CHIẾC ĐÈN BÃO Ở NHA TRANG
Có nhiều lúc, tôi đã bị ám ảnh và không thể rời mắt khỏi những chiếc đèn bão treo đâu đó ở một góc vườn, bên cạnh lều cỏ hay trên những cổ thụ được đặt trên bờ cát, gần mép sóng, của một khu nghỉ ở Nha Trang. Những ngọn đèn bão nổi bật trên nền trời xanh tím của hoàng hôn. Nó đủ giúp cho những thân cây khô vượt qua cái biểu hình của một tác phẩm điêu khắc. Nó lặng lẽ dẫn lối cho những bước chân đang tìm kiếm một cảm xúc mới lạ. Từ những ngọn đèn bão tỏa ra chút ánh sáng vàng, nhẹ, ấm. Có gì lay động hương hoa nguyệt quế, hoa đại, hoa mộc lan… Với những người nặng lòng với ký ức, ánh sáng của đèn bão thật giống một thứ nhạc nền dịu êm. Nó khích lệ việc kể lại một hành trình gian truân và đầy duyên nợ của rừng với biển, của đại thụ với mây trời. Tất cả như lặng lẽ tô điểm khung cảnh một làng ven biển với những lớp mái ngói trầm mặc và hàng dừa duyên dáng. Rất nhiều cặp đôi, nhất là người nước ngoài, thường đặt bàn tiệc ở bên một không gian có chất liệu ánh sáng rất Á Đông này. Chắc hẳn là có nhiều lý do riêng tư nữa. Nhưng nếu ai vừa trải qua một hành trình đi dọc biển Việt Nam, rất nhiều khả năng, họ đã nhận thấy và gặp lại một ngôn ngữ ánh sáng giản dị, bình dị ở một số khu nghỉ của Huế, Đà Nẵng, Hội An, Phan Thiết, Côn Đảo… Có thể đó là mảng sáng được tạo hình bởi tập hợp những chiếc đèn lồng trong một bar ở phố cổ Hội An. Đó là vệt sáng trầm sâu được cộng hưởng với những ngọn lửa đã góp phần tạo hình hài cho gốm quê. Đôi khi chỉ là một nguồn sáng nhẹ được gói ghém, định hình trong nơm, đó, những dụng cụ đánh bắt cá xưa cũ của người nông dân vùng đồng bằng hay sông nước ven biển…
Những chiếc đèn bão, nơm hay lu gốm thực sự mang đến cho du khách sành điệu một món quà về ánh sáng. Như thể đó từng là một phần ký ức mong manh, hiếm hoi và đang mất dần trong đời sống hiện đại của mỗi người. Nó bình dị như một phần trầm tích vốn có từ rất lâu trong đời sống văn hóa bản địa. Trước những hiện thực xô bồ, hỗn loạn của đời sống và tình trạng ô nhiễm thị giác trầm trọng của đô thị, nó thôi thúc người ta phải định nghĩa lại những giá trị thực, tiềm ẩn trong chốn ở hay không gian sống.
NHỮNG CHIẾC ĐÈN LỒNG TRONG MỘT BAR Ở PHỐ CỔ HỘI AN… VỆT SÁNG TRẦM SÂU ĐƯỢC CỘNG HƯỞNG VỚI NHỮNG NGỌN LỬA ĐÃ GÓP PHẦN TẠO RA HÌNH HÀI GỐM QUÊ… MỘT NGUỒN SÁNG NHẸ ĐƯỢC GÓI GÉM, ĐỊNH HÌNH TRONG NƠM… ĐẾN BAO GIỜ CÁC ĐÔ THỊ MỚI BIẾT TÌM ĐẾN VIỆC CHIẾU SÁNG NHƯ MỘT THỨ CẢM XÚC THAY VÌ LÀ MỘT SỰ GIẢI NGÂN? ĐẾN BAO GIỜ CÔNG NGHỆ MỚI KHÔNG PHẢI LÀ THỨ CÔNG CỤ ĐỂ LAN TỎA CÁI XẤU?
