Thái Lan: Một đêm ở ‘vịnh thiên đường’

Mỗi ngày hàng ngàn người tới Vịnh Maya của Thái Lan nơi Leonardo DiCaprio làm phim “Bãi Biển” (The Beach). Tác giả bài này là Colleen Hagerty đã tìm được cách tránh nơi đông người.

Cụm Đảo Phi Phi không phải là nơi quá xa lạ gì, gồm hai đảo, Phi Phi Don và Phi Phi Leh, ngoài khơi bãi biển Krabi, phía nam Thái Lan.

b18d951e409d9fea46a3e9d8feb31fda

Thuyền gỗ đuôi dài truyền thống (Ảnh: Mark Fischer/Maya Bay Boats/Flickr/CC BY-SA 2.0)

Chúng được quảng cáo nhiều và được du khách ba lô ưa thích vì các bãi tắm cát trắng, nước ấm và vách núi đá vôi cao vút. Tuy nhiên có một nhược điểm là hàng ngày có hàng ngàn du khách đi dạo bên bờ biển, đặc biệt vào thời gian cao điểm từ tháng 11 đến tháng 3.

                                                               ‘The Beach’ khi không có du khách (Ảnh: Thinkstock)

Do vậy tôi không tin nổi mắt mình khi thức giấc vào buổi sáng và thấy các bãi tắm Phi Phi nổi tiếng nhất này hoàn toàn trống vắng.

Sau vài ngày ở Phi Phi Don, hòn đảo lớn hơn, chẳng mấy mà tôi cảm thấy chán khi cứ đi thuyền thăm không biết bao nhiêu các khu nghỉ, nhà hàng và quầy lưu niệm luôn chật ních du khách.

Tôi thấy phấn khích ngay khi biết sẽ được nghỉ qua đêm trên thuyền đậu tại đảo không người sinh sống là Phi Phi Leh, đặc biệt là Vịnh Maya, thiên đường của Leonardo DiCaprio trong phim “Bãi Biển” năm 2000; nó là điểm đến thích nhất từ khi phim trên được trình chiếu.

Hàng chục ca nô, thuyền phà và thuyền đuôi dài cổ truyền hàng ngày xuất phát từ Krabi, Phuket và Phi Phi Don tới Vịnh Maya, chở đầy du khách háo hức muốn xem hòn đảo hoang dã trong phim.

                                                                  Thăm Vịnh Maya khi vắng khách du lịch (Ảnh: Colleen Hagerty)

Vì vậy khó mà tưởng tượng Phi Phi Leh là một thiên đường trống vắng. Dải cát dài nhất của Vịnh Maya chỉ dưới 200m, vì vậy những người tắm nắng phải nằm kề vai nhau và những người lặn va đụng nhau quanh các thuyền neo đậu.

Vịnh Maya là một vườn quốc gia thuộc quyền quản lý của chính phủ Thái Lan và chính phủ cấm các du khách không được ngủ qua đêm ở đó từ năm 2012.

Chỉ có một tour “Maya Bay Tours” là cho du khách thăm đảo sau hoàng hôn rồi ngủ đêm, và tôi đã may mắn mua được một chỗ có mái che vào một trong những tour giữa mùa đông khách.

Khi lên thuyền tại bến Phi Phi Don tôi mừng vì chỉ thấy một nhóm nhỏ 30 du khách từ khắp thế giới. Sau 20 phút, chiếc thuyền vào Vịnh Maya.

                                                                   Các vách đá vôi lơ lửng trên đầu (Ảnh: Colleen Hagerty)

Cảnh dải cát vàng nhạt, dặng cọ rậm rạp quanh vách đá lởm chởm làm mọi người nín lặng, chỉ nghe thấy tiếng chụp ảnh. Do chúng tôi tới nơi lúc xế chiều nên bãi biển vẫn còn đông.

Nhưng vì không thấy các khu nghỉ ở phía xa hoặc các hàng rong bán quà lưu niệm và thức ăn nên bãi biển trông vẫn kỳ diệu cuốn hút đúng như ở cuốn phim.

Khi màn đêm dần che phủ bầu trời, những con thuyền cuối cùng đã đi khỏi thì đây mới là lúc để thực sự khám phá. Đi trên lớp cát mát và mềm mại và chỉ với ánh sáng mờ nhạt tỏa ra từ của chiếc thuyền, ta dễ dàng mường tượng ta là những người đầu tiên tới đảo này.

                                                                 Phi Phi Don, đảo lớn nhất ở Vịnh (Ảnh: Thinkstock)

Ngoài tiếng sóng vỗ bờ, gần như là sự tĩnh mịch đầy lưu luyến, nó giải tỏa khỏi tiếng nhạc xập xình mà tôi đã quen tai những đêm ở Phi Phi Don.

Để có được cảm giác thực sự về đêm ở đảo, các hướng dẫn viên đã đưa chúng tôi đi theo những lối mòn hoang sơ. Cầm đèn pin, tôi mò mẫm theo họ trong bóng đêm rừng, đầy bụi rậm và cây cối hình ma quái. Một trong những hướng dẫn viên, tên là Coco, tỏ ra rất sành để tìm ra các cư dân hiếm hoi nhất của đảo, đó là cua leo cây.

To hơn rất nhiều so với con cua chui vỏ ốc và con ghẹ hay thấy ở bờ biển Thái Lan, loài cua này có càng rất khỏe nên leo được lên tận ngọn cây.

                                               Hoàng hôn ở Vịnh Maya. (Ảnh: ruben i/Maya Bay on Koh Phi Phi Leh/Flickr/CC BY 2.0)

Coco cầm trên tay một con, cả đoàn mừng rỡ reo vang, anh ta đảm bảo rằng mặc dù nó to bằng mặt người nhưng nó rất nhát người à không nguy hại gì cả. Nó là loài vật lớn nhất trên đảo; đảo tuy nhiều cây cối và hoa nhưng không tạo được nhiều loài vật hoang dã.

Du khách không được phép ngủ trên đảo nên chúng tôi trở về thuyền để ngủ, nhưng lại có thêm một bất ngờ nữa: bơi đêm khuya. Nước biển trong xanh khi trưa thì nay có mầu đen nhung, dễ dàng che dấu mọi hiểm nguy ẩn nấp phía dưới.

May sao, thay vì cá săn mồi, biển chỉ toàn là sinh vật phù du phát quang sinh học. Với kích thước cực nhỏ, phiêu sinh vật này lóe sáng khi bị khuấy động do phản ứng hóa học như đối với đom đóm.

                                                                 (Ảnh: momo/Pileh Lagoon/Flickr/CC BY 2.0)

Để nó lóe sáng còn phải có một số yếu tố môi trường không định trước được, như vậy chúng tôi đã cực kỳ may mắn để được ngắm sự trình diễn ánh sáng kỳ diệu mà nó ganh đua với ánh sao trên trời.

Ngủ trên thuyền không phải một trải nghiệm xa hoa gì vì chỉ có một đệm mút, túi ngủ và một gối nhỏ, nhưng sự đung đưa nhẹ nhàng của con thuyền và gió thoảng mát đã ru tôi ngủ ngay.

Sáng sớm hôm sau lại có một cuộc dạo chơi trên bãi biển vắng vẻ trước khi thuyền du khách buộc phải quay trở về. Sau một lần bơi cuối cùng ở Vịnh Pileh gần đó, chúng tôi trở về đảo Phi Phi Don nơi quá tấp nập. Tôi nhắm mắt, mơ tưởng lại về một đêm ở đảo hoang vắng.

Nguồn: tapchilifestyle.com