“Vẻ đẹp có mục đích” là tên một chương trình của tổ chức Miss World – Hoa hậu thế giới. Và cái mục đích của sắc đẹp ở đây, tất nhiên không phải chỉ là để ngắm.
Từ chuyện Lại Hương Thảo nói lắp bắp mấy câu tiếng Anh không ra hồn trong cuộc thi Miss World, bây giờ mới phải đặt ra câu hỏi: Đòi hỏi được gì từ những hoa hậu? Liệu muốn cô ta phải nói tiếng Anh trôi chảy có phải điều quá đáng không?
Hãy giở lại một chút lịch sử. Ít người biết rằng trước khi tạo ra tên tuổi lừng lẫy với tư cách tổng thống Venezuela, ông Hugo Chavez đã phải đánh bại một hoa hậu. Không phải ông bị vướng lưới tình, mà đối thủ nặng ký nhất của cố tổng thống Chavez trong cuộc tranh cử năm 19 98, là một hoa hậu. Hoa hậu xịn nhất theo nghĩa của từ này: Irene Saez, Hoa hậu Hoàn vũ 1981.
Khi một chiếc vương miện được đặt lên đỉnh đầu của một mỹ nhân, đa phần khán giả sẽ thống nhất về tương lai của cô ta: trở thành diễn viên, người mẫu, người dẫn chương trình truyền hình, hoặc lấy một nhà tỷ phú và lui về sống ẩn dật theo ý chồng. Trên thực tế, đa phần các hoa hậu đều đi theo con đường ấy.
Nhưng đó không phải là mục đích đầu tiên khi người ta dựng lên một biểu tượng của phụ nữ. Hãy xem nhiệm vụ của một hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe) hoặc một Hoa hậu Thế giới (Miss World), hai ngôi vị quan trọng nhất của các cuộc thi hoa hậu. Họ phải đi vòng quanh thế giới, tham gia vào các dự án xã hội, trở thành đại sứ cho những chiến dịch từ thiện, thúc đẩy việc chống lại bệnh tật.
Không làm được những thứ ấy thì trả vương miện cho BTC. Oxana Fedorova, người đã đăng quang trong cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2002 đã phải trả lại vương miện và thậm chí không được thừa nhận là một cựu hoa hậu, sau khi từ chối hoàn thành các nhiệm vụ tuyên truyền chống lại HIV/AIDS do tổ chức giao phó.
Irene Saez là người đi xa nhất. Dù thất bại trong việc trở thành tổng thống Venezuela, nhưng Hoa hậu hoàn vũ năm 1981 đã thay đổi cuộc sống của nhiều người. Vẻ đẹp được sử dụng cho những mục đích lớn: năm 201 2, bà giành chức quận trưởng Chacao ở Venezuela, rồi thay đổi diện mạo đô thị. Đầu tiên là việc tuyển mộ thêm cảnh sát có trình độ, trả lương cao, thêm phương tiện. Tỷ lệ tội phạm tụt mạnh. Hoa hậu cứu mạng sống của nhiều người, làm nhiều người thoát nghèo. Hoặc có thể kể ra ở đây Justine Pasek, người tiếp quản vương miện từ Fedorova: trong hơn 10 năm qua Hoa hậu hoàn vũ này là Đại sứ thiện chí cho Tổ chức lương thực thế giới, một tiếng nói góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Đó là “Vẻ đẹp có mục đích”. Các hoa hậu được chọn lựa đúng là một phần bởi họ đẹp. Nhưng họ có nhiệm vụ sử dụng sắc đẹp ấy cho những điều ý nghĩa hơn là việc chiêm ngưỡng và thèm thuồng của các quý ông. Nụ cười dịu dàng sẽ phải dùng để xua tan nỗi thất vọng của những bệnh nhân hiểm nghèo. Bàn tay mềm mại sẽ phải dùng để vuốt ve nỗi đau của những người già neo đơn. Giọng nói trong trẻo để tuyên truyền các dự án xã hội. Ánh mắt thánh thiện để thuyết phục các tỷ phú quyên tiền làm từ thiện.
Nói chung, định mệnh của Hoa hậu không phải là lấy đại gia mà là để phục vụ xã hội bằng những việc làm phi thường.
Nhưng nếu cứ nhìn vào đội ngũ hoa hậu mà các cuộc thi nhiều vô tội vạ của nước ta đang dựng lên thì thấy rằng nghĩa nguyên bản và tinh khôi nhất của từ ấy đang bị làm méo mó. Hoa hậu nghĩa là đẹp. Một cái đẹp đơn thuần. Cái đẹp không có mục đích (hoặc là rất ít, chụp ảnh với bikini chẳng hạn.
Hoa hậu không thể nói được một câu tiếng Anh cho ra hồn thì hoa hậu cũng chẳng thể kêu gọi được ai giúp đỡ người nghèo người ốm. Chẳng may hoa hậu ấy có đăng quang thì thật là đáng buồn cho những người đang nhiễm HIV trên toàn cầu.Lại Hương Thảo hay bất kỳ cô gái nào khác không có lỗi lầm gì khi đội trên đầu chiếc vương miện các cuộc thi ở ta. Vì mục đích của nó là tìm ra người đẹp (chưa tốt nghiệp phổ thông cũng được). Nhưng ra đến thế giới, nơi người ta cần một cái đẹp ý nghĩa hơn, thì chuyện không vui nữa.