Công dụng của sữa chua
Trong sữa chua có chứa 2 thành phần chính là Bifido Bacterium và Lactobacillus Acidophillus. 2 chất này đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng đường ruột cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho lợi khuẩn trong đường ruột phát triển. Sữa chua có khả năng bổ sung lợi khuẩn và tạo kháng sinh giúp ngăn chặn sự sinh sôi của các vi khuẩn có hại cho cơ thể, do đó tăng cường hệ miễn dịch hiệu quả.
Với nguyên tắc hoạt động trên, sữa chua mang đến những lợi ích to lớn đối với sức khỏe và sự tươi trẻ. Ăn hoặc uống sữa chua mỗi ngày sẽ giúp bạn tăng sức đề kháng cho cơ thể, kích thích hoạt động của hệ tiêu hóa, trẻ hóa làn da, tăng cường tuổi thọ và sự trẻ trung.
Tuy nhiên, việc ăn sữa chua cũng cần tuân theo một số quy tắc thì cơ thể bạn mới có thể hấp thụ được các dưỡng chất cần thiết và tránh được những tác hại không mong đợi từ loại “thần dược” này. Như vậy, ăn sữa chua như thế nào là đúng cách?
Thời điểm thích hợp
Lợi khuẩn trong sữa chua chỉ phát huy tác dụng trong môi trường cân bằng độ kiềm và axit, do đó bạn tuyệt đối không nên ăn sữa chua lúc bụng đang đói. Lý do là vì khi đó, nồng độ axit trong dạ dày cao hơn bình thường sẽ giết chết các lợi khuẩn, khiến cho sữa chua không phát huy tác dụng. Thời điểm ăn sữa chua tốt nhất là sau bữa ăn khoảng 1 đến 2 tiếng đồng hồ. Môi trường cân bằng trong dạ dày lúc này sẽ tạo điều kiện cho axit lactic sinh trưởng tốt, cơ thể hấp thụ lợi khuẩn hiệu quả nhất.
Các chuyên gia còn đưa ra “2 thời điểm vàng” trong ngày để ăn sữa chua có lợi nhất, đó là sau bữa ăn trưa và tối.
Ăn sau bữa ăn trưa:
Lời khuyên dành cho những người làm việc văn phòng là hãy ăn một cốc sữa chua sau bữa ăn trưa. Vitamin B trong sữa chua sẽ giúp tăng cường khả năng chống lại các bức xạ trong quá trình làm việc trước máy tính. Ngoài ra, chất tyrosine cũng giúp giải tỏa căng thẳng, tạo cảm giác thư giãn và hấp thụ dinh dưỡng bữa ăn tốt hơn.
Ăn sau bữa ăn tối:
Buổi tối là thời điểm tốt nhất để ăn một ly sữa chua. Vào thời gian này, lượng canxi trong cơ thể bắt đầu giảm dần, các yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình hấp thụ canxi ít hơn, do đó cơ thể sẽ hấp thụ canxi trong sữa chua với công suất cao nhất. Ngoài ra, khi cơ thể đang sắp bước vào trạng thái nghỉ ngơi, uống một ly sữa chua sẽ giúp bộ máy tiêu hóa, hệ miễn dịch và làn da tận dụng được hết các chất dinh dưỡng trong khi ngủ. Bạn nên nhớ là đừng sử dụng sữa chua khi đang đói nhé!
Ăn với lượng như thế nào là hợp lý?
Một người trưởng thành tốt nhất nên ăn tối đa 2 ly sữa chua mỗi ngày, vào 2 thời điểm vàng trưa và tối. Không nên ăn quá nhiều vì sữa chua sẽ làm axit trong dạ dày tăng cao, gây cảm giác chán ăn và làm hại dạ dày.
Những ai không nên ăn sữa chua?
Bố mẹ không nên cho trẻ dưới 1 tuổi dùng sữa chua bởi vì khi đó bộ máy tiêu hóa của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, không hấp thụ được các thành phần trong sữa chua. Sữa chua cũng không tốt đối với người bệnh liên quan tới dạ dày, đường ruột, có khả năng gây loét dạ dày nếu như ăn theo cách không khoa học.
Bệnh nhân tiểu đường, viêm mật, viêm tuyến tụy và xơ vữa động mạch không nên ăn các loại sữa chua béo có đường.
Sáng tạo món ăn từ sữa chua đúng cách
Một số kết hợp từ sữa chua và thực phẩm khác sẽ đem lại hương vị tươi ngon, mới lạ. Ví dụ như bạn có thể trộn sữa chua với dâu tây, chuối, hạnh nhân, quế, mật ong hoặc cacao để tăng thêm mùi vị và giá trị dinh dưỡng. Bạn cũng có thể kết hợp nó với các thức ăn dạng tinh bột như mì, bánh bao, cơm chẳng hạn.
Việc hâm nóng sữa chua không ảnh hưởng xấu tới tác dụng của nó, ngược lại còn tăng thêm hoạt tính của các lợi khuẩn. Sữa chua ấm khoảng 45 độ C là vừa đủ để cung cấp dưỡng chất tốt cho cơ thể.
Theo: mevacon.com.vn