Thổi hồn vào tượng danh nhân

Dù đến với nghệ thuật tạo hình có phần muộn mằn nhưng sau 10 năm lao động miệt mài vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang – Lại Thị Kim Thanh đã có một vườn tượng gần như đầy đủ chân dung danh nhân cổ kim, Đông – Tây trong khuôn viên căn nhà nhỏ trong con hẻm ở phường 13 quận 10, TPHCM.

Căn nhà nhỏ nằm cuối con hẻm trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài có sân vườn vừa đủ để bày biện một cái bàn để khách muôn phương đến ngắm tượng, trò chuyện đàm đạo. Hôm tôi đến cũng là lúc vợ chồng chị đang tạc tượng chân dung cố GS-TS Trần Văn Khê, cố nhạc sĩ Phan Nhân và chân dung nghệ sĩ Phi Điểu (vợ cố nhạc sĩ Phan Nhân). Thấy tôi ngắm kiến trúc căn nhà, anh Nguyễn Sang cười bảo, công trình chỉnh sửa ngôi nhà là do anh tự làm hết, từ thiết kế, mua sắm vật tư đến làm thợ hồ. Chị Kim Thanh thì bảo so với dự trù kinh phí ban đầu, việc sửa chữa căn nhà đã cao hơn gấp 3 lần. Dù nhỏ nhưng là một không gian ấm cúng với đủ cây hoa lá, đủ không gian để hai nghệ sĩ thả hồn tạc tượng.

Nghệ sĩ Kim Thanh bên các tác phẩm điêu khắc danh nhân

Vào bên trong căn nhà thấy hàng trăm tượng danh nhân và những người nổi tiếng, trong cái không gian có phần chật chội ấy anh chị để tượng trên kệ, trên bàn, trên giá sách, trên gác, dưới đất… Gần như những chỗ trống trong căn nhà đã lấp trống bởi các bức tượng. Khi tôi hỏi mai này không còn chỗ để tượng nữa thì sao, chị Kim Thanh thở dài và mong ước: “Lâu nay vợ chồng tôi đang mong là sẽ có một mạnh thường quân hay một tổ chức nào đó đứng ra thành lập một bảo tàng hoặc phòng trưng bày các bức tượng danh nhân. Có được như thế thì không gì hạnh phúc bằng, các bức tượng sẽ có không gian để tồn tại trong ánh sáng của phòng trưng bày tượng sẽ có hồn, có thần sắc hơn chứ ở đây không gian chật chội quá cứ thấy áy náy với các cụ vì mình cứ để như thế này”.

Tính đến nay thì nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang –Kim Thanh đến với nghệ thuật tạo hình cũng hơn 10 năm. Các tác phẩm đã được triển lãm từ Nam ra Bắc, được dân trong nghề cũng như công chúng ghi nhận và đánh giá cao. Anh chị và các mạnh thường quân đã xây dựng được 12 tượng đài trường học để giáo dục thế hệ trẻ “Uống nước nhớ nguồn, tri ân các anh hùng dân tộc”. Tháng 5 năm 2015 Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã khánh thành tượng BS Phạm Ngọc Thạch và GS.VS Dương Quang Trung do 2 nghệ sĩ sáng tác. Đến với nghệ thuật như một cái duyên chứ trước đó chị là giáo viên hóa – sinh của một trường Trung học ở Long An, còn anh thì làm rất nhiều nghề để mưu sinh, sau nhiều biến động trong cuộc đời anh chị đã tìm đến họa sĩ điêu khắc Tô Sanh để tầm sư học đạo. Nhắc đến họa sĩ điêu khắc Tô Sanh, ông được biết đến là bậc thầy của tượng chân dung với 300 tượng được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam. Theo nghệ sĩ Kim Thanh thì hai vợ chồng chị may mắn được thầy Tô Sanh nhận làm học trò và dạy chỉ trong 6 ngày trời (từ mồng 3 đến mồng 8 tết năm 2004). Sau đó, hai vợ chồng tự học, tự mài mò nặn tượng, từ những bức đầu tiên phải mất đến 10 ngày trời mới hoàn thiện nhưng không hề nản chí mà kiên trì tập luyện. Đến bây giờ nghệ sĩ Kim Thanh vẫn nhớ như in những lời dạy của thầy Tô Sanh “Văn ôn, võ luyện”, “Nghề dạy nghề”, “Đường học vấn mênh mông như trời bể / Dẫu bạc đầu đâu dễ thành danh”. Cứ thế hai 2 nghệ sĩ bền chí với nghề trong hơn 10 năm qua. Và cũng có những tác phẩm chưa ưng ý, chưa hài lòng nhưng anh chị không bao giờ nản mà luôn kiên trì, chắc lọc từng kinh nghiệm, từng lời dạy của người đi trước cũng như giới phê bình để các tác phẩm sau hoàn mỹ hơn những tác phẩm trước.