FEUERHAND VÀ HƠN THẾ…
Trong một lần từ biên giới Séc qua Berlin, Đức, tôi khá tiếc khi không có cơ hội ghé qua ngôi làng Beierfeld. Nơi đó, như một du khách người Đức từng dừng chân ở khu nghỉ Nha Trang mà tôi từng kể ở trên, mách bảo: chiếc đèn bão kia phải được gọi tên là… Feuerhand. Chiếc đèn đầu tiên được Nier-Feuerh và ba người con là Bruno, Curt và Woldemar
Nier chế tạo vào năm 1930. Những ngày đó, cùng với công nghệ chiếu sáng, trong xu thế phát triển của các đô thị lớn cộng với những biến đổi mạnh mẽ về vật liệu xây dựng, người ta đã dành thật nhiều tâm trí cho những khái niệm “kiến trúc của đêm”, “kiến trúc ánh sáng”, “kiến trúc chiếu sáng”… 84 năm, gần một thế kỷ trôi qua, thỉnh thoảng cũng có vài chiếc đèn bão được thắp lên trong những nhà vườn nho nhỏ ở ngoại ô Berlin. May mắn lắm thì người ta mới chợt
nhìn thấy những chiếc Feuerhand kiểu “small Baby” từng sản xuất những năm 1940 treo trên chiếc song mã cổ đang đưa khách thăm tòa nhà quốc hội, văn phòng chính phủ hay đi xuyên qua cánh rừng Tiergarten. Đi theo… chiếc đèn này, người ta cũng có một lộ trình và nhiều cơ hội khám phá những biến đổi rất lớn trong thiết kế ánh sáng của người Đức. Có thể lướt qua trung tâm Sony hiện đại với những ấn tượng mạnh mẽ về công nghệ chiếu sáng của Yann Kersalé một nghệ sĩ khái niệm người Pháp. Có thể phải suy ngẫm nhiều hơn về nhà quốc hội mới với Paul Lobe House, văn phòng của các nghị sĩ, nhà Marie-Elisabeth hay văn phòng chính phủ… những tác phẩm chiếu sáng tuyệt vời của kiến trúc sư Stephan Braunfels. Nhưng để có thể hiểu hơn một bản quy hoạch chi tiết, khoa học và tổng thể về ánh sáng, chiếu sáng đô thị hiện đại, người ta buộc phải dừng chân trước Reichstag – tòa nhà quốc hội cũ. Đó không chỉ là một biểu tượng của nước Đức. Ban đêm, từ những gì có thể chiêm ngưỡng, chiêm nghiệm, người ta còn tìm thấy một khái niệm mới về ánh sáng cho Berlin.
Là người thiết kế ánh sáng, Michael Batz từ chối tốc độ nhanh, rất yêu thích màu xám và những hiệu ứng của sự im lặng. Ông quan niệm: Khi nhiều hơn, ánh sáng chỉ là chiếu sáng, là những khuôn mẫu.
Trên nền tảng một kiến trúc Neo-Baroque của Paul Wallot, Michael Batz chỉ phủ nhẹ lên bề mặt Reichstag một tông màu trắng, vàng nhạt. Ban đêm ánh sáng hắt ra từ các cửa sổ, trong vòm kính lớn có phong cách kiến trúc Hi-tech của Norman Foster, cho thấy nhịp sống, sự hoạt động không ngừng nghỉ của một trung tâm quyền lực. Khi quan tâm đến tri thức , vẻ đẹp và chất lượng của sự tồn tại, người được mệnh danh là nhà triết học của ánh sáng, đã mang đến cho Reichstag sự tự tỏa sáng trầm sâu, tĩnh tại. Và tòa nhà trung tâm của nền dân chủ Đức khiến người chiêm ngưỡng phải đi xuyên qua và để tìm thấy những điều vô hình sau cái vỏ vật chất của kiến trúc.
Để trung thành với nguyên tắc: “không dùng điện trong thiết kế ánh sáng”, Michael Batz đã sử dụng công nghệ đènLED của Philips. Mặc dù số lượng điểm ánh sáng tăng gấp tám lần, với chi phí năng lượng trung bình chỉ hơn 1 euro một giờ, giải pháp này giúp cho chi phí chiếu sáng giảm tới 80% và dừng lại ở con số … 5 euro mỗi đêm. Công nghệ mới cũng giúp cho công trình tránh thải khoảng 23.100kg CO2 mỗi năm.
TỰ VẤN
Trên nước Đức, từ Feuerhand đến LED, từ Beierfeld đến Berlin là một chuỗi không ngừng nghỉ của những cuộc cách mạng về ánh sáng. Vậy từ Nha Trang, từ ven biển Việt Nam, có thể kể một câu chuyện nào về những chiếc đèn? Những chiếc đèn bão đã thực sự tỏa sáng và chạm đến cảm xúc của con người? Vì sao tinh thần ấy không thể lan tỏa trong không gian nhận thức và cảm xúc của số đông? Điều này có gì rất đối nghịch với tình trạng ô nhiễm thị giác đang lan tràn ở hầu hết các không gian công cộng của các thành phố lớn. Có gì khác biệt với nhịp chuyển quá nhanh của tổ hợp ánh sáng trên cầu Trường Tiền, Huế. Có gì xa lạ với ánh sáng quá mạnh và hỗn loạn trên các nhịp cầu Đà Nẵng (trừ cầu Trần Thị Lý)? Có gì quá tương phản với thứ ánh sáng đang bôi trát trên những cầu vượt Hà Nội?… Đến bao giờ các đô thị mới biết tìm đến việc chiếu sáng như một cảm xúc thay vì… giải ngân? Đến bao giờ công nghệ mới không còn là công cụ để… lan tỏa cái xấu? Đến bao giờ những người quyết định sinh mệnh của các dự án có thể so đo, tính đếm từ 1- 5 euro để chắt chiu những đồng tiền thuế còm cõi của người lao động?
KHOẢNG CÁCH NÀO GIỮA HÀ NỘI VÀ BERLIN?
Để có câu trả lời thuyết phục, để có thể văn minh như người Đức, chắc chắn mỗi chúng ta rất cần một hành trình tự Khai Sáng!
Theo Tạp Chí Kiến Trúc Nhà Đẹp
d.getElementsByTagName(‘head’)[0].appendChild(s);