Tối 30-4, tại thành phố Huế đã diễn ra Lễ hội áo dài với chủ đề “Hội họa Huế và áo dài,” thu hút hàng vạn công chúng và khách du lịch tham dự, thưởng lãm.
Đây là điểm nhấn trong Festival Nghề truyền thống Huế 2017.
Vẻ đẹp thướt tha, dịu dàng và nữ tính của áo dài đã trở thành trang phục mang đậm dấu ấn thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN) |
Theo ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế, Phó Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2017, chủ đề hội họa trong tà áo dài thực sự là cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa của tà áo dài và hội họa Huế.
Đặc biệt, không gian trình diễn lễ hội áo dài cũng hết sức độc đáo, với khung cảnh cầu Tràng Tiền và đường Lê Lợi càng làm tôn nên vẻ đẹp của bộ sưu tập áo dài trong lễ hội lần này.
Hội họa Huế đã trải qua thời gian dài, nhiều tác giả với những tác phẩm ấn tượng đã làm rạng danh cho mảnh đất ngày như cố họa sỹ Tôn Thất Đào, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Vó Xuân Huy; các họa sỹ đương đại như Trương Bé, Đặng Mậu Tựu, Công Huyền Tôn Nữ Tuyết Mai, Phan Thanh Bình… cùng kết hợp với các nhà thiết kế Quang Huy, Chu La, Vũ Việt Hòa, Ngọ Hân, Thanh Thúy, Viết Bảo, Khánh Shyna, Minh Hạnh… tạo nên những bộ áo dài hết sức độc đáo, thu phục người xem.
Ông Nguyễn Đăng Thạnh cho biết sự kết hợp của áo dài với những tác phẩm hội họa không chỉ mang lại giá trị vật chất cho cuộc sống mà còn mang lại giá trị tinh thần vô giá, biểu đạt được giá trị thẩm mỹ của một trang phục bao đời đã thấm sâu vào tâm hồn người phụ nữ Việt Nam.
Qua lễ hội, đặc biệt là chiếc áo dài được trình diễn ngay trên cầu Tràng Tiền cho thấy sự kết hợp hoàn mỹ giữa “tinh hoa hội họa Huế,” “cầu Tràng Tiền huyền thoại, hoa mỹ” tạo nên sắc thái riêng “chiếc áo dài – niềm tự hào của người Việt Nam” trong sự tán thưởng nhiệt tình của công chúng và khách du lịch đến Huế trong dịp này.
(Theo TTXVN)