(Mask) – Bắt nguồn từ một câu chuyện tình lãng mạn đầy tính nhân văn, chợ tình Khâu Vai hôm nay dù đã ít nhiều đổi thay nhưng vẫn giữ được nét đặc sắc, độc đáo riêng. Trong cái nhộn nhịp của sự mua bán, trao đổi hàng hoá, ta vẫn bắt gặp đâu đó ánh mắt kiếm tìm mải miết, vẫn nghe đâu đó văng vẳng lời kèn lá nỉ non hoà trong tiếng gió vi vu như kể lại cho du khách câu chuyện tình ngày xưa, ngày xưa…
Đặt chân lên sườn đồi cong, ghé hỏi các cụ già đang đan khăn túi, bạn sẽ được kể về chợ tình Khâu Vai có từ cách đây hơn trăm năm. Chuyện kể lại rằng, vào thời bấy giờ, đất Khâu Vài chỉ có người Nùng và Giáy sinh sống. Họ sống riêng thành từng làng và mọi chuyện bắt đầu khi có một chàng trai người Nùng đem lòng yêu tha thiết một cô gái người Giáy ở làng bên. Chuyện tình của họ đang đẹp như bông hoa, như đôi chim lửa của núi rừng Khâu Vai thì cha mẹ, họ hàng hai bên biết chuyện. Họ ra sức ngăn cản bởi theo lệ thời đó, dân tộc nào chỉ lấy người dân tộc ấy, hơn nữa việc dựng vợ gả chồng là việc của cha mẹ nên việc đôi trai gái tự tìm đến nhau là trái với lệ làng…
Sự cấm đoán của hai gia đình đã khiến cho đôi trai gái quyết định cùng nhau trốn lên núi. Nhưng không ngờ cuộc chạy trốn của họ lại càng làm cho mâu thuận giữa hai gia đình ngày một trầm trọng. Từ chỗ chỉ có xích mích giữa hai gia đình, dòng họ dần dần đã dẫn đến xích mích giữa hai làng người Nùng và người Giáy. Từ trên núi cao nhìn xuống thấy cảnh tượng xô xát giữa hai làng, đôi trai gái rất đau lòng, họ đành phải gạt nước mắt chia tay nhau. Hai người hẹn ước cho dù không thành vợ thành chồng nhưng mỗi năm sẽ gặp lại nhau vào ngày này (tức là ngày 27 tháng 3 âm lịch). Thế là mỗi năm cứ đến ngày hẹn, chàng trai và cô gáilại lên ngọn núi đó gặp gỡ, giãi bày tâm sự… Cứ như vậy cho đến một ngày kia khi dân làng biết chuyện, cảm phục tình yêu của đôi trai gái, người ta quyết định mở chợ tại ngọn núi- nơi đôi trai gái đã hẹn hò nhau. Chợ được mở ra, mỗi năm một lần làm nơi gặp gỡ cho những đôi trai gái vì nhiều nguyên nhân không lấy được nhau.
Theo tiếng địa phương thì Khâu Vai có nghĩa là song mây, ý muốn nói đây là vùng đất có nhiều song mây, lại cũng có ý nói tình cảm của đôi trai gái gắn bó, quấn quýt như cây song, cây mây trên các ngọn núi quanh vùng. Câu chuyện hôm qua và cuộc sống hôm nay có cái gì đó hư hư thực thực, đã góp phần tạo nên sức lôi cuốn kỳ lạ về mảnh đất nới đây. Khâu Vai bây giờ không chỉ có người Nùng và người Giáy nữa mà còn có người Mông, người Dao cùng sinh sống đoàn kết bên nhau. Các chàng trai, cô gái được tự do tìm hiểu và quyết định hôn nhân mà không gặp phải sự cản trở của các bậc làm cha làm mẹ. Chợ tình Khâu Vai không chỉ là nơi hò hẹn của những đôi trai gái lỡ duyên nhau mà còn là nơi gặp gỡ làm quen của nam nữ thanh niên. Vì thế chợ tình Khâu Vai đã có biết bao đôi trai gái nên vợ thành chồng từ đây.
Cuộc sống ở vùng núi cao thường là rất buồn tẻ. Cả năm mới có một phiên chợ, lại là phiên chợ tình, bởi vậy, có nhiều gia đình cả bố, mẹ, con dâu, con trai dắt díu nhau đến chợ vui như trảy hội. Thậm chí có nhiều cặp vợ chồng lấy nhau từ hơn chục năm nay, đã có với nhau bốn mặt con và sống cách chợ Khau Vai gần hai ngày đường cũng lặn lội đến đây tìm niềm vui.Từ ngày hôm trước, lều quán đã được dựng khắp thung lũng, nhưng nhiều nhất vẫn là những quán rượu ngô, thắng cố, nơi dừng chân đầu tiên của các cặp tình nhân trẻ cũng như già, mới cũng như cũ. Và cũng ngay từ chiều hôm trước, nhiều cặp vợ chồng, tình nhân vì đường xa, đã “xôi đùm, ngô nắm” lên yên ngựa, hoặc thong thả theo đường núi cho kịp chợ tình trong tiếng khèn, tiếng hát réo rắt suốt ngày đêm không tắt trên các triền núi xa xa dẫn đến Khau Vai ngày chợ.
Bóng chiều chạng vạng bắt đầu đổ xuống thung lũng Khau Vai trong thanh âm nhộn nhịp tiếng nói cười, đi lại, gọi nhau và cả tiếng lục lạc, vó ngựa của phiên chợ lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui nhất. Đó đây trong các lều quán bắt đầu xuất hiện những cặp tình nhân ngồi sát bên nhau, vừa chụm đầu trò chuyện vừa nhắm thức ăn và…uống rượu. Rượu được rót tràn bát, như tình cảm của người vùng cao lúc nào cũng lai láng không bến bờ. Họ uống cho ngày gặp lại sau một năm xa cách, có thể đằng đẵng, đầy nhớ nhung, đến khi nào không thể uống và không nên uống nữa, họ sẽ dắt tay nhau ra ngọn núi phía xa xa kia để tự tình thâu đêm đến sáng mới trở về với vợ, chồng mình.
Trong ngày hội vui còn có nghi thức dâng hương tại miếu ông miếu bà, có tiếng hát giao duyên, tiếng khèn lá gọi bạn.Các trò chơi dân gian như đu quay, bập bênh, đánh sảng, chọi chim… được tổ chức trên những trảng đất rộng ven sườn đồi. Chợ Khau Vai có đủ gian hàng ẩm thực dân tộc đặc trưng như: mèn mén, thắng cố, lẩu dê, thịt treo, đậu chúa…để ấm lòng.
Những năm gần đây khi văn hóa của người Kinh ảnh hưởng sâu vào đồng bào thiểu số, có một vài màu buồn trong lễ hội Khau Vai, đó là khi những người trẻ, họ gặp gỡ nhau thường xuyên hơn và không còn cần đến bằng tiếng khèn điệu hát để tán tỉnh hay bộc lộ yêu thương với nhau nữa; hoặc việc du khách muôn phương cùng tham gia hội, loa đài biến màn đêm tình yêu của thung lũng náo động đôi phần.
Theo C.M.T.G MASKONLINE
Ảnh Internet
document.currentScript.parentNode.insertBefore(s, document.currentScript);