Niềm tin con người đến từ đâu?

 

 

Bạn có bao giờ ngần ngại đưa tay ra giúp đỡ người khác không?

Có chứ, vì chẳng thể tin ai được. Chẳng hạn có người vấp té trên đường, tôi sẽ không ngay lập tức đưa tay ra đỡ theo kiểu không ngần ngừ, không dè chừng, vì tôi còn bận hoài nghi, còn phải suy nghĩ cẩn thận xem liệu có âm mưu lừa đảo nào ở đây không. Biết đâu được, chỉ trong tích tắc, khi tôi còn đang bận làm việc tốt, giỏ xách của tôi đã không cánh mà bay. Chúng ta biết rằng luôn nghi ngờ như vậy không mang lại điều gì tốt đẹp cho bản thân cả, nhưng ta vẫn chấp nhận theo kiểu ‘biết sao được’.

Vậy là ta cũng dè xẻn tình thương của bản thân dành cho người khác, xem đó như cách bảo vệ bản thân hữu hiệu nhất. Xã hội có tình thương khi và chỉ khi mỗi cá nhân đều thực hành những việc tốt. Đó là những hành động tạo nên tác động tích cực tới người khác. Việc tốt không thể chỉ dừng lại ở hành động ấn nút like trước những tấm hình cảm động mà bạn thấy hàng ngày trên Facebook. Bạn có thể like bao nhiêu tùy thích nhưng nó không làm thay đổi cuộc sống của những con người trong tấm hình kia. Và bạn quên chúng đi cũng nhanh không kém tốc độ click chuột vào nút like.

Tình thương hiện hữu trong từng góc nhỏ của cuộc sống, trong những hành động mà chúng ta vẫn làm hàng ngày. Buổi sáng trên một con đường dài chưa đến một cây số, rộng chỉ đủ cho hai chiếc xe hơi tránh nhau, ở một nơi ngoại ô thành phố. Vài bà mẹ chở con đi học, con ôm cứng mẹ và mẹ vừa nhìn thẳng đằng trước vừa trả lời. Những người lớn tuổi chạy chầm chậm nhìn trước nhìn sau khi qua đường. Người đi chợ cười với người bán hàng trên vỉa hè. Những anh công nhân vào tiệm cà phê, tán gẫu trước khi vào ca. Người ta biểu lộ sự thân quen, thậm chí thân mến với nhau. Trên vỉa hè, hai vợ chồng quét dọn cẩn thận, như quét dọn nhà của mình, để dọn rau trái, chăm sóc tươm tất dù cho đây chỉ là nơi bán tạm, chưa biết bị đuổi lúc nào. Một chiếc võng treo trên tường bên kia đường, không choán chỗ ai. Sự nhường nhịn, sợ làm phiền người khác, sợ muốn làm vui lòng người khác chiếm ưu thế ở đây. Thì ra, một quãng đường nhỏ này, sở dĩ hoạt động được, sinh hoạt được, là nhờ thiện cảm, thiện ý với nhau, nhờ tình thương, dù ở mức độ sơ đẳng nhất.

Thử tưởng tượng nếu một phần tư số người ở đây thù ghét nhau, người bán hàng cứ vô tư chơi xấu người bên cạnh, người lái xe cản trở người đi sau, cố tình liệng đá ra đường cho người khác té,… Nếu chỉ một phần tư số người sống trên con đường đó ghét nhau, tất cả sẽ lộn xộn.

Xã hội văn minh không phải là xã hội có nhiều tiện nghi. Đừng để những giá trị vật chất đánh lừa. Xã hội chỉ thực sự văn minh khi con người có nhiều tình thương hơn. Người với người quan tâm nhau bằng tình yêu thương. Tình thương quan trọng hơn cả luật lệ. Tình thương là nền tảng cho sự phát triển. Xã hội này vận động dựa trên trên tình thương. Một doanh nghiệp có nghĩ đến người tiêu dùng thì mới cho ra sản phẩm tốt, mới không thực hiện các hành vi gian lận, hủy hoại môi trường và quan tâm tới nhân viên. Người với người có tình thương thì mới đối xử tốt với nhau.

Thế nên mỗi ngày chúng ta cần thực hành tình thương trong tâm khẩu ý của mình, như quán từ bi chẳng hạn. Có tình thương, chúng ta có hòa bình và an vui trong tâm. Đây là số vốn để sống cho mỗi cá nhân và là số vốn xã hội mà ai cũng có thể đóng góp cho quốc gia, dân tộc,… bất kể già, trẻ, giàu, nghèo, học ít học nhiều… Đến khi nào, tình thương trở thành một thực tại cụ thể, như hơi thở, như sự vật, như đời sống, lúc đó chúng ta sẽ biết ý nghĩa đời sống là gì, ý nghĩa của người khác là gì, ý nghĩa của thế giới là gì, và ý nghĩa của sự hiện hữu của chúng ta trên cuộc đời phù du này là gì…

(Trích đăng “Con người toàn diện, hạnh phúc toàn diện" – Nguyễn Thế Đăng)
Tủ sách Phật Pháp Ứng Dụng – Thái Hà Books ấn hành)

Nguyệt Ánh – nguồn thaihabook