Ông Tuấn chia sẻ: Bây giờ chúng ta đang tâm niệm xây dựng thương hiệu, Nhà nước đang mong muốn các DN nỗ lực vươn ra biển lớn để góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. Nhưng tôi muốn đè cập đến vấn đề Nhà nước đang hỗ trợ cho DN những gì ? Và đâu là thực trạng của DN VN ? Nói thật, phần lớn DN của ta ngay trong “sân nhà” đã “bị thương” bởi cơ chế tồn tại nhiều kẽ hở để những người kinh doanh không lành mạnh làm giả, làm nhái tự tung tự tác. Tại sao chính người Việt ta lại chuộng hàng ngoại hơn hàng Việt – đã có cơ quan chức năng nào thực sự đặt lên bàn câu hỏi đó ?
Cuộc chiến… khoan nhượng từ cơ chế
– Nhưng thưa ông, trên thực tế thì khung pháp lý của chúng ta đã khá chặt. Chúng ta có Luật chống hàng giả, hàng nhái, Luật bảo hộ bản quyền, bảo vệ sở hữu trí tuệ, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Và bản thân mỗi DN muốn quản trị tốt cũng phải có cơ chế tự bảo vệ mình… ?
Cái gì chúng ta cũng có, cái gì Kềm Nghĩa cũng tham gia. Duy chỉ có một điều là cơ quan chính quyền, có thể do cơ chế hay do vấn đề quản lý sao đó, khiến cho DN không được giúp gì nhiều và đa phần DN vẫn phải tự thân vận động.
– Có lẽ ông muốn nói tới giải thưởng chống hàng giả dành cho người tiêu dùng mới đây ? Hiệu quả của giải thưởng có thực sự hỗ trợ cho Kềm Nghĩa trong cuộc chiến hàng giả và bảo vệ thương hiệu hay không ?
Kềm Nghĩa là một trong những đơn vị đầu tiên đi tiên phong trong việc này. Tôi cho rằng ít nhiều gì điều đó sẽ khiến cho những người làm hàng giả bớt tự tung tự tác. Chi phí đợt này chúng tôi bỏ ra khá cao và xem như là một sự đầu tư phối hợp với báo đài, người tiêu dùng và cơ quan nhà nước. Vấn đề là trách nhiệm cuối cùng lại thuộc về cơ quan nhà nước. Họ có xử lý những người bán hàng giả không, là một câu chuyện dài và phức tạp, phụ thuộc rất nhiều vào luật, vào các quy định, chế tài…
Trong khi đó, ở phía Bắc, có nhiều nguồn hàng giả xuất ra nước ngoài và đã có người gửi lại sản phẩm giả về cho tôi. Đó chính là cảnh báo nguy hiểm và tôi ước lượng có khoảng 20 – 30% sản lượng hàng giả vẫn thường xuyên được tuồn ra nước ngoài dưới tên gọi Kềm Nghĩa.
– Vậy theo ông, sau nhiều năm đeo đuổi “sự nghiệp” chống hàng giả, theo ông, giải pháp nào cho thấy Nhà nước sẽ hỗ trợ DN hiệu quả nhất ?
Quan trọng nhất là chế tài. Chế tài nghiêm thì mọi việc sẽ đi vào đúng quy định. Chẳng hạn như việc Nhà nước yêu cầu đội nón bảo hiểm, chế tài nghiêm nên cả xã hội có ý thức. Hay như người Singapore có chế tài nghiêm để bảo vệ môi trường, làm nghiêm túc chặt chẽ nên thành văn hóa. Việc chống hàng giả ở ta cũng vậy.
Ngoài ra, cơ quan chức năng nên đi đến những DN lớn, khảo sát thực trạng của các DN đó đang hoạt động ra sao, để có cơ chế, có chính sách hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu quốc gia.
