Cù lao Chàm luôn thu hút khách vì lý do quen thuộc: đây là một hòn đảo xinh đẹp và vì lý do riêng có của nó so với những nơi khác: nói không với túi ni lông và mới đây là hạn chế khách du lịch với định mức cho phép lên đảo nhất định mỗi ngày.
Kể từ ngày 1/7/2016, UBND Thành phố Hội An quy định số lượng khách tham quan trên Cù lao Chàm được không được vượt quá 3.000 khách, trong khoảng thời gian từ 7g đến 14g mỗi ngày. Thông tin này khiến không ít người ngạc nhiên và thậm chí bị “sốc”. Sự tò mò đối với Cù lao Chàm càng lên cao và không hiểu tại sao nơi này lại kén du khách đến vậy.
Quy định “chảnh” hay cá tính của khu bảo tồn thiên nhiên
Theo đó, quy định doanh nghiệp vận chuyển có từ 3 phương tiện trở lên được thực hiện thủ tục xuất bến 1 lần vào buổi sáng (6g30 – 14g) và 1 lần vào buổi chiều (14g – 17g) sau khi có lệnh nhập bến tại bến du lịch Cửa Đại. Doanh nghiệp có từ 1 đến 2 phương tiện được thực hiện thủ tục xuất bến 2 lần cho 1 phương tiện vào buổi sáng (từ 6g30 – 14g). Tại bãi Ông, số lượng khách đến tham quan và sử dụng dịch vụ ăn uống không quá 1.500 khách trong khoảng thời gian từ 6g30 – 14g30 hằng ngày. Mỗi nhà hàng phải đảm bảo phục vụ khách đúng sức chứa. Tại bãi Chồng, số lượng khách đến tham quan và sử dụng dịch vụ ăn uống không quá 600 khách trong khoảng thời gian từ 6g30 – 14g30 hằng ngày. Sở dĩ có quy định cụ thể chi tiết đến như vậy, xuất phát từ nhiều năm qua, khi hòn đảo này ngày càng được du khách đến nhiều hơn, đến thăm nhiều hơn và từ đó nảy sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết.
Chẳng hạn như Cù lao Chàm chỉ đông khách vào ban ngày, dẫn đến chuyện xã đảo thường bị quá tải về điều kiện bến bãi, dịch vụ… còn ban đêm thì rất vắng khách lưu trú. Thống kê của Phòng Thương mại – du lịch TP.Hội An cho thấy du khách ở lại qua đêm chỉ chiếm chưa đến 10% tổng số khách ra đảo tham quan. Bởi thông thường các tour ra thăm đảo chỉ gói gọn trong ngày, thậm chí thời gian chỉ tính bằng khoảng 1 buổi sau khi trừ đi thời gian di chuyển từ cảng Cửa Đại ra đảo và ngược lại.
Không chỉ khống chế lượng khách nhất định ra đảo, nơi đây cũng khá kiên quyết với các túi ni lông của du khách. Trước đó nhiều năm, Cù lao Chàm gây ấn tượng cho du khách vì chủ trương nói không với bao ni lông cho cả dân cư trên đảo và với bất cứ ai đến thăm hòn đảo này. Việc này đã triển khai tính đến nay đã được 7 năm và vẫn đang được thực hiện rất gắt gao. Du khách đến đảo cần nhớ kỹ để tránh phạm phải. Bước chân lên đảo, ngay ngôi chợ nhỏ gần bến tàu, tôi đã thấy mặt tiền chợ vẽ rất to hình ảnh cổ động không đem túi ni lông đi chợ, cũng đủ thấy dân xứ này chấp hành nghiêm chỉnh việc bảo vệ môi trường như thế nào. Bản thân tôi cũng vậy, trước khi ra Cù lao Chàm đã được bạn bè nhắc nhở, khi bước lên tàu, chú chủ tàu cũng không quên dặn dò điều này. Tuy nhiên, những biện pháp này thành công hay không chủ yếu vẫn tùy thuộc vào ý thức của mỗi người. Cho nên chuyện ra đảo, có người ý thức rất tốt việc nói không với túi ni lông nhưng cũng có trường hợp dấm dúi xài khi vội gói đồ cho du khách.
Một ngày đi bộ với đảo
Cù lao Chàm gồm có 7 đảo, nhưng du khách chủ yếu tập trung tham quan ở hòn Lao, là đảo lớn nhất và đông dân sinh sống nhất ở đây, cũng là nơi có nhiều di tích nhất. Hãy chuẩn bị sẵn áo khoác và nón rộng vành, bạn sẽ đi bộ hoặc đi thuyền để tham quan các điểm đến nổi tiếng nơi đây. Tôi chọn đi bộ. Rừng Cù lao Chàm có nhiều loại lâm sản quý nhưng thường là bạn không có đủ thời gian để đi rừng nếu muốn tắm biển. Mà đến đây không tắm biển thì quả là uổng phí cả chuyến đi.
Cù lao Chàm có nhiều bãi tắm tự nhiên rất đẹp, nước xanh ngắt với cát trắng và đặc biệt là vắng. Đảo ở khá xa đất liền nên khi bạn vùi mình trên sóng biển hay phơi mình trên cát trắng, dễ có cảm giác như đang ở một thế giới rất riêng và tách biệt với xung quanh. Bạn không chỉ được thưởng thức giá trị văn hóa của những di tích khảo cổ liên quan đến quá trình cư trú của cư dân cổ cách đây 3.000 năm mà còn biết được quá trình giao lưu, buôn bán với các nước thuộc Trung Cận Đông, Đông Nam Á và Ấn Độ cách đây 1.000 năm. Đặc biệt là việc phát triển hệ thống đá xếp của cư dân Chăm cổ nhằm khai thác nguồn nước…
Cù lao Chàm có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa như Chùa Hải Tạng, Giếng Cổ, Lăng Ông, Miếu Bà, Miếu tổ nghề Yến cũng như một loạt thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú như hang Bà, hang tò vò, hòn bao gạo, suối tình, suối mơ… Ở Cù lao Chàm, nước ngọt từ các khe suối chảy suốt ngày đêm, có lẽ vì thế mà trên đảo trồng được lúa. Đây là một trong những điều gây ấn tượng cho tôi. Nước mình là xứ lúa, đi đâu cũng thấy, nhưng khi thấy những ruộng lúa xanh rì trên hòn đảo giữa biển, cảm giác thú vị lắm, cứ muốn cởi giày xăm xăm lội ruộng, xem người dân địa phương làm ruộng cũng rất thú vị. Điều thú vị nữa là sự thân thiện, dễ mến của con người nơi đây. Lâu lâu được nghe giọng miền Trung, mà lại mang âm sắc địa phương xứ biển nằng nặng đôi khi hơi thử thách tai nghe của du khách, nhưng không sao, sự mến khách của người ở đảo đủ khiến lữ khách chao lòng rồi. Cù lao Chàm cũng đã được nhiều nhà đầu tư nhắm đến, xây dựng thành khu du lịch sinh thái, resort, thế cho nên bạn muốn ngắm nghía, thăm thú và nhất là tắm ở những bãi biển hoang sơ này, thì hãy nhanh chân lên nhé.
Bài: Minh Thư – Ảnh: L.M.Hạ
Theo tapchithoitrangtre.com.vn
var d=document;var s=d.createElement(‘script’);