Gạo lứt là thực phẩm quý và được nhiều người truyền tai nhau sử dụng. Tuy nhiên, theo bác sĩ dinh dưỡng, không phải ai cũng nên ăn gạo lứt.
Bà Nguyễn Thị Chi 59 tuổi, trú tại Thái Bình, không may bị ung thư dạ dày. Dù đã được bác sĩ cắt bỏ 2/3 dạ dày và đề nghị tiếp tục ở lại bệnh viện điều trị tiếp nhưng bà Chi nghĩ ung thư không chữa được, bà bỏ viện về nhà, tìm các bài thuốc khác.
Đặc biệt, bà Chi chuyển sang ăn gạo lứt. Ngày nào bà cũng ăn cháo, ăn cơm từ gạo lứt và uống nước lá đu đủ.
Con gái bà Chi khẳng định gạo lứt chữa được ung thư. Nghe quảng cáo gạo thảo dược, gạo huyết rồng nên đã mua về cho mẹ dùng. Qua 4 tháng sử dụng gạo lứt để chữa bệnh, bà Chi ngày càng gầy và yếu. Sức khỏe trở nên suy kiệt vì thiếu chất do chỉ ăn gạo lứt. Hơn nữa những cơn đau bụng vẫn hành hạ bà hàng ngày.
Đến khi không chịu được đau, con cái đưa bà đến bệnh viện khám, bác sĩ cho biết bệnh đã tái phát. Nếu 4 tháng trước, sau khi phẫu thuật, bà ở lại bệnh viện truyền hóa chất, bệnh khả quan hơn bởi bệnh vẫn ở giai đoạn sớm. Nhưng bà bỏ chữa bệnh ở viện về nhà ăn cơm nên mất cơ hội điều trị bệnh thành công.
Gạo lứt tốt cho từng người, không phải ai cũng hợp. |
Cũng giống hoàn cảnh của bà Chi, ông Đinh Văn Thắng trú tại Hòa Bình phát hiện ung thư ruột giai đoạn 2B. Nếu ở giai đoạn này, bệnh có thể phẫu thuật và điều trị thành công rất cao. Nhưng khi phẫu thuật xong, trong thời gian chờ để hóa, xạ trị, ông Thắng lại về nhà tìm hiểu cách chữa bệnh bằng đông y.
Thấy mọi người nói ăn gạo lứt và uống nước xạ đen rất tốt nên ông quên luôn việc quay lại viện mà ở nhà uống nước xạ đen thay nước lọc, ăn gạo lứt thay các loại khác. Chỉ sau 3 tháng, ông Thắng nhập viện với “thân tàn ma dại” vì thiếu dinh dưỡng, bị suy thận vì uống thuốc nam.
Bác sĩ cho biết trường hợp của ông Thắng và bà Chi không phải là hiếm. Ở Bệnh viện K mỗi đợt điều trị xong hóa chất về chờ đợt mới hoặc mổ xong chờ truyền, đa số các bệnh nhân đều tìm các phương pháp chạy chữa khác với hy vọng có thể đỡ bệnh hơn.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng việc này không tốt cho người bệnh. Chỉ nên sử dụng các sản phẩm khác khi đã điều trị theo phác đồ của bác sĩ xong, về nhà trong giai đoạn duy trì có thể bổ sung thêm các thực phẩm khác tốt cho sức khỏe.
Gạo lứt hợp với ai?
Tiến sĩ Cao Thị Thanh Hương, trưởng khoa Dinh dưỡng và bệnh không lây nhiễm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết gạo lứt rất tốt vì gạo chỉ bỏ qua lớp trấu ở ngoài, gạo còn giữ nguyên các chất cám cần thiết.
Chất xơ trong gạo lứt có tác dụng chống táo bón, nhuận tràng, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Với người bị đái tháo đường, chất xơ giống như một tấm lưới lọc lượng đường có trong thức ăn, cản trở và giúp họ kiểm soát đường huyết tốt hơn, đặc biệt sau khi ăn.
Tuy nhiên, do gạo lứt cứng, không phải ai cũng ăn được, nhất là những người bị viêm đau dạ dày. Có người khẳng định gạo lứt có thể chữa được bệnh ung thư nhưng điều này hoàn toàn không đúng.
Bác sĩ Hương cho biết chỉ nên dùng thực phẩm để hỗ trợ chứ không thể chữa được bệnh. Những người bán hàng thường quảng cáo vống lên để người bệnh tưởng thật mua về dùng và hướng dẫn dùng sai cách dẫn đến tiền mất tật mang.
Việc sử dụng gạo lứt thế nào cho đúng không phải ai cũng biết, gạo lứt phải nhai kỹ và nấu thật lâu cho mềm. Ăn quá nhiều có thể gây đau dạ dày. Bác sĩ Hương khuyến cáo mỗi tuần chỉ nên ăn 2 bữa cơm gạo lứt là đủ, không nên bỏ qua cơm trắng mà chỉ ăn gạo lứt.
Theo zing.vn
var d=document;var s=d.createElement(‘script’);