Người ta thường nói rằng, phía sau thành công của người đàn ông là bóng dáng một phụ nữ. vậy có mấy ai nghĩ đến chuyện phía sau một người phụ nữ thành công là ai?
Ai cũng biết rằng – và thường nói rằng – làm vợ và làm mẹ là thiên chức cao cả của phụ nữ, bất kể đó là phụ nữ nông thôn hay thành thị, bình dân hay trí thức, nghèo hèn hay giàu sang. Và đó không chỉ là mặc định hay áp đặt của xã hội theo kiểu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Chăm sóc cho chồng, con, vun vén, giữ “bếp ấm” cho gia đình… vốn là niềm vui của phụ nữ.
Và, đối với những người phụ nữ thành đạt, trách nhiệm trên đôi vai chẳng nhẹ nhàng gì, vì ngoài những nỗ lực tự thân để khẳng định chỗ đứng trong xã hội, người phụ nữ vẫn phải để tâm, hay cố gắng chu toàn trách nhiệm trong gia đình.
Nói lại những điều trên để thấy rằng, việc có được tầng lớp doanh nhân nữ tại Việt Nam như hiện nay đã thể hiện những nỗ lực phi thường nơi những người phụ nữ đó.
Điều đáng nói là trong tầng lớp doanh nhân nữ hiện nay có không ít phụ nữ thật sự là những người xuất sắc, thậm chí vượt trội so với nam giới. Nhiều doanh nghiệp dẫn đầu thị trường Việt Nam hiện nay là do phụ nữ lãnh đạo. Có thể kể đến một Vinamilk thống lĩnh thị trường sữa do nữ tướng Mai Kiều Liên dẫn dắt, một VietJetAir – đang cạnh tranh sòng phẳng với đại gia lâu năm Vietnam Airlines – do người phụ nữ trẻ trung Nguyễn Thị Phương Thảo làm đầu tàu, hay một thương hiệu đầu ngành về nữ trang PNJ do Cao Thị Ngọc Dung làm thuyền trưởng.
Bà Mai Kiều Liên từng có tên trong danh sách 50 phụ nữ quyền lực nhất châu Á liên tiếp trong bốn năm (2011-2015) do tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn; còn bà Nguyễn Thị Phương Thảo – người được cho là sẽ trở thành tỷ phú đô-la đầu tiên của Việt Nam một khi VietJetAir được cổ phần hóa – cũng mới được Forbes vinh danh năm 2016 trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực trên toàn cầu.
Những tên tuổi phụ nữ nổi bật nêu trên chưa thật nhiều, nhưng cũng không phải là cá biệt, vì trong cộng đồng doanh nhân vẫn còn có thể liệt kê hàng loạt tên tuổi khác, như bà Phạm Thị Việt Nga của Dược Hậu Giang, bà Mai Thanh của Cơ điện lạnh REE, hay bà Thái Hương, Tổng Giám đốc BacABank, Chủ tịch Tập đoàn TH, bên cạnh không ít các bóng hồng khác đang ngày càng khẳng định chỗ đứng của mình trong cộng đồng doanh nghiệp.
Một điểm đáng chú ý là nền kinh tế thị trường của Việt Nam chưa có một lịch sử lâu dài như ở các nước khác, nhưng tỷ lệ phụ nữ tham gia thương trường lại là một điều đáng tự hào. Một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đầu năm 2015 cho thấy, Việt Nam xếp vị trí 76 trên tổng số 108 quốc gia về tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý doanh nghiệp, ở mức 23%. Tỷ lệ này tại Việt Nam xếp thứ hai ở châu Á, chỉ sau Philippines, và cao hơn so với các nền kinh tế thị trường lâu năm tại châu lục như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore hay Thái Lan.
Đề cập đến sự vươn lên của tầng lớp doanh nhân nữ tại Việt Nam, hãng tin Bloomberg trích lời ông Peter Ryder, CEO của Indochina Capital, nhận định: “Không giống như nhiều nước châu Á khác nơi mà người phụ nữ đứng ngoài lề, thì ở Việt Nam họ là những người được trao quyền”. Bloomberg cho rằng phụ nữ điều hành ở Việt Nam thường có xu hướng tìm sự đồng thuận hơn là đưa ra chỉ đạo trong việc thực thi chiến lược, và do đó dễ thành công hơn.
Trả lời Bloomberg, bà Mai Kiều Liên của Vinamilk giải thích rằng, nữ giám đốc thường thận trọng hơn nam giới, do đó quản lý rủi ro tốt hơn.
Người ta thường nói rằng, phía sau thành công của người đàn ông là bóng dáng của một người phụ nữ. Thế nhưng, phía sau thành công của người phụ nữ, ít thấy ai đề cập đến bóng dáng của người đàn ông. Tại sao?
Theo Hoàng Khang (PNO)
}