Việc nhận được các Giải thưởng quốc gia cũng vậy, tôi rất ủng hộ việc nhà nước ghi nhận những DN thành công trong việc kinh doanh và đóng góp cho cộng đồng xã hội. Nhưng bên cạnh đó, giá cơ quan chức năng thử tìm hiểu xem doanh nhân, DN cần gì cho những năm tới có lẽ sẽ đầy đủ hơn.
Nhà nước hỗ trợ các chiến sĩ thời bình ra sao ?
– Nhưng nếu xét ở khía cạnh tích cực, hàng giả, hàng nhái tại nước ngoài cũng chứng tỏ ông “làm” thị trường XK rất tốt. Bí quyết của ông là gì ?
Cho đến ngày hôm nay, những thương hiệu thành công, nổi tiếng trên thế giới đều là những sản phẩm chất lượng. Ngay từ lúc đầu, Kềm Nghĩa đã đầu tư rất nhiều vào con người, vào thiết bị và hằng năm đều cải tiến công nghệ để cho ra đời những sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất.
Khi bắt đầu định hướng xuất khẩu, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều thời gian và công sức. Tiêu chuẩn của quốc tế với những quy định chặt chẽ, khắt khe về chất lượng, đã định hướng cho chúng tôi phải làm sao để thay đổi và làm tốt hơn nữa thương hiệu của mình.
Đối với các khách hàng và đối tác nước ngoài, họ còn rất chú trọng đến môi trường làm việc, chính sách của Cty phải thể hiện sự quan tâm đến đời sống của công nhân viên. Đây là những tiêu chuẩn bắt buộc của các đối tác, khách hàng người nước ngoài trước khi quyết định chọn lựa đối tác.
Hiểu được điều đó, chúng tôi đã cho đầu tư rất nhiều vào xây dựng nhà máy, vận hành theo công nghệ quốc tế. Chính điều này đã làm rất nhiều đối tác hài lòng, đặt niềm tin vào chúng tôi khi đến tham quan và làm việc với Cty cổ phần Kềm Nghĩa.
– Hãy ví dụ từ thị trường thành công nhất của Kềm Nghĩa nhé. Hiện ông có bao nhiêu đại lý ở Mỹ, và Kềm Nghĩa đang “thắng”, hay vẫn ở giai đoạn đầu tại thị trường này ?
Ở Mỹ, tôi đang xây dựng 30 đại lý trên 14 tiểu bang. Trong năm 2009, để tiết kiệm chi phí, khi vào Mỹ, tôi mở Cty ở nhà, làm theo mô hình gia đình và bán hàng trên mạng để tiết kiệm chi phí. Nhưng như vậy là tạo kẽ hở cho người ta bán hàng giả. Đến đầu năm 2012, tôi chấp nhận chi ra 500.000 USD, đầu tư thật sự để cho "ra việc": thuê CEO, thuê nhân sự, lập văn phòng. Muốn mở rộng thì phải đầu tư mạnh mà như vậy DN phải có tiền.
Với tôi, những ai đi mở rộng thị trường ở nước ngoài đều xứng đáng gọi là những chiến sĩ thời bình, họ là những người đã đem chuông đi đánh xứ người và chắc chắn đều phải chấp nhận đầu tư, chịu lỗ trước. Vấn đề ở đây là : Nhà nước hỗ trợ cho những chiến sĩ này như thế nào ? Thú thật, trong cuộc đời doanh nhân của mình, tôi chỉ được một lần duy nhất được đi hội chợ miễn phí tại Singapore, do CLB Hàng VN chất lượng cao tổ chức. Còn lại, 100 lần như 1, tôi phải đầu tư chi phí rất cao cho việc xúc tiến thương mại. Nhà nước nên hỗ trợ DN tìm kiếm xúc tiến thương mại nước ngoài, đồng thời nên đẩy mạnh hỗ trợ DN trong việc giữ vững thương hiệu.
– Trong tương lai, nội địa và XK – đâu là thị trường chính của Kềm Nghĩa ?
