịu lấn át, để rồi nụ cười tắt lịm trên môi xinh. Phải công nhận rằng, khi cười ai cũng dễ thương, cũng sẽ trẻ hơn, hồn nhiên hơn nên sẽ dễ gần hơn.
Hãy thở và mỉm cười đi, đừng lao xao chi hết…
Đôi khi, nụ cười xóa đi những vách ngăn trong lòng mình, khiến ta dịu lại và có thể giãi bày những niềm riêng với một ai đó, với người mình thương. Do vậy, nụ cười cũng giống như chìa khóa mở song sắt bên trong lòng mình, và tháo cửa sổ cho tâm hồn người bay lên.
Sau những ngày giận hờn, nếu nhận được nụ cười của người kia có nghĩa là ta nhận được thông điệp: họ đã hông còn buồn phiền, không còn giận ta nữa. Nụ cười khi ấy có nghĩa là đã thứ tha, lòng đã thôi nhộn nhạo, tâm không nổi bão nữa, nên cứ yên tâm.
Mỉm cười với chính mình để cám ơn vì mình đã hiện diện ngay phút giây hiện tại, đang thở những hơi thở thật bình yên, nghe được bụng mình phồng, xẹp trong sự tỉnh thức. Đời người được có những phút bình yên – lắng nghe hơi thở như vậy đã là hạnh phúc lắm rồi. Nên, mỉm cười là vì hạnh phúc ấy, mỉm cười cũng để duy trì hạnh phúc giản đơn đó, để thấy rằng ta có khả năng chế tác ra hạnh phúc – chỉ cần mình chịu dừng lại, chạm tay được vào phút giây hiện tại, trú an với thực tế đang là.
Thực ra, con người ta ai cũng có những ngóc ngách khó giãi bày, những “thói hư tật xấu” trong tàng thức – có thể nổi lên quấy phá sự bình yên của mình bất cứ lúc nào. Vì thế có những lúc “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”, có nghĩa là nỗi buồn không đến từ nguyên nhân trực tiếp bên ngoài mà là sự biểu hiện của hạt giống tiềm tàng bên trong, do một phút lơ đễnh quên thực tập nụ cười, quên lắng nghe sâu những lăn tăn trong lòng (vì nó nhỏ nhiệm, vì mình chủ quan) nên nó đã biểu hiện.
Đôi khi vì tập khí không hay nào đó quá lớn mà ta buồn, ta nhăn và ta xấu, ta giận và ta khổ… để rồi có lúc ta nhận ra mình “kỳ cục kẹo” quá chừng. Khi ấy, ta cần phát nguyện sửa mình, cần tránh xa thế tục với những lao xao đối đãi, quay về góc yên bình nào đó, bắt chân lên ngồi và thở, rồi mỉm cười – để những năng lượng không hay ho được chuyển hóa nhẹ nhàng. Đó là phút nghỉ ngơi cần có của tâm hồn, của thực thể bên trong ta, vì thế mình không được quá sức, không được buông lung.
Phải dưỡng tâm bằng cách dừng lại và lắng nghe sự thanh tịnh (là bản thể) của chính mình thay vì đi lý giải những nguyên nhân bên ngoài.
} else {