Nhắc đến ẩm thực Hàn Quốc, không thể bỏ qua món ăn truyền thống nổi tiếng Kim chi.
Người dân Hàn Quốc thường chuẩn bị tất cả các nguyên liệu chế biến Kim chi trước khi thời tiết chuyển sang lạnh hẳn. Họ muối Kim chi để ăn cho tới mùa hè năm sau. Ngày xưa, khi muối Kim chi xong, người Hàn cho Kim chi vào các chum vại bằng sành rồi chôn xuống đất để Kim chi tự lên men một cách tự nhiên, nhờ đó Kim chi có vị ngon độc đáo.
Kim chi truyền thống được chế biến đơn giản từ cải thảo và nước muối, nhưng vào thế kỷ thứ 12, thành phần Kim chi có thêm nhiều gia vị khác để tạo ra sự đa dạng trong hương vị và màu sắc của Kim chi.
Đến thế kỉ 17, ớt – phần chính trong hầu hết các biến thể của Kim chi ngày nay, mới xuất hiện ở Triều Tiên xưa. Ớt bắt nguồn từ Châu Mỹ, được các thương gia phương Tây đem đến Châu Á, đặc biệt qua việc buôn bán của người Bồ Đào Nha ở Nagasaki (Nhật Bản). Công thức chế biến Kim chi với ớt và cải thảo xuất phát từ Trung Quốc. Nó phổ biến từ thế kỉ 19 và trở thành loại Kim chi được sử dụng nhiều nhất hiện nay.
Kim chi là một trong những món ăn không thể thiếu trong các bữa cơm trong mọi gia đình Hàn Quốc. Người ta có thể ăn Kim chi riêng hoặc sử dụng nó như thành phần của các món ăn khác: Canh Kim chi, bánh rán Kim chi, cơm chiên Kim chi,…
Người ta xem Kim chi như một biểu tượng cho nên văn hóa ẩm thực Hàn. Thậm chí, có một bảo tàng ra đời để giới thiệu về Kim chi. Bảo tàng Kim chi do Công ty Cổ phần Pulmuone tại Seoul thành lập vào năm 1986 với mục đích gìn giữ và phát triển văn hóa ẩm thực truyền thống của Hàn Quốc. Bảo tàng Kim chi đã mở cửa đón khách du lịch từ hơn 25 năm nay và hiện nay đang tọa lạc ở thủ đô Seoul. Hiện nay, Bảo tàng đã ghi nhận 187 loại Kim chi trong lịch sử phát triển.
Có nhiều tranh cãi về vai trò của Kim chi đối với sức khỏe và dinh dưỡng. Tạp chí Sức khỏe của Mỹ (Health Magazine) đã từng gọi Kim chi là một trong "năm thực phẩm có lợi cho sức khỏe nhất" của thế giới, với khẳng định rằng món ăn này giàu vitamin, giúp tiêu hóa tốt, và thậm chí còn có thể có tác dụng phòng bệnh ung thư. Trong khi đó, các nhà khoa học khác lại cho rằng các loại rau bảo quản không chứa vitamin, và do nó chứa lượng Nitrit cao, nếu ăn quá nhiều có thể gây ung thư. Cũng có vài nhận định cho rằng, dịch SARS không lây lan mạnh ở Hàn Quốc là do thói quen ăn Kim chi của người dân. Tuy nhiên, thông tin này chưa có kiểm chứng.
Tùy sở thích từng người, từng vùng mà có những cách chế biến Kim chi khác nhau hoặc có những nguyên liệu khác nhau. Món Kim chi cải thảo phổ biến thường có các thành phần như: Cải thảo, củ cải, tỏi, ớt, hành, cá mực, tôm, sò hoặc hải sản khác, gừng, muối ăn, và đường. Ngoài ra, người ta có thể thay thành phần chính cải thảo để ra các loại Kim chi khác: Kim chi dưa chuột, Kim chi củ cải, Kim chi lá hành,…
Người ăn có thể thay thế Kim chi cay nếu có khẩu vị thanh đạm. Kim chi trắng được chế biến từ cải thảo, không cho thêm ớt tiêu đỏ hoặc gia vị cay vì thế mà món ăn này mang một màu trắng đặc trưng so với các loại kim chi còn lại. Kim chi củ cải trắng cũng là một ví dụ điển hình khác trong các loại kim chi không cay.
Tháng 1/2014, lễ hội “Muối Kim chi chia sẻ yêu thương” đã chính thức được sách Kỷ lục Guinness thế giới ghi nhận là lễ hội làm kimchi quy tụ số lượng người tham gia đông đảo nhất tại một địa điểm. Trong ngày diễn ra lễ hội, có đến 120.000 bó cải thảo ngâm muối nặng tương đương 200 tấn và 50 tấn gia vị được sử dụng để muối Kim chi. lễ hội “Muối Kim chi chia sẻ yêu thương” do công ty thực phẩm Yakult Hàn Quốc phối hợp cùng chính quyền thành phố Seoul tổ chức nhằm mang Kim chi đến cho những người nghèo.
Nguồn: Công ty Cổ phần VIETISO (amthuc365.vn)