Theo kế hoạch từ nay đến 2020, thị trường chính của chúng tôi vẫn là Mỹ. Thứ nhì là Trung Quốc. Với dân số của Trung Quốc thì đây chắc chắn là một thị trường còn rất nhiều tiềm năng để DN VN tiến sâu vào. Tôi cũng rất là vui khi người Trung Quốc đánh giá sản phẩm VN rất cao, trong khi chính họ lại ngại sản phẩm made in China. Đối với họ, hàng VN chất lượng tốt hơn hẳn hàng Trung Quốc. Cũng nhờ đó mà tôi xác định được thế mạnh của mình. Tôi luôn nỗ lực hết mình để chinh phục thế giới bằng chính cây kềm nhỏ bé mang thương hiệu Kềm Nghĩa.
– Vậy là ông đang nuôi mộng Kềm Nghĩa thành thương hiệu quốc gia ?
Đối với khách hàng thế giới, Kềm Nghĩa đã là thương hiệu quốc gia. Có nhiều khách hàng Trung Quốc, Đài Loan không đọc được chữ Nghĩa, họ chỉ cần xem sản phẩm và nói : “Ah, đây là Kềm của VN, một cây kềm có chất lượng rất tốt” ! Đó cũng giống như cách nói của nhiều người khi nói về hàng điện tử của Nhật Bản vậy. Vì vậy, khi tham gia các hội chợ quốc tế, tôi luôn chú trọng đến chữ “made in Viet Nam” ở ngay tại gian hàng của mình.
Ngay tại thị trường Trung Quốc, người Trung Quốc chỉ làm giả kềm mang nguồn gốc xuất xứ “made in Viet Nam”, chứ không phải là “made in USA” hay các nước khác như Đức, Nhật, Pháp… Điều này cho thấy, Kềm Nghĩa đã thành công về mặt chất lượng và thương hiệu không chỉ ở thị trường Trung Quốc nói riêng mà còn nổi tiếng trên thế giới.
– Trở lại với chuyện khai thác thị trường, hiện XK chiếm bao nhiêu phần trăm doanh thu của Kềm Nghĩa?
Xuất khẩu chính ngạch của Kềm Nghĩa chiếm từ 20 – 30% trên tổng doanh thu của Cty. Còn “xuất khẩu tại chỗ”, số lượng kềm do Việt kiều và người nước ngoài mua đem về nước của họ thì ước tính chiếm khoảng 50% doanh thu.
Đỉnh cao của thành công : Chân thật
– Ông quan niệm thế nào về thành công ?
Những ai đi mở rộng thị trường ở nước ngoài đều xứng đáng gọi là những chiến sĩ thời bình, bởi họ chắc chắn đều phải chấp nhận đầu tư, chịu lỗ trước.
Chúng ta phải biết yêu thương và quý trọng những gì mình đang có. Đối với tôi, đỉnh cao nhất của thành công đó là chân thật. Trong cuộc sống lẫn kinh doanh, tôi luôn chân thật. Muốn có chất lượng, muốn làm ra sản phẩm tốt, được người tiêu dùng đón nhận, doanh nhân – nhà sản xuất phải mang cả trái tim, khối óc của mình gửi vào đó.
– Vậy “chân trời” tiếp theo của Kềm Nghĩa là gì ?
Tôi vẫn ấp ủ làm sao để nhân rộng ngành sản xuất kềm. Những học trò, công nhân, nghệ nhân của Kềm Nghĩa sau khi làm nghề và thành công một thời gian, họ đều ra mở cơ sở sản xuất riêng. Trong tương lai lâu dài, những người như vậy sẽ góp thành những làng nghề kềm mang lại giá trị gia tăng cao.
Tôi cũng đang tính đến việc xây dựng nhà máy sản xuất các phụ kiện cho ngành y, chẳng hạn như các dụng cụ thiết bị y tế. Việc sản xuất này rất gần với ngành nghề chính mà Kềm Nghĩa đang làm; cũng gần với mong muốn được “cho cuộc sống luôn có nghĩa”, đóng góp cho cộng đồng mà Kềm Nghĩa luôn tâm niệm !
– Xin cảm ơn ông !
Theo dddn