1. Mỗi lần về nhà cũ, tôi vẫn thích nhất nằm bên cửa sổ nhìn lên vòm lá xanh sau hè nghe cây lá lao xao mà ký ức lồng lộng ùa về như gió. Cái ô cửa sổ hướng về phía gió Nồm thổi là nơi đặt cái giường của mẹ tôi. Hồi trước, sau ô cửa là cây ổi già. Bây giờ cây ổi không còn, thay vào đó là hai cây khế và mãng cầu đan cành đan lá vào nhau tạo thành một khoảng xanh mát. Hồi còn sống, mẹ tôi kể lại rằng tôi là đứa ưa nhìn ra cửa sổ nhất, cứ mỗi lần mưa gió đóng cửa lại là cứ khóc thét lên rồi õng ẹo hồi lâu mới chịu thôi. Có lẽ vì ưa nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn lá xanh, nắng vàng, mưa trắng nên trí nhớ của tôi vẫn còn như in những câu chuyện tuổi thơ lung linh như cổ tích.
Là hương ổi chín thơm nao nức những trưa hè; là cái tổ chim sẻ bị một cơn gió mạnh thổi rớt từ ngọn cau xuống với mấy con chim non mới ra lông ống há mỏ chờ mồi. Mấy anh em chúng tôi đã lượm cái tổ chim sẻ đó và thay mẹ chúng nuôi đàn chim non cho đến khi chúng bay đi tìm đàn. Nhớ nhất là những buổi trưa, ba mẹ tôi đi sang giã ớt sau nhà hàng xóm. Tôi được phân công ở nhà ru em. Tiếng chày giã ớt buổi trưa đều đặn khó nhọc của người lớn và cái mát dịu của cơn gió Nồm đã đưa mấy anh em vào giấc ngủ trưa hè lúc nào không hay…
Cây ổi sau hè vươn cao qua khỏi mái nhà. Sau những cơn mưa dông chiều hoặc buổi tối mùa hè, hay những cơn mưa dài đầu thu; ổi chín tới trái vàng thoảng hương vào nhà. Vậy là hai anh em tôi tót lên cây hái ổi ăn luôn trên cành. Có lần, có mấy trái ổi to chín tới, tôi leo cây hái xuống cho cả mấy đứa bạn trong xóm ăn bị bà nội tôi la cho một trận vì mấy trái ổi đó bà định để dành mang ra chợ bán trong dịp cúng rằm sắp tới…
2. Cứ mỗi lần bắt gặp cảnh mệ già nách một mớ khế ngọt xuống vỉa hè chợ Bến Ngự bán, lại thấy nao nao. Cái cảm giác đó của tôi cũng giống như khi thấy gánh bún chay của mệ già nơi đầu con hẻm nhỏ đường Lịch Đợi gần nhà vào các sáng rằm hay mồng Một. Mấy mệ bán mua chẳng phải để mưu sinh gì mà chỉ là kiếm mấy đồng tiền lẻ ăn trầu, hút thuốc và cũng là thương cây trái trong vườn như mấy chùm khế ngọt, hay cũng để giữ gìn nghệ thuật ẩm thực chay dân gian riêng có của xứ cố đô này… Có lần tôi hỏi một người bạn: “Vì sao trong vườn nhà nào ở Huế cũng đều có một đến vài cây khế?”. Bạn nói rằng cây khế mà trồng trong vườn là có duyên lắm! Từ “duyên” của bạn nghe hay hay nên tôi không hỏi thêm gì nữa. Rồi chịu khó quan sát thấy mấy cây khế ngọt có, chua có cạnh nhà hàng xóm cứ ra hoa kết trái quanh năm, mùa nối mùa đến khi chín người nhà thích thì hái ít trái vào ăn chơi, không thì rụng ra đầy vườn cũng chẳng ai để ý. Lâu lâu mới thấy một hay hai mớ khế ngọt của mấy mệ bày bán ở vỉa hè, chắc là giá cũng rẻ lắm…
Một lần thấy trên Facebook của một người bạn chụp mấy chùm trái khế rất mọng và chú thích rằng: “Túi ba gang may rồi, chờ chim mãi mà chim không đến…”. Ngắm chùm khế thấy an nhiên lắm và chợt nhớ câu hát mà người bạn vẫn thường ngân nga: Một ngày tình cờ – Trên đường phố tôi có bàn chân em – Mặt trời thì hồng – Còn trên cây khế có nhiều tiếng chim…
3. Chợt một chiều dừng lại bên đường và nhìn vào vườn nhà ai đó thấy một cây trứng gà đang chín quả và bần thần nhớ về một loài cây gần gũi lắm mà sao ít được nhớ đến trong những gam màu ký ức cây cỏ tuổi thơ của tôi.
Có lẽ do tôi ghét ăn thứ trái trứng gà vừa ngọt ớn khó chịu lại làm dơ tay. Cây trứng gà mọc lung tung khắp vườn quê, rồi ra hoa kết trái lúc nào cũng ít ai để ý. Nó cũng như cây khế chua vậy, nhưng trái khế còn để nấu canh chua, ăn với rau sống, muối dưa…, còn trái trứng gà cứ lúc lỉu quả trên cây rồi chín, vườn nhà nào siêng thì hái vài rổ mang ra chợ bán cũng rẻ lắm; còn nhà ai đã có nhiều loài cây trong vườn rồi thì chẳng hái làm gì. Trẻ con trong xóm vốn thích ăn trái cây nhất nhưng đã mất công trèo cây hái quả thì chúng chọn mấy loại trái ngon như ổi, xoài, khế ngọt mà hái. Thế là trái trứng gà rụng đầy vườn, cũng chẳng ai lượm.
Vậy mà bất chợt gặp cây trứng gà bên vườn phố tôi lại thấy nhớ… Chắc là nhớ mùa cây trứng gà trổ bông, những nụ bông be bé xinh xinh hình búp rụng trắng gốc cây được bọn con gái trong xóm lượm và lấy chỉ khâu thành một sợi dây chuyền đeo ở cổ. Nhớ có lần con bé hàng xóm đeo một sợi dây như vậy xuống ngã ba xóm khoe bị tôi nghịch ngợm giật đứt nó khóc ba làng bảy xóm cùng nghe. Tôi sợ quá nên ba chân bốn cẳng tót lên cây hái xuống đủ một ôm thật to bông trứng gà để đền. Hay là chuyện mấy thằng trong xóm chia phe chơi trò “lính đi, lính bắn” hái mấy trái trứng gà sống ném nhau có đứa trúng đòn trán u như trái trứng gà…
Vườn ở quê bây giờ cũng ít thấy cây trứng gà mà thay thế bằng những loại cây có kinh tế hơn như xoài, cam, quýt… Vậy mà trứng gà vẫn cho trái vàng cây trong vườn ở phố. Đó là những khu vườn mà chủ nhà trồng cây để làm bầu bạn tháng ngày chứ không phải để làm kinh tế, có lẽ vậy!
Theo doanhnhansaigoncuoituan.com.vn