Nói về kỷ niệm trong nghề, nghệ sĩ Kim Thanh ánh mắt rạng ngời khi nhắc đến chuyện 3 lần được đến thăm và gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Và trong căn nhà nhỏ của bà trưng bày rất nhiều tượng của tướng Giáp thời trẻ, thời trong binh nghiệp và khi về hưu. Mỗi bức tượng tướng Giáp đều toát lên thần thái trong những khoảnh khắc khác nhau mà đôi mắt, vầng trán của người là điểm nhấn đặc biệt nhất. Nghệ sĩ Kim Thanh chia sẻ: “Mỗi lần được gặp bác Giáp trong tôi đều có cảm xúc rất đặc biệt, dù là một thiên tài quân sự nhưng trong đời thường bác rất hiền lành, bình dị, chân chất. Cứ sau mỗi lần gặp bác về tôi đều tạc một bức tượng chân dung bác. Từ lúc bác Giáp mất đến nay, rất nhiều tượng chân dung kỷ niệm cao 20cm được nhiều người thỉnh về thờ phụng. Tiền bán tượng đã là những suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học ở quê nhà”.

Khi điêu khắc tượng chân dung các bà mẹ Việt Nam anh hùng thì nghệ sĩ Kim Thanh thấy rằng, mỗi mẹ là một hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng đều có điểm chung là nếp sống giản dị, ung dung tự tại, lạc quan. Đó là điều làm chị rất kính phục ở các mẹ dù chịu bao nhiêu hy sinh, mất mát nhưng vẫn có niềm tin rất lớn ở cuộc đời và chỉ khi nào thực sự cảm, thấu hiểu những hy sinh mất mát và có tình yêu, cảm xúc đối với các mẹ thì mới có thể thực hiện thành công tác phẩm. Trong các bà mẹ Việt Nam Anh hùng mà vợ chồng nghệ sĩ Kim Thanh từng tạc tượng thì bà nhớ nhất là mẹ Bùi Thị Mè (cô năm Mè). Chị nhớ lại: “Lúc thực hiện tác phẩm, cô Năm nói: “Ở đời ráng giữ ba chữ nha con”. Cô im lặng một lát rồi nói: “Đó là chữ Tâm, chữ Đức và chữ Nhẫn. Làm người tốt chưa đủ mà còn phải là một người tử tế”. Thật sự tôi đã học được những bài học lớn về cuộc sống qua những chân dung mình tạo tác nên. Nghệ sĩ Kim Thanh cho rằng đây là bài học rất quý không chỉ trong cuộc sống của vợ chồng chị mà còn trong nghề điêu khắc luôn cần chữ “tâm, đức, nhẫn”.

Nghệ sĩ Kim Thanh đang hoàn thành tác phẩm chân dung GS-TS Trần Văn Khê

Nói như một nhà nghiên cứu văn hóa thì nghề điêu khắc cần phải giỏi về nhân tướng học, nghệ sĩ điêu khắc bên cạnh đôi bàn tay khéo léo phải có cá tính riêng, mỗi bức tượng phải có thần thái, có hồn để người xem có thể đồng cảm, xúc động chứ nghệ sĩ thì không nên phụ thuộc vào thị hiếu của đám đông. Có lần nghệ sĩ Nguyễn Sang – Kim Thanh triển lãm về các bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các nữ Anh hùng Lực lượng vụ trang nhân dân với chủ đề “Sống mãi với thời gian” tại Nhà văn hóa phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cách đây không lâu có nhiều người đã đứng hàng giờ trước các tác phẩm và đã khóc. Lúc đó nghệ sĩ Kim Thanh cũng rơi nước mắt, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc.

Bước ra khỏi khu vườn tượng danh nhân nhà nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang – Kim Thanh lòng tôi có những cảm xúc thật khó tả. Người ta thường nói nghề chọn người, với trường hợp của đôi vợ chồng đam mê điêu khắc Nguyễn Sang – Kim Thanh thì rất đúng với chiêm nghiệm trên. Từ sự lựa chọn của nghề điêu khắc nhưng để đi trên con đường này và thành công lại là một quá trình rèn luyện, học hỏi không ngừng. Dù rằng trong cuộc sống thường nhật anh chị không mấy dư dả về kinh tế nhưng tình yêu nghề đã cho anh chị đủ năng lượng, niềm tin và ý chí để sống với nghề. Giờ đây, mỗi ngày nghệ sĩ Nguyễn Sang – Kim Thanh tiếp tục nặn tượng danh nhân để bổ sung vào khu vườn gần như không còn chỗ trống. Nghệ sĩ Kim Thanh chân thành: “Đây là công trình chúng tôi tự đầu tư, tự bảo tồn các danh nhân văn hóa – lịch sử dân tộc. Và khi nào không còn sức thì thôi chứ còn sức lực chúng tôi vẫn cứ làm và mong sẽ sớm tìm được người đồng cảm để Phòng trưng bày tượng danh nhân sớm ra đời. Là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, tấm gương danh nhân cho thế hệ trẻ học tập”. Đồng thời, anh chị cũng tạc tượng theo nhu cầu của khách là các đơn vị hay gia đình đặt tượng đặt trong khuôn viên trường học, tạc Cha Mẹ, Thầy Cô để tặng trong các dịp mừng thọ, mừng sinh nhật… Kinh phí bán tượng được anh chị tiếp tục đầu tư để hoàn thiện vườn tượng danh nhân.

Cuối buổi trò chuyện anh chị vẫn đau đáu một mong ước là sớm có “Phòng trưng bày tượng danh nhân”. Ước mong này muốn thành công thì cần sự chung tay góp sức của nhiều người trân trọng giá trị văn hóa nước nhà, còn giờ đây nếp thời gian vẫn cứ trôi trong căn nhà nho nhỏ, xinh xinh với khu vườn tượng danh nhân của hai vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc…

Thanh Thanh

Nguồn: petrotimes.vn