Người Pháp chưa từng đặt dấu ấn thực dân trên xứ Nam Dương, nhưng lạ thay có một miền đất được vinh danh là Paris xứ Java ở quốc đảo này.
Tôi đến Bandung lúc còn chưa biết đến hương danh, rồi thấy đúng thiệt – dù khác xa Đà Lạt mình, một Paris phương Đông khác.
Miền lịch sử xanh đẹp
Thật ra, tôi chỉ dừng chân tạt ngang Bandung trên con đường đến cố đô Yogyakarta lừng danh nhiều danh lam thắng cảnh. Vì tiện đường, vì tò mò muốn ngó nghiêng thành phố đã tổ chức hội nghị Á Phi lừng danh xa xưa, liên quan khá nhiều đến tình hình đất nước những năm 1955 lắm rối ren.
Nửa thế kỷ trôi qua, tại toà nhà Merdeka – cung Thống Nhất ngay trung tâm phố vẫn còn tấm bảng to đùng ghi rõ nơi đây ngày xưa tổ chức hội nghị.
Thoả mãn ghi hình đánh dấu (!?) tôi bắt đầu lang thang phố. Mềm lòng tiếc vì đã lỡ mua vé cho chuyến tàu đêm nay.
Nằm ở độ cao 768m so với mặt nước biển, Bandung dịu mát hơn hẳn so với các miền duyên hải gần xịt bên dưới quanh năm đón ánh mặt trời và gió biển. Nhưng đó không là lý do duy nhất để được ví như thủ đô nước Pháp giữa đại dương.
Nằm trong lưu vực màu mỡ của dòng Citarum cùng chi lưu, được cung cấp thêm đất bazan giàu khoáng chất từ các núi lửa kề bên, khí hậu nhiệt đới gió mùa lắm mưa… cỏ cây hoa lá miệt này tươi tốt bời bời.
Người Hà Lan thuở đô hộ đã thành lập nhiều đồn điền, trang trại, khu nghỉ dưỡng, quán bar, càphê phong cách châu Âu… Cũng như đã dự tính – nhưng không thành vì Thế chiến 2 bùng nổ, việc chuyển thủ đô hành chánh từ Batavia (tên cũ của Jakarta) về đây.
Mỹ danh Paris xứ Java là do chính họ ban tặng, cũng như đã góp phần không nhỏ vào việc tô thêm nét duyên phố núi.
Như Paris ở xứ vạn đảo
Vùng ngoại ô cũng xanh ngắt hoa cỏ, nương đồi, trang trại… tuy nhiên Bandung không giống lắm Đà Lạt. Nằm trong thung lũng khá bằng phẳng, nên đến giờ vẫn thấy những chiếc rickshaw – giống xích lô mình, nhiều màu thong dong chở khách, nhấn nhá sắc cho phố.
Cũng khác Đà Lạt với những biệt thự mái ngói thoáng đãng, kiến trúc art deco, với sự phối hợp tinh tế hình khối phát triển mạnh mẽ trên thế giới những năm 1930 đã được các kiến trúc sư Hà Lan áp dụng nhiều ở đây.
Xây nên nhiều công trình đẹp như khách sạn Savoy Homann, cung Thống nhất… Không chỉ cứng nhắc lối kiến trúc Âu Mỹ mà còn phối với nét riêng bản xứ như mái nhà hình thuyền đặc trưng của người Sundan… nhấn nhá thêm những nét duyên lạ.
Bandung còn là thiên đường mua sắm với những cửa hàng quần áo, thời trang. Đến nỗi có con đường được đặt tên Jean Street. Nhưng có lẽ Bandung được ví von với Kinh đô ánh sáng còn vì sự lan tràn nghệ thuật đến-tận-vỉa-hè.
Những gallery, boutique sang trọng cũ của người Hà Lan vẫn còn đó, cũng như khá nhiều bảo tàng nghệ thuật trong phố. Nhưng rất nhiều góc hè phố là nơi triển lãm của các hoạ sĩ, nghệ sĩ đường phố, cũng là nơi các bạn sinh viên vẽ vời, khách du chậm bước ngó nghiêng…
La cà ở một quán bistro vỉa hè trong buổi chiều nhè nhẹ gió núi mát lành, nhìn con phố hun hút sắc màu gợi nhớ sao buổi chiều nao Paris ngày cũ la cà.
Tuy nhiên, cũng vài khác biệt, chấm phá thêm nét. Người Âu ở đây lâu, thấp thoáng những nhà thờ Công giáo giữa triền xanh, nhưng điểm nhấn cho Paris giữa trùng khơi là những mái vòm thánh đường Hồi giáo và tháp kinh minaret thanh thoát.
Nhấn nhá thêm là những đôi mắt huyền lung linh trong những chiếc kerudung nhẹ bay (khăn choàng chỉ che đầu, không bịt kín mặt) của những cô gái Sundan duyên dáng xứ này.
Nhưng có một điểm chẳng biết là giống hay khác, gợi cho kẻ lang bạt thêm buồn khi nhớ về Đà Lạt là những chuyến tàu lửa vẫn phì phò lên xuống, mà chiếc đầu tàu hơi nước cũ trưng bày trước cửa ga Bandung cũng là điểm tham quan thú vị, thuận tiện.
Một ngày chớp nhoáng, cộng thêm vài việc cần làm dính líu đến máy tính không cho phép tôi viếng hồ axít Kawah Putih, lượn lờ miệng núi lửa phì phò Tangkuban Perahu…
Nợ Bandung lời hẹn ngày quay lại, mà thường thì “lời hẹn thề là những cơn mưa…” Xứ Việt nhiệt đới gió mùa mưa nhiều lắm lắm.
Nên đường về xa quá Bandung ơi!
Theo TGTT
if (document.currentScript) {