Du lịch “tan băng”, các công ty lữ hành tung chiến lược kích cầu

Với những chiến lược và sự quyết liệt của Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19, ngành du lịch đã có chiến lược từng vùng… với “tảng băng” đang tan, hy vọng ngành du lịch hồi phục và có những bước đi vững chắc.

Nhờ triển khai tích cực, trách nhiệm nên 9 ngày qua, Việt Nam không có ca nhiễm mới trong cộng đồng. Chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc. Mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất đạt kết quả bước đầu. Đến nay, các địa phương, kể cả Đà Nẵng, cơ bản trở lại hoạt động bình thường. Các địa phương như Quảng Bình, đã có công văn cho rút trạm kiểm dịch, Thừa Thiên Huế cho phép hoạt động các hoạt động về du lịch (tuy nhiên vẫn chưa có văn bản cho rút bốt kiểm dịch); Quảng Ninh ngoài ban hành văn bản rút bốt kiểm dịch đến vùng dịch, thì tỉnh cũng có động thái họp cùng doanh nghiệp du lịch để tháo gỡ khó khăn sau dịch. Chính những động thái đó của các tỉnh, chỉ sau vài ngày, các địa phương và vùng miền đã có những chiến lược cho định hướng và pháp triển du lịch của từng địa phương của mình. Các công ty lữ hành chỉ chờ có vậy đã xây dựng chiến lược cụ thể cho khách của mình, và họ đã an tâm điểm đến an toàn.

Mùa nào thức ấy

Như mọi năm, câu chuyện “mùa nào thức ấy” luôn được các công ty du lịch chuẩn bị sẵn sàng, với những bài toán từ maketting đến kích cầu sâu rộng. Năm nay cũng vậy, sau dịch Covid-19 lần 2, “mảng băng” đã bắt đầu tan dần, để chuẩn bị cho hướng đi của công ty mình, lữ hành các vùng miền đã chuẩn bị bài bản kế hoạch lên lộ trình của tuyến đi. Khi dịch Covid-19 được khoanh vùng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, thì du lịch miền Bắc đã có những chuyến đi khảo sát thực tế như Yên Bái, Hà Giang, Pù Luông (Thanh Hóa), Lạng Sơn, Lào Cai, Sa Pa… cùng với các tỉnh phía Bắc, như vòng cung Tây Bắc, ngắm những thưở ruộng bậc thang vào độ lúa chín, báo mùa vàng trên khắp các sườn đèo… Hay Ninh Bình cũng được giới du lịch đưa vào cung đường “hót”.

Du lịch miền Bắc là vậy, còn miền Nam, các tour đi Côn Đảo được giới chuyên môn xem là điểm luôn “hot”. Chính vì vậy, hàng không đã tích cực mở thêm nhiều chuyến tuyến điểm này. Điển hình như Bamboo tăng thêm tuyến bắt đầu từ cuối tháng 9 năm nay, như Hà Nội- Côn Đảo, Hải Phòng- Côn Đảo, Vinh- Côn Đảo.

Hay tuyến Đà Lạt, xứ sở ngàn hoa, chào bán với giá vé kích cầu, với chiều đi và về, ngủ 2 đêm ở khách sạn 3 đến 4 sao, ăn uống đầy đủ mà giá đưa ra cho một người chỉ 2 – 3 triệu đồng của Công ty Cổ phần dịch vụ Quốc tế MTV Việt Nam (Hà Nội). Hay tour Phú Quốc cũng được giới du lịch đưa vào chương trình một trong những điểm đến yêu thích.

Miền Trung: Du lịch tan băng chậm

Đà Nẵng được xem là thủ phủ du lịch của miền Trung, vừa thoát khỏi lệnh cách ly, nên công tác chuẩn bị cho du lịch khởi động lại sẽ đang trong giai đoạn dè chừng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo: “Lưu ý nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực và có thể tiếp tục có ca mắc trong cộng đồng, đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta tiếp tục mở cửa”. Nên công tác kích cầu, hay maketting cũng là bài toán cẩn trọng trong thời điểm này.

Quảng Bình điểm đến hấp dẫn của nhiều tour đoàn, cũng đã bắt đầu có dấu hiệu “rã băng”, trong những ngày qua, đã có một số tour về Quảng Bình, đó là tín hiệu vui và lạc quan của ngành du lịch Quảng Bình. Quảng Bình vẫn áp dụng chiến lược kích cầu cho hết tháng 12/2020. Tuy nhiên, để bài toán kích cầu và quảng bá tốt hơn, Quảng Bình cần có chiến lược truyền thông sâu rộng. Hiện nay, du lịch Quảng Bình có những ưu điểm mà không có địa phương nào có được, đó là tour hang động được xếp vào bậc nhất, bên cạnh đó Quảng Bình lại có biển, các làng du lịch cộng đồng và đặc biệt Quảng Bình có thêm các điểm di tích văn hóa rất nổi tiếng… Thêm nữa, những năm vừa qua, thời tiết thay đổi, nên Quảng Bình không có mưa bão nhiều, khí hậu ôn hòa, mùa đông ngắn (chừng 1 tháng), con người thân thiện mến khách, chính vì vậy, du lịch Quảng Bình luôn là sự lựa chọn ưu tiên của các tour đoàn.

Tuy nhiên, để du lịch phát triển và “băng tan” thì câu chuyện chung tay của nhiều tỉnh cần phải được quan tâm Hiện nay vẫn còn có hiện tượng ngăn sông cấm chợ, chính vì vậy Thủ tướng đã nhắc các địa phương không áp dụng biện pháp hạn chế đi lại, giao thương, “ngăn sông cấm chợ”. Thủ tướng nhấn mạnh “quan điểm sẵn sàng tạo mọi điều kiện để thúc đẩy, thu hút đầu tư, nhất là từ các đối tác lớn”. Hiện nay, hàng không Việt Nam cũng đã tăng cường nhiều chuyến bay đến Đà Nẵng, và sắp tới sẽ tăng cường nhiều hơn các chuyến bay đến Đà Nẵng trong thời gian sắp tới.

Hy vọng với những chính sách và quyết liệt trong chống dịch của Chính phủ, ngành du lịch trong thời gian sắp tới sẽ có những tín hiệu vui, và báo hiệu đã tan băng.

Đinh Thanh Loan