6h sáng, từ các con hẻm nhỏ đến các quán lớn trên đại lộ, những hàng quán cà phê của người Sài Gòn đã mở. Sau khi ăn sáng, nếu rảnh rỗi, mỗi người có thể chọn một góc nhỏ, ngồi nhìn dòng người tất bất để đến địa điểm làm việc, bắt đầu một ngày mới.
Công viên 30/4 ngay cạnh nhà thờ Đức Bà đông khách một sớm cuối tuần. Một ly cà phê chưa tới 10.000 đồng, họ có thể gặp gỡ bạn bè, hàn huyên, gặp gỡ hội nhóm. Cà phê bệt được xem là một thứ văn hóa đặc trưng của giới trẻ Sài Gòn, khó trộn lẫn với các vùng miền khác.
"Cà phê Sài Gòn" là cách gọi dành cho những ly cà phê lớn, có nhiều đá và thêm ống hút. Cụm từ này khá phổ biến với các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào, để phân biệt với nâu đá của người Hà Nội. Tùy vào khẩu vị, người uống có thể chọn đen đá hay sữa đá.
Gần đây, với những người bận rộn, ra quán mua cà phê mang về (hay còn gọi là take away) trở nên phổ biến. Nhiều địa chỉ cũng tận dụng hình thức này, nhằm tiết kiệm diện tích, trong khi doanh số bán cà phê không thua kém nhiều những địa điểm được đầu tư bài bản.
Nếu như cà phê Hà Nội tập trung vào những quán nhỏ, không khí trầm mặc, cũ kỹ, thì người Sài Gòn lại chuộng các không gian lớn, thoáng và có xu hướng tràn ra mặt đường.
Cà phê được rang, xay trực tiếp và pha tại quán trong vài năm trở lại đây được ưa chuộng. Với nhiều người, vị cà phê xay đậm và thơm hơn, thức uống này cũng giúp họ thưởng thức đúng vị, không sợ bị pha tạp chất.
Các quán cà phê xay xuất hiện nhiều hơn trên các con phố trung tâm Sài Gòn như Mạc Thị Bưởi, Lê Thánh Tôn, Đinh Tiên Hoàng…
Một hình thức bán cà phê khác ở Sài Gòn. Người bán có thể mang quầy lưu động trên các con phố và dừng lại, pha chế.
Các thương hiệu cà phê nước ngoài cũng bắt đầu thu hút khách hàng trẻ.
Họ thường chọn vị trí đắc địa để mở quán, bán với giá cao hơn cà phê Việt, chừng 60.000 đến trên 100.000 đồng mỗi ly. Cà phê Việt thường có giá dưới 35.000 trở xuống.
Nhật Anh
Theo vnexpress