Thương hiệu cảm xúc

 

Trong lịch sử phát triển gần đây, chúng ta chưa hề thấy mô hình của những thay đổi mạnh mẽ có thể ảnh hưởng đến xã hội và nền văn minh về mọi mặt, từ kinh tế, xã hội đến kinh doanh. Đây là thời đại của cảm xúc.

Những thay đổi này ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống và thương hiệu của chúng ta trong giai đoạn khủng hoảng này? Cuốn sách này sẽ trả lời câu hỏi đó. Truyền thông trực tuyến đang trao trả quyền năng cho con người, vì vậy, là người tiêu dùng, chúng ta biết nó sẽ thay đổi và buộc các hãng kinh doanh phải phát triển hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mới được trao quyền. Khả năng tồn tại hoặc phát triển của thương hiệu trong môi trường mới này phụ thuộc vào sự sẵn sàng của thương hiệu khi đáp ứng kì vọng của những người được định hướng bởi Twitter, Facebook và các trang web truyền thông xã hội khác – các trang này đã thay đổi truyền thông đại chúng và sự chia sẻ, cam kết và đối thoại đặc quyền đặc lợi.

Phương thức thúc đẩy những sản phẩm mà con người không muốn sẽ chấm dứt vì các ngành kinh doanh mới đang được tạo ra nhằm thu hút mọi người với những lời chào mời khơi gợi nguồn cảm hứng. Mô hình kinh doanh mới tập trung vào sự kết nối thay vì sự kiêu ngạo, vào cảm hứng thay vì cường điệu hóa, đang chiếm ưu thế.

Chúng ta đang rời khỏi một thế giới, nơi người tiêu dùng chứng kiến các công ty sản xuất xe hơi phá sản không bao lâu sau khi hứa hẹn một “cuộc cách mạng Mĩ” và lên tiếng sau khi thương hiệu nước ép trái cây Tropicana thay đổi bao bì của một trong các mẫu thiết kế được tôn trọng nhất trong ngành công nghiệp này. Đã hết rồi thời đại của sự kiêu ngạo thương hiệu đối với người tiêu dùng, và cuốn sách tái bản lần hai Thương hiệu cảm xúc sẽ đưa ra các ví dụ về những thay đổi, chứng minh cách thức lấp đầy khoảng trống giữa phương pháp hợp lý của văn hóa doanh nghiệp với thế giới đầy cảm xúc của người tiêu dùng.

Là một nhà thiết kế và nhà làm phim, tôi sẽ quan tâm đến thành tố quan trọng nhất khi xây dựng thương hiệu: con người. Lấy cảm hứng từ các đoạn băng tôi đã ghi hình cho trang web của mình, (www.emotionalbranding.com), trong cuốn sách này, tôi sẽ trình bày những cảm xúc hình thành nhu cầu và truyền cảm hứng cho các chuyên viên tiếp thị.

Để viết cuốn sách này, tôi cũng phỏng vấn những người có tầm nhìn xa trông rộng – họ phát minh ra phương thức mới để lấp đầy khoảng trống giữa thương hiệu và con người, nhưng tôi cũng nhận thấy thời điểm khi thương hiệu đi sai hướng. Tôi muốn biết tại sao một số nhà hoạt động xã hội được thôi thúc để băng qua biển Thái Bình Dương bằng một con thuyền được làm từ các chai nhựa nhằm phản đối tình trạng ô nhiễm hiện đang nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta, và tại sao trẻ em dưới 10 tuổi không mua sắm tại các cửa hàng không đáp ứng được kì vọng của chúng về tính bền vững. Cuối cùng, vì hơn 50% dân số toàn cầu hiện đang sống tại khu vực nông thôn, tôi tập trung vào sự ảnh hưởng của việc này đối với môi trường và lối sống, và ý nghĩa của việc này khi xét về thói quen tiêu dùng mới. Điều quan trọng nhất là cuốn sách này sẽ nghiên cứu phương thức giúp mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội thu nhận và hiểu rõ thông tin, cách thức và lí do họ kết nối với nhau.

Khi tôi chứng kiến các tòa tháp được dựng lên tại khu ổ chuột ở Rio de Janeiro nhằm giúp người dân kết nối với internet, tôi nhận ra rằng phương tiện truyền hình truyền thống sẽ có vai trò ngày càng nhỏ bé trong tương lai của chúng ta. Thế giới đang chuyển động và hành tinh cũng đang thay đổi nhanh chóng. Có quá nhiều thứ mà chúng ta chưa biết, và chúng ta đang bỏ lỡ rất nhiều thông tin thông qua phương tiện truyền thông truyền thống và được thổi phồng quá mức. Cùng với trang web emotionalbranding.com, cuốn sách này sẽ bắt đầu một cuộc trò chuyện khó có thể tìm thấy được ở bất cứ nơi nào khác.

Tôi đã cập nhật mười thông điệp của Thương hiệu cảm xúc, và các thông điệp này còn phù hợp hơn với thời đại ngày nay. Tôi vẫn tiếp tục nhấn mạnh vào ba thế hệ có uy quyền lớn nhất – thế hệ Baby Boomers, thế hệ X và thế hệ Y – nhằm giải thích lí do khiến thế hệ X, dù với số lượng ít ỏi hơn, sẽ có lúc làm tổn hại đến nền kinh tế vì nhóm dân số này không thể thay thế thói quen tiêu dùng của các Baby Boomers, khi các Baby Boomers này hết tuổi lao động. Bạn sẽ thấy có một chương hoàn toàn mới viết về truyền thông xã hội và báo cáo cập nhật về tình hình quảng cáo, cũng như thách thức mà các công ty quảng cáo phải đối mặt.

Là một nhà thiết kế, một nhà văn, và một nhà sản xuất, tôi vẫn luôn sáng tạo ra những ý tưởng nhằm mở rộng biên giới sáng tạo của mình, nhờ vào khả năng trực giác mạnh mẽ nhất của bản thân, và nhu cầu không ngừng nghỉ được khám phá, nghiên cứu và học hỏi nhằm đáp ứng lòng hiếu kì vô tận của mình. Tôi đem đến cho thương hiệu khả năng kết nối với con người, và tìm ra ngôn từ chính xác để đến được với người tiêu dùng một cách đầy cảm xúc. Tôi muốn thương hiệu nhìn thấy thế giới và những người cư ngụ trên thế giới bằng ánh mắt mới. Tôi muốn thương hiệu nhìn thấy một nụ cười, hiểu được sức mạnh của một giấc mơ được biến thành hiện thực, chuyển động cùng với những con người tôn vinh niềm hi vọng. Và điều quan trọng nhất là giúp các thương hiệu này cảm nhận được cảm giác phấn khích khi làm được điều đúng đắn.

Cuốn sách này viết về một giấc mơ.

Thông tin tác giả: Marc Gobé – nhà sáng lập, chủ tịch và CEO của Desgrippes Gobe, một trong mười công ty sáng tạo hình ảnh thương hiệu đứng đầu thế giới. Cuốn sách Thương hiệu cảm xúc của ông được đánh giá là vô cùng giá trị trên toàn thế giới. Gobé từng giành chiến thắng trong nhiều giải thưởng thiết kế quốc tế, hiện đang sống ở New York.

Thụy Khuê / Nguồn: Công ty Cổ phần Sách Thái Hà