TV màn hình cong: Chẳng phải bước đột phá

 

Các hãng sản xuất màn chiếu nổi tiếng nhất như Stewart Filmscreen lâu nay cũng từng sản xuất màn hình cực rộng (cinemascope) với dạng cong.

Màn chiếu Stewart Filmscreen với màn hình cực rộng dạng cong.

Màn hình cong cực rộng, kết hợp với ống kính anamorphic và máy chiếu tương thích, sẽ tạo ra một trường nhìn FOV (field of view) rộng hơn so với màn hình phẳng. Với ống kính anamorphic, hiện tượng hình mặt gối sẽ xảy ra làm cho hình ảnh trên màn hình bị oằn vào trong khi chiếu trên một mặt phẳng. Hiện tượng méo hình học này chỉ có thể điều chỉnh bằng cách sử dụng một màn chiếu cong phù hợp thay vì màn chiếu phẳng.

Ngoài ra, màn hình cong kéo dài còn có những lợi điểm khác như tính đồng nhất của độ sáng được cải thiện và hầu hết phim chiếu không bị vạch đen ở phần trên và phần dưới của màn hình. Kết quả là người xem sẽ có được một trải nghiệm phim toàn diện, nhờ vào hiệu ứng phủ quanh (wraparound) và tỷ lệ màn hình cực rộng quen thuộc của những rạp hát màn hình lớn.

Màn hình cong có trường nhìn rộng hơn màn hình phẳng (phần màu tô đậm).

Trong khi màn hình cong có thể nâng cao hiệu năng của máy chiếu, chúng có thực sự làm thay đổi TV không? Hiện chưa có câu trả lời rõ ràng, và nếu có cải thiện nào về mặt thị giác thì điều đó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

Trước hết, dường như TV màn hình 80 inch hay rộng hơn sẽ có lợi từ màn hình cong. Người xem ngồi gần màn hình hơn sẽ nhận thấy được rõ hơn hiệu ứng rạp hát.

TV không thể bị hiện tượng méo hình học như máy chiếu và ống kính anamorphic vì đơn giản là hầu hết các loại màn hình hiện nay đều có định dạng màn hình rộng (widescreen). Trường hợp ngoại lệ là loại TV Cinema 21:9 của Philips (hiện không còn bán ra), được trang bị màn hình có kích thước cinemascope. Loại TV này đã ngưng sản xuất hồi năm ngoái vì người tiêu dùng ít quan tâm. Ngoài ra, tất cả các loại TV màn hình rộng đều bị hiện tượng méo hình học không đáng kể.

TV OLED màn hình cong của LG có khả năng sẽ được bán ra trước tiên.

Tại Triển lãm CES 2013 vừa qua, cả 2 hãng điện tử LG và Samsung của Hàn Quốc đều đã trình làng mẫu TV màn hình cong của họ, được sản xuất dựa trên công nghệ màn hình OLED. Màn hình OLED tự chiếu sáng dễ uốn cong không như màn hình LCD và plasma. Tuy nhiên, so với một TV OLED màn hình phẳng 55 inch của LG có giá bán lẻ 12.000 USD, thì mẫu TV OLED màn hình cong cùng kích thước chắc chắn sẽ đắt tiền hơn nhiều khi được bán ra.

Cả hai hãng sản xuất này đều quảng cáo TV OLED màn hình cong của họ có hình ảnh tốt hơn, nhưng vẫn chưa rõ là loại TV này thực sự hoạt động ra sao. Hơn nữa, bạn có thể thấy chúng quá đắt tiền và được bán ra với số lượng nhỏ.

Xét về mọi mặt, xu hướng mới xuất hiện này khó có thể gây ảnh hưởng lớn trong năm nay, dù nó có thể được xem là một bước tiến tự nhiên đối với màn hình OLED.

Theo VnExpress