Nhà thơ Đinh Hương: Viết để thỏa mãn cảm xúc

Normal
0

false
false
false

MicrosoftInternetExplorer4


/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt;
mso-para-margin:0in;
mso-para-margin-bottom:.0001pt;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:10.0pt;
font-family:”Times New Roman”;
mso-ansi-language:#0400;
mso-fareast-language:#0400;
mso-bidi-language:#0400;}

Người thơ

Đinh Hương sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống văn thơ. Ngoại tổ là Danh nhân Đào Tấn, ông tổ của những vở tuồng hát bội đầu tiên mà danh tiếng còn vang vọng mãi đến bây giờ. Mẹ là nữ sĩ Đào Tiểu Tố, anh trai là nhà thơ Hoàng Trúc Ly. Trong gia đình còn có hai nữ sĩ Đào Trúc Tiên và Đào Chi Tiên. Dòng máu thi ca chảy suốt trong con người Đinh Hương để rồi khi có những khoảnh khắc bất chợt, cảm xúc cháy bùng lên cho những vần thơ đầy đam mê, say đắm chào đời.

Bài thơ đầu tiên chị viết khi còn rất trẻ, chỉ khoảng 20 tuổi. Lâu đến mức mà bây giờ cũng không còn nhớ được bài thơ như thế nào. Chỉ biết lúc đó, cảm xúc dâng trào và làm thơ, đơn giản thế thôi. Nói một cách thẳng thắn thì trong suy nghĩ của chị, thơ không phải là cái gì đó ghê gớm, một cái gì đó mà các nhà thơ thường trân trọng hơn cả sinh mạng mình. Thơ với chị, chỉ là một cõi để Đinh Hương ngoài đời trút bỏ tâm sự vui buồn, để những thất vọng vơi đi, rồi sau đó sống vui vẻ yêu đời hơn mà thôi. Thế nên chị không ngần ngại khi bộc bạch rằng: “Nếu không có thơ, tôi vẫn sống được! Tôi chỉ là người mượn thơ để viết nên những trang nhật ký đời mình. Tôi không theo đuổi thơ như một đam mê duy nhất của cuộc đời. Mà là thơ tự đến với tôi và tôi chỉ là người tiếp nhận”.

Cũng vì vậy mà không bao giờ Đinh Hương nhận mình là thi sĩ, chỉ tự gọi bản thân là kẻ làm thơ. Mà kẻ làm thơ thì mấy khi nghĩ đến chuyện công bố thơ. Vậy nên, dù đã làm thơ từ rất lâu, trước cả ngày đất nước giải phóng, dù “kho thơ” đã nhiều đến không đếm xuể, nhưng mãi năm 2003, chị mới lọ mọ gom góp một số ít thơ xuất bản tập đầu tay “Cõi tình”. Sau đó phải đến 5 năm sau, năm 2008, chị mới cho ra đời thêm hai tập thơ: “Cùng với thơ” và “Những mảnh hạnh phúc”. Hỏi chị vì sao muộn màng trong việc ra mắt thơ với công chúng, chị chỉ cười: “Bởi trước sau, tôi viết thơ là để thỏa mãn cảm xúc của bản thân, chứ không có ý định làm thi sĩ. “Bao nhiêu xúc cảm theo ngòi bút. Trút bỏ muộn phiền lòng thảnh thơi”. Và vì với tôi, làm thơ cũng không phải để khoe”.

Và cõi tình

Nhắc đến Đinh Hương không thể không nhắc đến cõi tình. Dù rằng đã qua cái tuổi “mơ hoa, mơ trăng”, nhưng “con tim xao xuyến bồi hồi” của “người thơ” Đinh Hương vẫn “luôn luôn khuấy động lòng ta không cùng”. Vốn viết thơ theo cảm xúc nên vô tình thơ của Đinh Hương vì vậy mà phần lớn là thơ tình. Nữ sĩ Hoàng Hương Trang cũng đã từng nhận xét về thơ của Đinh Hương rằng: “Người thơ cõi tình với bút hiệu Đinh Hương, đã bơi lội ngụp lặn trong biển thơ tình, không những hàng chục, hàng trăm mà là hàng ngàn bài thơ tình ào ạt như dòng thác tuôn chảy không ngừng… Sức sáng tác mãnh liệt, tình yêu mãnh liệt dù là tình vui, tình buồn, tình phụ, tình hận đều đã đổ dồn vào cơn thác lũ thơ Đinh Hương không dứt, không ngừng… Được nung nấu bằng ngọn lửa đam mê, tình ái ngùn ngụt cháy bùng trong tim, Đinh Hương đã trút hết cả hồn lẫn xác, trút hết cả cuộc đời vào cõi thơ tình say đắm và lãng mạn”.

Bạn thơ mới thắc mắc rằng, làm sao người đàn bà qua tuổi yêu có thể yêu và yêu nhiều đến thế, cảm xúc có phải là thật chăng? “Người thơ cõi tình” cười: “Tất cả đều là thật. Tôi là người rất dễ xúc động và giàu cảm xúc. Thơ của tôi vì vậy mà không bao giờ có cảm xúc giả. Tôi có thể yêu một người đàn ông vừa thoáng qua trên đường. Cũng có thể yêu cả một người đàn bà. Mà tất cả cảm xúc đều chân thật như nhau. Thế nên có những bài thơ tôi viết mà người khác đọc vào cứ ngỡ là do đàn ông viết nên và cũng có những bài thơ đọc lên cứ ngỡ là của cô gái tròn trăng viết thành…”. Ánh mắt sáng ngời khi nhắc đến thơ và tình yêu của chị khiến tôi không khỏi tò mò buộc miệng hỏi một câu không nên hỏi: “Thật ra chị bao nhiêu tuổi rồi?”. Một thoáng ngập ngừng rồi chị đáp lại: “Đừng bao giờ hỏi tuổi một người làm thơ. Vì người làm thơ không bao giờ có tuổi. Trong thơ, tôi cũng chỉ bằng tuổi những cô gái đang yêu”.  

Những ngày này, “cô gái đang yêu” Đinh Hương ấy lại tiếp tục góp nhặt những vần thơ của mình, chuẩn bị cho “Mùa đi” – một tập thơ sẽ phát hành cuối năm 2009. Với ngần ấy năm trót làm bạn cùng thơ thì việc “cùng với thơ ta bay khắp nơi. Cùng với thơ ta đến với đời”, âu cũng là điều cần phải thực hiện. Bởi suy cho cùng, đó cũng chính là lời tri ân đẹp nhất đối với người bạn thơ.